Đón sóng đầu tư công, ngành nào sẽ hưởng lợi?
Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá, trước tác động của làn sóng dịch bệnh Covid-19, bức tranh kinh tế Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2021 chủ yếu mang “gam màu trầm”. Nhiều tổ chức đã đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 trong bối cảnh các chỉ số đều ghi nhận sự giảm tốc.
Tuy nhiên, BSC cho rằng, đầu tư công được cho là vũ khí để chống lại tình hình suy giảm kinh tế – đây cũng là giải pháp đã được nhiều quốc gia sử dụng.
Tính đến thời điểm hiện tại, 5 bộ và cơ quan Trung ương có kế hoạch giải ngân trên 5.000 tỷ đồng, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ước đạt giải ngân 4.501 tỷ đồng, tương ứng gần 41% kế hoạch. Theo thống kê của BSC, 9 địa phương trong nước đã đề ra kế hoạch giải ngân trên 10.000 tỷ đồng, trong đó 4/9 tỉnh đã giải ngân ước đạt trên 35% (Thanh Hóa ước đạt 5.798 tỷ đồng, tương đương 58% kế hoạch.
Theo Tổng cục thống kê (GSO), lũy kế từ đầu 2021 tới nay, giải ngân Ngân sách Nhà nước giảm 0,43% so với cùng kỳ, tương đương 51% kế hoạch. BSC ước tính giải ngân vốn ngân sách trong năm 2021 sẽ đạt 513.129 tỷ đồng (bằng 96,1% kế hoạch đã được giao bởi Thủ tướng Chính phủ. Đối với năm 2022, BSC ước tính giải ngân vốn ngân sách sẽ đạt 567.277 tỷ đồng.
“Tiền đề để góp phần đẩy mạnh đầu tư công là nghị quyết 108/NQ-CP, nghị quyết 84/NQ-CP và nghị quyết số 63/NQ-CP liên quan tới tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19 trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022”, BSC nhìn nhận.
Nhận định về nhóm ngành hưởng lợi từ “đầu kéo” nền kinh tế là đầu tư công, BSC chỉ ra 3 nhóm ngành dự báo sẽ “đón sóng” gồm ngành vật liệu xây dựng (thép, xi măng, đá cát, nhựa, nhựa đường); ngành thi công (xây dựng, ETC, giao thông thông minh, xây dựng điện, vật liệu điện) và ngành bất động sản (gồm bất động sản dân cư và bất động sản khu công nghiệp) nhờ hưởng lợi từ dự án cao tốc Bắc – Nam đi qua địa phận 13 tỉnh.
Theo BSC, cơ hội đầu tư vẫn còn khi mà cao điểm giải ngân đầu tư công vẫn nằm ở trung hạn giai đoạn 2022-2025. BSC chọn lọc một số cổ phiếu để đưa vào danh sách khuyến nghị bao gồm HPG, HSG, HT1, PLC, KSB, BMP, C4G, LCG, KBC, SZC, LHG, DXG, NLG, VHM, AGG.
Cũng liên quan đến nhóm ngành thép được BSC nhắc tới, Bộ Tài chính mới đây đã có tờ trình về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh tăng thuế suất xuất khẩu mặt hàng phôi thép từ 0% lên thành 5%; giảm thuế suất nhập khẩu MFN của một số sản phẩm thép như thép cốt bê tông, thép góc, khuôn, hình và nhóm sắt thép không hợp kim cán phẳng.
Sau thông tin trên, ghi nhận trong phiên 15/9, thị trường cũng chứng khiến các cổ phiếu thép có giao dịch khá tích cực như NKG, TLH, POM tăng trần, HSG cũng có thời điểm kịch trần, chốt phiên tăng 6,9% lên 46.750 đồng. Ngoài ra, HPG tăng nhẹ hơn với 2,6% lên 51.600 đồng, SMC tăng 5,1%, TVN tăng 9,4%…
Cùng phiên giao dịch, hàng loạt cổ phiếu xi măng đã tăng kịch trần. Điển hình như HT1 tăng 7% lên 23.050 đồng; BTS tăng 9,8% lên 9.000 đồng; HOM tăng 9,3% lên 8.200 đồng. Một số cổ phiếu như Xi măng Bỉm Sơn (BCC) cũng tăng 7,1%; Xi măng Quán Triều VVMI (CQT) tăng 10,8%, Xi măng La Hiên tăng 6,9%…
Phản hồi