Doanh nghiệp nhựa điêu đứng, “cầu cứu” xin giãn nợ vay ngân hàng
Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch VPA, cho biết ngành nhựa có hơn 3.000 doanh nghiệp với hơn 300.000 lao động trên cả nước, trong đó 70% doanh nghiệp hoạt động tập trung tại TP.HCM và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh. Diễn biến tình hình dịch Covid-19 phức tạp đã làm cho nhiều doanh nghiệp trong ngành lâm vào cảnh điêu đứng.
Hiện nay, hơn 50% doanh nghiệp nhựa đã phải đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng do không đáp ứng được phương án “3 tại chỗ” hoặc phương án “2 điểm đến 1 cung đường”. Và điều này tất yếu dẫn đến nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ không thực hiện được đơn hàng, giao hàng chậm hoặc bị hủy đơn hàng. Dự báo, tình hình những tháng cuối năm của ngành này cực kỳ khó khăn.
Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh cho biết, sản lượng bán hàng trong tháng 7 của Công ty giảm 44%, xuống 5.213 tấn, tương ứng doanh thu cũng giảm gần 39% so với cùng kỳ, xuống mức 244 tỷ đồng. Việc giá nguyên liệu đầu vào tăng khiến Nhựa Bình Minh lỗ 3,7 tỷ đồng trong tháng 7, đây là lần đầu tiên Công ty báo lỗ kể từ khi hoạt động. Theo ông Ngân, “trong lịch sử, chưa bao giờ giá nguyên liệu nhựa cao như trong nửa đầu năm nay, đó là tác động cực kỳ lớn với hầu hết các doanh nghiệp nhựa”.
Công ty cổ phần Nhựa Đồng Nai cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2021 với doanh thu thuần đạt 1.170,3 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 3,56 tỷ đồng, giảm tới 85%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty tăng 33% về doanh thu và giảm 83% về lợi nhuận so với cùng kỳ. Nhựa Đồng Nai cho biết, nguyên liệu hạt nhựa tăng mạnh, cùng với các chi phí hỗ trợ khách hàng, chi phí lưu kho, chi phí logistic đều gia tăng so với năm trước là nguyên nhân khiến lợi nhuận của công ty giảm sâu.
Những tháng cuối năm, dự báo các doanh nghiệp ngành này sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn, do các lệnh giãn cách xã hội dự kiến sẽ còn kéo dài ít nhất là tới giữa tháng 9/2021. Hiện nhiều doanh nghiệp nhựa nằm trong khu phong tỏa, hoạt động chỉ đạt 30 – 50% công suất, ảnh hưởng đến doanh thu và dòng tiền của công ty.
Trước tình hình đó, VPA đã có văn bản gửi đến Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhựa vượt qua khó khăn. Trong đó, đề xuất hỗ trợ giãn nợ vay ngân hàng cho các doanh nghiệp trong 6 tháng tới cho các khoản vay ngắn hạn và dài hạn; giảm tiếp 2% – 3% lãi suất cho vay đối với những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng bởi Covid-19; giảm thuế đất hằng năm phải nộp của năm 2021; cho doanh nghiệp lùi thời gian đóng các khoản thuế, bảo hiểm xã hội trong 6 tháng tới để giúp doanh nghiệp có thêm dòng tiền phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo VPA, hiện rất nhiều doanh nghiệp nằm trong khu phong tỏa, cách ly, hoạt động sản xuất chỉ đạt 30%, có cố gắng cũng chỉ 50%, ảnh hưởng đến doanh thu, dòng tiền. Bên cạnh đó, VPA cũng đề xuất giảm thuế đất hàng năm phải nộp của năm 2021; cho doanh nghiệp lùi thời gian đóng các khoản thuế, bảo hiểm xã hội trong 6 tháng tới giúp doanh nghiệp có thêm dòng tiền phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, để bù đắp cho doanh nghiệp những tháng phải ngừng sản xuất kinh doanh trong năm 2021.
Về phương thức hoạt động an toàn, VPA kiến nghị không tiếp tục duy trì áp dụng sản xuất “3 tại chỗ” mà bổ sung các hình thức khác cho doanh nghiệp được lựa chọn, đặc biệt cần có các quy định cụ thể đối với trường hợp người lao động được về nhà và di chuyển bằng phương tiện cá nhân giữa nơi ở của gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn doanh nghiệp cụ thể khi có ca F0 xuất hiện trong nhà máy để không lúng túng trong việc xử lý.
Bên cạnh đó, VPA kiến nghị bổ sung doanh nghiệp nhựa vào nhóm ưu tiên tiêm vaccine, bên cạnh các ngành điện tử, dệt may, da giày, ô tô, thép, chế biến nông sản, thực phẩm, đẩy nhanh tiêm vaccine cho lao động 3 tại chỗ sản xuất hàng thiết yếu, sao cho từ đầu tháng 9, các doanh nghiệp 3 tại chỗ, các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa thiết yếu sẽ có 100% lao động được tiêm 2 mũi và được tổ chức sản xuất trong điều kiện bình thường mới.
Ngoài ra, VPA kiến nghị phải có thanh kiểm tra, can thiệp kịp thời để các hãng tàu không lũng đoạn về giá và phí như hơn 1 năm qua. Bên cạnh đó, đề nghị các hãng tàu cho kéo dài thời gian lưu bãi bằng thời gian lưu container từ 14 đến 21 ngày để doanh nghiệp tránh phát sinh chi phí.
Phản hồi