Doanh nghiệp bánh Trung thu lo ngại ế hàng do giãn cách xã hội
Thông thường, để chuẩn bị cho dịp Rằm tháng Bảy, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất bánh Trung thu sẽ bắt đầu giới thiệu sản phẩm ra thị trường từ khoảng đầu tháng Bảy Âm lịch. Tuy nhiên năm nay, do diễn biến dịch bệnh phức tạp, ngay cả các hệ thống siêu thị lớn như MM Mega Market, Big C,… đều chưa tổ chức kinh doanh sớm mặt hàng này. Hiện tại chỉ có VinMart là một trong số ít các siêu thị đã bắt đầu trang trí không gian theo chủ đề Tết Trung thu và bắt đầu bán bánh.
Trong bối cảnh này, một số hãng bánh cho rằng mùa Trung thu năm nay chắc chắn thị trường sẽ khá trầm lắng, ảm đạm. Do đó, kế hoạch kinh doanh đã vạch sẵn từ trước, nay phải xem xét điều chỉnh lại cho phù hợp. Thậm chí, đại diện một số doanh nghiệp còn cho biết họ không có kế hoạch kinh doanh cho mùa bánh Trung thu năm nay. Lý do là bởi doanh nghiệp có nhân viên phải thực hiện cách ly y tế, các cửa hàng đang tạm thời ngưng hoạt động, việc vận chuyển nguyên liệu khó khăn…
Mặt khác, hệ thống phân phối cũng là một điều đáng lo ngại cho các doanh nghiệp. Với việc tuân thủ giãn cách xã hội, các cửa hàng truyền thống phải đóng cửa suốt thời gian dài, những gian hàng đáng lẽ đã được dựng lên trên phố thì nay không thể xuất hiện. Trong khi đó, kênh phân phối được kỳ vọng nhất là thương mại điện tử lại gặp khó về vấn đề giao hàng, buộc các doanh nghiệp thực phẩm phải thu hẹp quy mô sản xuất bánh Trung thu năm nay.
Đại diện công ty Mondelez Kinh Đô cho biết, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng trung thu là tết đoàn viên, chắc chắn là dịp để mọi người tìm lại niềm vui và sự kết nối với những người thân yêu. Do đó, năm nay công ty vẫn tung ra thị trường gần 80 loại sản phẩm với nhiều hương vị mới phục vụ nhu cầu thưởng thức và biếu tặng. Đặc biệt, lần đầu tiên, Kinh Đô ra mắt bộ sưu tập bánh trung thu mini với màu sắc rực rỡ, hướng đến những người tiêu dùng trẻ tuổi.
Tương tự, một số thương hiệu bánh lớn như Hữu Nghị, Maison Mooncake … cũng lần lượt tung ra các sản phẩm với phân khúc tầm trung đến cao cấp có khoảng giá 300.000 đến hàng triệu đồng/hộp. Năm nay, đa phần các dòng sản phẩm đều được các đơn vị kinh doanh giới thiệu và hướng dẫn khách hàng mua sắm online. Hiện tại, nhiều thương hiệu bánh trung thu lớn đã có mặt tại các kênh thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee, cũng như các ứng dụng giao hàng Grab, Gojek, và Baemin…
Trong khi đó, đại diện công ty TNHH Thực phẩm Đại Phát cho biết trước khi TP.HCM và Bình Dương thực hiện giãn cách, công ty dự kiến đưa ra thị trường khoảng 43 mã hộp, sau đó điều chỉnh chỉ còn hơn 30 mã hộp. Đối tượng khách hàng của Đại Phát chủ yếu là doanh nghiệp, sản phẩm mua làm quà biếu/tặng chiếm tới 80%. Qua trao đổi với khách hàng, nhiều đơn vị từ chối đặt hàng vì trong tình hình giãn cách như hiện nay không thể đi tặng được. Những khách có đặt hàng thì số lượng cũng khá hạn chế. Với đối tượng khách lẻ, công ty sẽ đẩy mạnh bán hàng qua Tiki, Lazada, Fanpage… “Đặc thù của công ty là đơn hàng nhận tới đâu sản xuất tới đó nên không bị áp lực tồn kho. Năm nay dù giá nguyên liệu tăng 5% – 10% nhưng hầu hết sản phẩm vẫn giữ giá bằng năm ngoái. Bên cạnh đó, công ty cố gắng khắc phục khó khăn đưa ra các sản phẩm mới phục vụ nhu cầu biếu tặng khách hàng,” đại diện công ty nói.
Tại thời điểm này, còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Trung thu, thị trường “chợ mạng” vẫn đang chiếm ưu thế với các loại bánh trung thu truyền thống, bánh nhà làm (handmade) sử dụng nguyên liệu tự nhiên, giá từ 30.000 – 150.000 đồng/cái (trọng lượng từ 50 – 180gram) hoặc 130.000 – 150.000 đồng/set gồm 6 – 8 bánh trung thu mini.
Phản hồi