Doanh nghiệp lo mục tiêu y tế và kinh tế chưa cân bằng
Việc tiếp cận khó khăn với một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dù vẫn là vấn đề mà nhiều hiệp hội, doanh nghiệp đề cập đến khi chuẩn bị ý kiến cho Hội nghị với Thủ tướng Chính phủ hôm nay.
Nhưng mong mỏi lớn nhất ngay thời điểm này của doanh nghiệp là thấy ngay các quy định, điều kiện, hướng dẫn tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới và kế hoạch mở cửa của các địa phương.
Đây là lý do mà khi Bộ Y tế công bố Dự thảo Hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đã nghiên cứu rất kỹ.
Trong Dự thảo này, có các tiêu chí, lộ trình cụ thể, các biện pháp về y tế, hành chính về phòng, chống dịch và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội đảm bảo an toàn. Nhưng các doanh nghiệp đang lo ngại vì mục tiêu y tế vẫn đặt nặng và không cần bằng với mục tiêu kinh tế.
Theo một số tổng hợp của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) từ ý kiến của một số hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng, cách thiết kế của Bộ Y tế vẫn đang theo khu dân cư, cấp hành chính, thiếu vai trò của khu công nghiệp, khu chế xuất. Trong trường hợp này, doanh ngiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất sẽ phải đóng cửa nếu đơn vị hành chính mà khu đóng đô bị rơi vào vùng đỏ, cam cho dù có điều kiện về y tế lưu động, các thiết bị phục vụ phòng chống dịch…
Việc đưa mục tiêu giảm ca nhiễm lên hàng đầu cũng được cho là không hợp lý trong bối cảnh sống chung với Covid-19. Các hiệp hội cho rằng phải đặt ưu tiên giảm cả tử vong và ca mắc nặng khi đánh giá cấp độ dịch, từ đó mới có các giải pháp sống chung.
Cùng với đó, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm trong thu thập dữ liệu thống nhất để có thông tin đánh giá và ra các quyết sách phù hợp.
“Dữ liệu là nền tảng đặc biệt quan trọng để ra quyết định trong bối cảnh dịch và cả bối cảnh phục hồi để đánh giá tính an toàn của người, của khu vực… Nhưng chúng tôi chưa thấy quy định về việc dữ liệu được sử dụng chung như thế nào, người dân, doanh nghiệp có trách nhiệm gì cùng các cấp chính quyền để phát triển dữ liệu chung quốc gia hoặc có thể sử dụng dữ liệu ra sao để tự đánh giá tính an toàn của mình, doanh nghiệp mình”, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV nói và cho biết sẽ đề xuất cụ thể các ý kiến tới Bộ Y tế.
Muốn tham gia xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế
Nhiều doanh nghiệp đề nghị được tham gia vào công tác xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh, phục hồi kinh tế.
“Cần xác định doanh nghiệp như một chủ thể chính, chứ không chỉ là đối tượng tuân thủ, bị quản lý như lâu nay. Vì doanh nghiệp cũng có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho doanh nghiệp, cho người lao động của mình’, ông Phan Thông, Tổng thư ký Hiệp hội chủ hàng Việt Nam thẳng thắn.
Thậm chí, ông Thông và nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, đang có quá ít “nhân sự” kinh tế trong các ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và đây là nguyên nhân tư duy zero Covid-19 vẫn chi phối khá nhiều các đề xuất.
Khi doanh nghiệp tham gia vào các kế hoạch phòng chống dịch bệnh, phục hồi kinh tế, theo ông Huỳnh Quang Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), doanh nghiệp sẽ cùng với chính quyền địa phương tính toán các phương án mở cửa hoạt động, nâng công suất, tăng lao động… để thực hiện một cách an toàn, thống nhất.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện tại, sự phối hợp này sẽ không để tái diễn tình trạng bị động trong hoạt động của doanh nghiệp do các quyết định giãn cách của địa phương không rõ tiêu chí, điều kiện.
Tuy nhiên, lo ngại lớn nhất của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp là việc thực thi.
Ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN đề xuất các tài liệu, điều kiện, tiêu chí thích ứng với chung sống an toàn với Covid-19 cần được xác định là có giá trị pháp lý cao nhất, áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Các địa phương chỉ tuyên truyền, tổ chức, giám sát thực hiện.
“Không nên để địa phương phê duyệt phương án của doanh nghiệp, mà chỉ giám sát, hỗ trợ và tư vấn doanh nghiệp thực hiện đúng quy định. Cần trao quyền chủ động cho doanh nghiệp”, ông Thành đề xuất.
Các doanh nghiệp cũng nhắc lại yêu cầu mà Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra trong Nghị quyết 105/2021/NQ-CP và cho rằng cần tiếp tục được xác định rõ trong thời gian tới, đó là các địa phương không được ban hành thêm các giấy phép con, không ban hành các quy định ảnh hưởng đến bài toán lưu thông chung, ảnh hưởng đến các địa phương khác…
Tăng tốc độ và hiệu quả thực thi Nghị quyết Nghị quyết 105/2021/NQ-CP cũng đang là điều mà doanh nghiệp chờ đợi.
Phản hồi