Dow Jones lập kỷ lục mới, giá dầu giữ đà tăng, Bitcoin hướng đến mốc 70.000 USD
Giá dầu tiếp tục xu hướng tăng và ở vùng cao nhất trong nhiều năm, trong khi giá Bitcoin phá kỷ lục cũ và hướng về mốc 70.000 USD.
Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 0,43%, đạt 35.609,34 điểm, vượt kỷ lục cũ thiết lập hồi giữa tháng 8. Chỉ số S&P 500 tăng 0,37%, đánh dấu phiên tăng thứ tư liên tục, chốt ở 4.536,19 điểm. Với mức điểm này, S&P 500 chỉ còn thấp hơn 0,2% so với kỷ lục mọi thời đại.
Riêng chỉ số Nasdaq giảm 0,05%, còn 15.121,68 điểm.
“Dow Jones lập đỉnh cao mọi thời đại mới trong phiên này, một lần nữa cho thấy sự vững vàng của lực cầu và tầm quan trọng của các cổ phiếu chu kỳ trong đợt tăng điểm này của thị trường”, CIO Chris Zaccarelli của Independent Advisor Alliance nhận định với hãng tin CNBC.
Giới đầu tư ở Phố Wall vẫn đang dõi theo mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2021 để đánh giá về tăng trưởng lợi nhuận cũng như những dấu hiệu về áp lực chi phí và gián đoạn chuỗi cung ứng. Trong số khoảng 70 công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo tính tới thời điểm này, 86% đưa ra doanh thu và lợi nhuận vượt dự báo, theo Refinitiv.
“Hiện tại không có những dấu hiệu của sự suy giảm tỷ suất lợi nhuận trên diện rộng. Có lẽ, có quá nhiều tiền trên thị trường vào lúc này, đến mức mà áp lực giá cả bị bỏ qua”, trưởng bộ phận nghiên cứu của Deutsche Bank, ông Jim Reid, đánh giá trong một báo cáo.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London chốt phiên tăng 0,74 USD/thùng, tương đương tăng gần 0,9%, chốt ở 85,82 USD/thùng, gần ngưỡng cao nhất 7 năm. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York tăng 1,1%, chốt ở 83,87 USD/thùng, cũng là ngưỡng cao nhất 3 năm.
Giá dầu tăng yếu đi sau khi Trung Quốc tăng cường các nỗ lực nhằm kiềm chế giá than cao kỷ lục và đảm bảo các mỏ than ở nước này hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu của các nhà máy nhiệt điện. Thời gian gần đây, giá dầu tăng mạnh một phần do giá khí đốt và giá than tăng trên toàn cầu dẫn tới lo ngại các nhà máy phát điện phải chuyển sang dùng dầu thô để thay thế.
Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia ngày 20/10 nói rằng việc chuyển từ khí đốt và than sang dầu có thể khiến nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới tăng thêm từ 500.000-600.000 thùng/ngày trong mùa đông năm nay, tuỳ thuộc vào độ lạnh của thời tiết và giá của các loại nhiên liệu.
Trong một dấu hiệu cho thấy sự gia tăng của nhu cầu tiêu thụ và tình trạng thiếu hụt nguồn cung, tồn kho dầu thô của Mỹ giảm 431.000 thùng trong tuần gần nhất, thay vì tăng như dự báo – theo báo cáo hàng tuần của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA). Dự trữ xăng cũng giảm hơn 5 triệu thùng, một phần do các nhà máy lọc dầu giảm hoạt động để bảo trì.
Trên thị trường tiền số, đà tăng vẫn duy trì sau khi quỹ ETF Bitcoin đầu tiên đi vào giao dịch ở Mỹ hôm 19/10.
Đêm qua theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin có lúc vượt 66.900 USD, phá vỡ kỷ lục cũ là 64.899 USD thiết lập hồi cuối tháng 2. Lúc hơn 7h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin đứng trên 65.800 USD, tăng gần 2,7% so với cách đó 24 tiếng.
“Vấn đề quan trọng nhất là thị trường có thiết lập được ngưỡng hỗ trợ trên 65.000 USD”, CEO Jesse Proudman của Makara nhận định. “Nếu được, đợt tăng kinh điển này có thể đưa Bitcoin tới những dự báo giá ‘khủng’ hơn nhiều so với những gì đã chứng kiến trong những tháng gần đây. Nhưng nếu áp lực bán gia tăng, thị trường sẽ phải lùi lại một chút trước khi có thể tiến tiếp”.
Bình luận lạc quan từ một nhà giao dịch huyền thoại cũng khiến thị trường tiền ảo thêm hưng phấn. Nhà đầu tư tỷ phú Paul Tudor Jones gọi tiền ảo là kênh đầu tư chống lạm phát mà ông thích hơn vàng.
“Bitcoin là một kênh đầu tư phòng hộ tuyệt vời. Tiền ảo là như vậy”, ông Jones nói trong cuộc trao đổi với CNBC. “Đã có sẵn một kế hoạch cho tiền ảo, và rõ ràng tiền ảo đang thắng trong cuộc đua với vàng vào lúc này… Tiền ảo là thứ tôi thích hơn vàng vào lúc này.
Phản hồi