EVN dự kiến lỗ hơn 31.000 tỷ đồng năm nay
EVN ước tính lỗ 15.758 tỷ đồng trong 10 tháng đầu năm và số lỗ cả năm dự kiến là 31.360 tỷ đồng do chi phí sản xuất tăng vì giá than, dầu, khí tăng.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, biến động giá nhiên liệu (than, dầu, khí) thế giới từ đầu năm đến nay khiến chi phí sản xuất, mua điện của doanh nghiẹp này tăng vọt.
So với kế hoạch vận hành hệ thống điện đã được Bộ Công Thương phê duyệt từ đầu năm, giá nhiên liệu leo thang khiến EVN có thể lỗ lên tới hơn 64.800 tỷ đồng.
Tập đoàn này cho biết, nhờ cắt giảm các chi phí (sửa chữa, chi thường xuyên…), tạm chi lương bằng 80% bình quân năm 2020; vận hành tối ưu hệ thống điện để phát tối đa nguồn chi phí thấp (thuỷ điện) và tối ưu hoá dòng tiền… giúp giảm lỗ khoảng 33.445 tỷ đồng.
Như vậy, dự kiến năm nay EVN có thể lỗ khoảng 31.360 tỷ đồng. Trước đó, theo số liệu báo cáo tài chính 6 tháng, “ông lớn” ngành điện ghi nhận lỗ sau thuế hơn 16.586 tỷ đồng, sau khi trừ đi các chi phí tài chính, quản lý, bán hàng…
Tuy vậy, các biện pháp trên vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện đang tăng rất cao, ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh 10 tháng đầu năm, với số lỗ khoảng 15.758 tỷ đồng. Tập đoàn này dự kiến cả năm lỗ khoảng 31.360 tỷ.
Theo dự báo, giá nhiên liệu thế giới năm 2023 chưa có dấu hiệu giảm về mức bình quân năm 2021, tỷ giá ngoại tệ USD vẫn tăng, tỷ trọng nguồn điện giá rẻ (như thuỷ điện) giảm và tăng tỷ trọng nguồn điện giá bán cao…
Với tình hình tài chính hiện nay, tập đoàn này cho biết vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong cân đối dòng tiền để thanh toán chi phí mua điện, cân đối và huy động vốn để đầu tư các dự án điện… Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của EVN năm 2023 và các năm tới.
Theo báo cáo Bộ Công Thương, giá điện đang đứng trước áp lực tăng giá khi các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện đều tăng vọt từ đầu năm đến nay.
Chẳng hạn, bình quân giá than trộn của TKV, Tổng công ty Đông Bắc đã tăng 63%. Giá than nhập khẩu cũng tăng hơn gấp đôi, lên 304,8 USD một tấn. Dầu thô Brent lên 104,4 USD một thùng, gấp gần 2,5 lần.
Tính toán của EVN hồi giữa năm, giá bán lẻ điện bình quân năm 2022 lên mức 1.915,59 đồng một kWh. Mức này cao hơn 2,74% so với giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng từ năm 2019, là 1.844,64 đồng một kWh.
Chi phí sản xuất và giá bán lẻ điện bình quân tăng nhưng EVN khẳng định tiếp tục đảm bảo sản xuất, cung ứng điện an toàn, liên tục phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và sinh hoạt người dân.
Phản hồi