Chương trình Nghiên cứu sản xuất vaccine sử dụng cho người đến năm 2030, được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phê duyệt ngày 1/10, nêu rõ ngoài doanh nghiệp, tình nguyện viên thử nghiệm vaccine cũng được hỗ trợ kinh phí.
Chính phủ đặt mục tiêu tất cả vaccine trong nước đạt tiêu chuẩn tương đương quốc tế, bảo đảm cho Chương trình tiêm chủng mở rộng và một số vaccine khác; từng bước đưa vaccine Việt Nam tham gia thị trường quốc tế.
Mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam sẽ làm chủ công nghệ sản xuất 10 loại vaccine và sản xuất được tối thiểu 3 loại; đến năm 2030 làm chủ được công nghệ sản xuất 15 loại vaccine và sản xuất được tối thiểu 5 loại.
Việt Nam sẽ ưu tiên công nghệ tiên tiến như mRNA (vaccine Pfizer và Moderna dùng công nghệ này); protein tái tổ hợp; vector virus… Ngoài vaccine Covid-19, Việt Nam cũng sẽ nghiên cứu sản xuất vaccine ung thư.
Để đạt mục tiêu trên, Việt Nam sẽ ưu tiên đầu tư mua quyền sở hữu, quyền sử dụng và bí quyết công nghệ; thuê chuyên gia, tư vấn nước ngoài hỗ trợ nghiên cứu, phát triển vaccine.
Các tổ chức, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine được hưởng chính sách ưu đãi như sản phẩm quốc gia, sản phầm công nghệ cao.
Bộ Khoa học và Công nghệ được giao thành lập Ban chủ nhiệm chương trình để tư vấn triển khai nhiệm vụ nêu trên. Bộ Y tế hướng dẫn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng, kiểm định, cấp phép sử dụng vaccine; hỗ trợ nghiên cứu và sản xuất vaccine trong nước, đặc biệt là vaccine chống đại dịch.
Tại cuộc họp với Chính phủ giữa tháng 8, Bộ Y tế cho biết các loại vaccine đang được nghiên cứu, phát triển trong nước gồm: Nanocovax của Công ty Nanogen; Covivac của Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) thuộc Bộ Y tế.
Việc chuyển giao công nghệ vaccine từ nước ngoài để sản xuất trong nước gồm: vaccine ARCT-154 của Mỹ do Vingroup thực hiện; vaccine của Công ty Shionogi (Nhật) do Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) và Vabiotech triển khai; vaccine Sputnik-V (Nga) do Vabiotech và Công ty DS-Bio triển khai.
Phản hồi