Doanh nghiệp lo khó khăn vẫn “đeo bám”
Chia sẻ tại tọa đàm “Vận hội mới – Hành động mới” do Hội Doanh nhân trẻ Hà Nội tổ chức mới đây, ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc đầu tư Dragon Capital, cho rằng kinh tế năm 2022 sẽ bùng nổ, tăng trưởng GDP có thể lên mức 9,6% nhờ hai động lực tăng trưởng mới là đầu tư công và mặt bằng lãi suất thấp.
“Điều tồi tệ nhất đã đi qua nhưng những khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt trong thời gian tới là không nhỏ”, ông Tuấn nhận định.
PHỤC HỒI KHÔNG ĐỒNG NHẤT
Cụ thể, theo đại diện Dragon Capital, sự phục hồi của các ngành sẽ diễn ra không đồng nhất. Những ngành ít bị ảnh hưởng bởi Covid-19, sử dụng cường độ vốn nhiều (sản xuất linh kiện điện tử, hóa dầu…) sẽ có cơ hội quay trở lại quỹ đạo sớm hơn, nhanh hơn và mạnh hơn so với những ngành chịu nhiều thiệt hại nặng nề vì Covid-19 như dịch vụ, hay ngành sử dụng cường độ lao động nhiều (dệt may, da giày…).
“Làn sóng Covid lần thứ tư kéo sản xuất giảm sâu nhưng tới quý 1/2022 sẽ phục hồi vượt xa so với tốc độ năm 2020 vì chiến lược chống dịch, chiến lược vaccine đã thay đổi và nhu cầu bị tồn lại ở những quý trước sẽ giúp bật tăng”, ông Tuấn nói.
Giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội, 9/63 tỉnh thành áp dụng Chỉ thị 16; 14/63 tỉnh thành áp dụng Chỉ thị 16+. Tuy nhiên, điều đáng mừng là tỷ lệ tiêm vaccine tại các điểm nóng về dịch đã lên rất cao và dự kiến đến tháng 3/2022 có thể đạt được tỷ lệ tương đương với một số quốc gia phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Anh… Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam có thể mở cửa và hội nhập gần như hoàn toàn. “Tuy nhiên, ngành dịch vụ sẽ phục hồi lâu hơn vì sự kết nối giữa các tỉnh thành vẫn chưa thực sự thông suốt”, ông Tuấn nói.
Một điểm đáng lưu ý, theo đại diện Dragon Capital, trong quá trình mở cửa trở lại nền kinh tế, sự dịch chuyển và thanh lọc của nền kinh tế sẽ diễn ra mạnh mẽ và gay gắt. Doanh nghiệp lớn có thể sẽ tiếp tục lớn mạnh hơn trong khi doanh nghiệp có quy mô bé có thể bé đi hoặc thậm chí suy yếu và biến mất sau Covid-19.
Theo tính toán của Dragon Capital, lợi nhuận của các doanh nghiệp được niêm yết trên sàn chứng khoán có thể tăng tới 38% trong năm 2021 và tăng 28-30% trong năm 2022. Điều này trái ngược hoàn toàn so với bức tranh ngừng hoạt động, chờ giải thể đang diễn ra ở khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.
CẦU TĂNG NHƯNG VẪN BỊ KÉO LÙI
Theo ông Lê Anh Tuấn, không chỉ là sự phục hồi giữa các ngành không đồng nhất, khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt còn liên quan tới sự phục hồi của một số chuỗi đứt gãy sau đại dịch.
“Tình trạng thiếu hụt lao động khó có thể xử lý ngay vì tỷ lệ tiêm vaccine giữa các thành phố là không giống nhau, có thể phải mất từ 4-6 tháng đối với khu vực miền Nam để trở về tình trạng trước đại dịch”, ông Tuấn nhận định.
Ở góc độ khác, theo ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, sự thiếu hụt lao động có thể đẩy các doanh nghiệp vào cuộc “chạy đua” lôi kéo lao động. Trong trường hợp này, ông Thông cho rằng doanh nghiệp có thể cân nhắc tới việc áp dụng chính sách thưởng để khuyến khích người làm.
“Việc thiếu hụt lao động đặc biệt ở các doanh nghiệp miền Nam trong 3-6 tháng tới sẽ khiến sức mua ở thị trường này sụt giảm so với mọi năm. Vì vậy, đứt gãy chuỗi lao động lại dội ngược trở lại, ảnh hưởng tới sức mua, chuỗi tiêu dùng và sự phục hồi của doanh nghiệp”, ông Thông bày tỏ.
Đại diện Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận nhận định: trong bối cảnh kinh tế chưa thực sự phục hồi vững chắc, diễn biến Covid-19 còn khó dự đoán, người tiêu dùng vẫn chưa chuyển hoàn toàn sang trạng thái chi tiêu mà trước mắt vẫn tập trung “phòng thủ” nên tốc độ hồi phục vẫn bị kéo lại.
“Đây là điểm mà doanh nghiệp trong ngành dịch vụ sẽ phải để tâm để có giải pháp phù hợp trong thời gian tới nhất là trong bối cảnh khách hàng dịch chuyển từ mua sắm trực tiếp sang mua sắm trực tuyến”, ông Thông lưu ý.
NỖI LO KÍCH CẦU VÀ LẠM PHÁT
Với mức nợ công 56% GDP, thặng dư ngân sách vào khoảng 3,6 tỷ USD, trái ngược với mức thâm hụt 10,6 tỷ USD năm 2020, ông Lê Anh Tuấn kỳ vọng Chính phủ và Quốc hội sẽ thông qua gói hỗ trợ nền kinh tế với quy mô lớn để thúc đẩy nền kinh tế phục hồi nhanh chóng.
“Giá dầu tăng từ 30 USD/thùng năm ngoái lên 80 USD/thùng năm nay nhưng lạm phát vẫn được kiểm soát ở mức thấp. Lạm phát lõi 8 tháng thậm chí chỉ tăng 0,9%. Điều này có nghĩa rằng nền lạm phát đang khá ổn cho những kế hoạch tham vọng sắp triển khai”, ông Tuấn nhận định.
Hơn thế nữa, theo ông Lê Anh Tuấn, rủi ro nợ quốc gia của Việt Nam đang được kiểm soát tốt cho phép Việt Nam có thể duy trì mặt bằng lãi suất thấp và triển khai các gói hỗ trợ lãi suất quy mô để doanh nghiệp đang gặp khó khăn về thanh khoản có thể tiếp cận nguồn tín dụng kịp thời cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Kỳ vọng về các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, song ông Trần Anh Vương, Chủ tịch Tập Đoàn Bắc Việt, vẫn còn những băn khoăn. “Nhiều doanh nghiệp trải qua khủng hoảng 2008 đã rất thấm thía gói hỗ trợ được triển khai khi đó. Hai năm sau khi tiếp cận gói tín dụng với lãi suất ưu đãi, doanh nghiệp phải trả lãi lên tới hai mấy phần trăm. Nhiều doanh nghiệp sau đó đã không thể gượng lại”, ông Vương nói.
Dù cho rằng gói kích thích kinh tế sẽ là “bình ôxy lớn” cho doanh nghiệp, song ông Lê Trí Thông cho rằng cần phải có giải pháp tiết chế, kiểm soát ra sao để vừa có thể hỗ trợ doanh nghiệp vừa có thể giữ và kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý.
Phản hồi