Doanh nghiệp bảo hiểm bù lỗ nhờ đầu tư chứng khoán, cổ phiếu nào tiềm năng nhất?
Trong khi lãi suất thấp làm giảm thu nhập tài chính của các công ty bảo hiểm thì thị trường chứng khoán sôi động đã giúp hoạt động đầu tư tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ.
“CỨU CÁNH” NHỜ ĐẦU TƯ CỔ PHIẾU
Tiền gửi hiện đang chiếm hơn 80% danh mục đầu tư của các doanh nghiệp ngành bảo hiểm. Tuy nhiên, hiện có một số doanh nghiệp ngày càng tập trung đầu tư nhiều hơn vào cổ phiếu như PVI, PGI, PTI, BIC, BMI, BVH.
Trong đó, PVI hiện là doanh nghiệp có tỷ trọng đầu tư vào cổ phiếu cao nhất trong ngành với giá trị danh mục chứng khoán gồm cổ phiếu và trái phiếu tính đến cuối tháng 6 là 2.213 tỷ đồng, tăng 18% so với con số đầu kỳ. Lãi từ tự doanh của bảo hiểm PVI 6 tháng đầu năm 2021 là 25,7 tỷ đồng, tăng 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Bảo hiểm BIC, lãi từ hoạt động đầu tư chứng khoán 51,7 tỷ đồng, tăng hơn 8 lần so với con số cùng kỳ năm ngoái. Hiện BIC đang đầu tư 283,9 tỷ đồng vào cổ phiếu. Danh mục tự doanh của BIC chủ yếu gồm ACB, VNR, FPT, VNM, VCB, MBB, HPG, PLX, VCS, SBT, CTG, PET, NLG, BCEL. Hầu hết đều mang lại khoản lợi nhuận lớn.
Trong đó, cổ phiếu VNM đang chiếm tỷ trọng cao nhất trong danh mục tự doanh cổ phiếu của BIC, với giá trị đầu tư gốc 49,5 tỷ đồng. Khoản đầu tư này ghi nhận mức lãi 8,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng bao gồm VCB, CTG, ACB, MBB chiếm tổng cộng khoảng 33% trong danh mục tự doanh của BIC tại thời điểm cuối tháng 6/2021.
Ngoài ra, BIC cũng nắm 654.600 cổ phiếu ACV của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam – CTCP, giá trị gần 43 tỷ đồng, gấp 2.2 lần so với đầu năm do gia tăng thêm khối lượng nắm giữ gấp đôi. Khoản đầu tư này được ghi lãi hơn 3 tỷ đồng cho BIC tại thời điểm cuối quý 2/2021.
Mặc dù giảm tỷ trọng đầu tư vào chứng khoán, từ 199 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái còn 143 tỷ đồng 6T đầu năm nay song BMI vẫn là doanh nghiệp có tỷ trọng đầu tư vào cổ phiếu cao trong cơ cấu doanh thu so với các doanh nghiệp khác trong ngành. Trong đó, khoản lãi từ nghiệp vụ này gần 30 tỷ đồng, tăng 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Danh mục của BMI hiện gồm nhiều cổ phiếu như LPB, GMD, KSB, PTB, VPP, MBB.
Các khoản đầu tư cổ phiếu của BVH tính đến cuối tháng 6 là 1.657 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số năm ngoái. Trong khi đó, BVH đẩy mạnh đầu tư trái phiếu. Trong đó, danh mục gồm các cổ phiếu POW, VNR, MBB, CNG, LAS. Hầu hết các cổ phiếu gồm VNR, LAS và CNG đều có thị giá tăng mạnh so với thời điểm 30/06/2021.
Tổng Công ty CP Bảo hiểm Petrolimex (PGI), lãi gấp 15,2 lần cùng kỳ, ghi nhận 10 tỷ đồng.
Lợi nhuận của công ty bảo hiểm thông thường đến từ hai nguồn chính gồm: Hoạt động thu phí bảo hiểm, bao gồm thu hoa hồng tái bảo hiểm; và Đầu tư tài chính chủ yếu vào tiền gửi và trái phiếu chính phủ, đầu tư cổ phiếu, trái phiếu.
Theo thống kê từ FiinPro, trong Q2/2021, doanh thu thuần hoạt động bảo hiểm doanh thu bảo hiểm thuần của 12 công ty bảo hiểm niêm yết tăng 7,6% so với quý trước và 12,4% so với cùng kỳ. Các công ty bảo hiểm lỗ 1.201 tỷ đồng từ hoạt động bảo hiểm. Mức lỗ này tăng 12,7% so với quý trước và giảm 28,8% so với cùng kỳ. Luỹ kế 6T đầu năm 2021, các công ty bảo hiểm niêm yết lỗ 2.233 tỷ đồng từ hoạt động bảo hiểm, giảm 11,1% lỗ so với cùng kỳ.
Lợi nhuận hoạt động tài chính giảm mạnh so với cùng kỳ do lãi suất tiền gửi và lợi tức trái phiếu chính phủ ở mức thấp. Trong Q2/2021, doanh thu tài chính của 12 công ty bảo hiểm niêm yết tăng 2,6% so với quý trước và giảm 12,9% so với cùng kỳ. Đồng thời, ghi nhận lãi 2.647 tỷ đồng từ hoạt động tài chính, tăng 2,5% so với quý trước, giảm 22,2% so với cùng kỳ.
Luỹ kế 6T/2021, các công ty bảo hiểm niêm yết lãi 5.226 tỷ đồng từ hoạt động tài chính, tăng 6,3% so với cùng kỳ. Trong đó, BVH ghi nhận mức tăng trưởng tốt từ hoạt động tài chính, từ 3.850 tỷ đồng năm ngoái lên 4.024 tỷ đồng 6T năm 2021.
Như vậy, trong bối cảnh lãi suất tiền gửi và lợi tức trái phiếu Chính phủ thấp thì thị trường chứng khoán sôi động đã trở thành “cứu cánh” giúp hoạt động đầu tư tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn tăng trưởng tốt so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2021.
TRIỂN VỌNG CỔ PHIẾU BẢO HIỂM CHO CUỐI NĂM
Đánh giá về triển vọng nhóm này 6 tháng cuối năm, Chứng khoán BSC cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm đều đặt mục tiêu tăng trưởng âm hoặc thấp trong năm 2021 do môi trường lãi suất thấp. Tuy nhiên, việc nới “room” cho nhà đầu tư nước ngoài có thể giúp các công ty bảo hiểm được định giá lại. Các cổ phiếu có tiềm năng thoái vốn như BMI, MIG.
Còn FiinPro cho rằng, trong 1H2021, các công ty bảo hiểm đã đạt 71,4% trong chỉ tiêu lợi nhuận kế hoạch năm 2021. Giá cổ phiếu ngành bảo hiểm phi nhân thọ (trừ BVH, VNR, PRE) tăng 19,7% từ đầu năm và 9,9% từ đầu tháng 7/2021 khi Vn-Index lần lượt tăng 25,7% và giảm 4,5%. Cổ phiếu ngành bảo hiểm đang được định giá ở mức 1,7x – mức thấp hơn rất nhiều so với nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán trong cùng ngành tài chính.
Khác với cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán trong ngành tài chính, mặt bằng lãi suất thấp là lợi thế cho mô hình của ngân hàng và công ty chứng khoán nhưng lại là yếu tố làm cho lợi nhuận từ hoạt động đầu tư tài chính và tiền gửi kém đi. Hơn nữa, với sự thiếu vắng giao dịch của cổ đông nội bộ đã làm cho cổ phiếu bảo hiểm kém sôi động và lý giải cho sự chiết khấu định giá ở mức thấp.
Trong năm 2021, một số các doanh nghiệp có kế hoạch thoái một phần vốn như BMI, PTI, BVH, MIG. Đây sẽ là động lực tăng giá ngắn hạn cho cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, BVH vẫn là cổ phiếu đầu ngành bảo hiểm và là sự lựa chọn đáng quan tâm. Trong 1H2021, BVH đã đạt mức lợi nhuận sau thuế hợp nhất 942 tỷ đồng, tăng 45,1% so với cùng kỳ, hoàn thành 71,4% kế hoạch năm. FiinPro dự kiến BVH sẽ vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2021. Giá cổ phiếu BVH đã giảm 20,9% từ đầu năm trong khi các cổ phiếu bảo hiểm khác (trừ PRE) đều tăng đáng kể ( từ 11,8% tới 50,6%).
Phản hồi