Dow Jones rơi mạnh, hơn 500 điểm bị thổi bay do ảnh hưởng từ “quả bom nợ” Evergrande của Trung Quốc
Tính tới 22h39 theo giờ Hà Nội, Dow Jones đã mất 540 điểm, rơi xuống còn 34.045 điểm, tương đương 1,56%. S&P 500 cũng mất 1,71% trong khi Nasdaq mất mát nặng nề nhất với 332,4 điểm, tương đương 2,21%.
Giống như phần còn lại của thế giới, chứng khoán Mỹ vẫn đang diễn biến tiêu cực do các nhà đầu tư lo lắng về nguy cơ vỡ nợ của Evergrande, tập đoàn bất động sản Trung Quốc đang nợ tới 300 tỷ USD. Những diễn biến này đang được đánh giá là tiêu cực bởi từ 18/8, S&P 500 chưa phải hứng chịu mức giảm hơn 1%.
Zhiwei Ren, một nhà quản lý danh mục đầu tư tại Penn Mutual Asset Management, cho biết: “Đó là một ngày thứ 2 đầy bất ngờ. Chúng tôi chắc chắn đang thận trọng hơn ở thời điểm này”.
Với S&P 500, sự sụt giảm diễn ra trên diện rộng khi 10/11 nhóm ngành chìm trong sắc đỏ. Các nhà đầu tư ngày càng lo sợ khả năng Trung Quốc sẽ để Evergrande vỡ nợ, gây thiệt hại cho những cổ đông và những người nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp. Hiện tại, khoản nợ của Evergrande là khoản nợ lớn nhất mà một công ty bất động sản đại chúng từng gánh trên quy mô toàn cầu.
Những lo ngại với Evergrande xảy ra khi các nhà đầu tư đang thận trọng hơn với triển vọng cổ phiếu sau một đợt bùng nổ kéo dài cả năm. Các nhà quản lý tiền tệ cho biết việc định giá có vẻ đã khá cao và cũng chỉ ra những dấu hiệu cho thấy những diễn biến đáng lo ngại của dịch bệnh do biến thể Delta gây ra.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng cú sụt giảm của chứng khoán Mỹ có thể bắt nguồn từ một thời gian dài tăng không ngừng nghỉ. Trong phần lớn mùa hè, các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức đã liên tiếp đổ tiền vào chứng khoán, giúp S&P 500 mạnh kỷ lục. Thị trường cũng biến động ít trong thời gian qua.
Dẫu vậy, tâm trạng các nhà đầu tư đã thay đổi trong tháng 9. Nhiều nhà đầu tư chuẩn bị tinh thần cho những biến động mạnh hơn trong những tháng mùa thu. Một số người ở phố Wall nói rằng họ nghĩ lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ mờ nhạt dần trong phần còn lại của năm.
Các nhà phân tích Morgan Stanley, Citigroup, Deutsche Bank và Bank of America cũng đã ban hành khuyến nghị, cảnh báo về rủi ro trên thị trường chứng khoán Mỹ. Trong khi đó, nhiều người khác cho rằng kỳ vọng tăng trưởng kinh tế sẽ giảm xuống.
Trong các dấu hiệu khác, các nhà đầu tư đang chuyển từ tài sản rủi ro sang các tài sản an toàn hơn. Giá dầu tiếp tục giảm trong khi lợi tức kho bạc và đồng USD mạnh lên. Các tài sản đầu cơ khác, chẳng hạn như Bitcoin, cũng đang giảm mạnh.
Trước đó, tại Hồng Kông, cổ phiếu Evergrande cũng bị bán tháo mạnh với mức giảm lên tới 14%. Hang Seng Index cũng bị bán tháo mạnh, có lúc giảm tới hơn 1.000 điểm. Tuy nhiên, cuối phiên giao dịch, chỉ số này đã phục hồi trở lại với mức giảm còn hơn 800 điểm. Thị trường chứng khoán Trung Quốc đóng cửa nghỉ lễ.
Phản hồi