Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Hải Dương đến năm 2040 là đô thị cấp vùng, phát triển công nghiệp nhẹ
Bộ Xây dựng vừa tổ chức Hội nghị thẩm định Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương, nằm trên hành lang kinh tế Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, gần vành đai kinh tế ven biển Bắc Bộ, được xác định là đô thị trung tâm cấp vùng, phát triển công nghiệp nhẹ, kỹ thuật cao và hỗ trợ phát triển các loại công nghiệp chế biến của vùng Nam và Đông Nam Đồng bằng Sông Hồng.
Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Dương đến năm 2030 đã được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt tại Quyết định số 1960 (ngày 04/7/2017), qua nhiều năm thực hiện đến nay đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần được nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh.
Đại diện Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia, đơn vị tư vấn về điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, cho biết, phạm vi khu vực lập điều chỉnh quy hoạch lần này là toàn bộ ranh giới hành chính TP. Hải Dương được điều chỉnh theo Nghị quyết số 788 (ngày 16/10/2019) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gồm 19 phường và 06 xã, với tổng diện tích tự nhiên là 111,64 km2.
Theo điều chỉnh quy hoạch này, TP. Hải Dương sẽ được phát triển theo hướng bền vững, khai thác hiệu quả những tiềm năng của thành phố; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, có mạng lưới dịch vụ hoàn thiện, hấp dẫn nhà đầu tư, thu hút lực lượng lao động, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu; đầu tư xây dựng hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I…
Nhiệm vụ nêu những yêu cầu chính về nội dung hồ sơ quy hoạch bao gồm: đánh giá hiện trạng; dự báo và đề xuất mô hình phát triển; định hướng phát triển không gian; định hướng quy hoạch sử dụng đất và phân khu chức năng theo giai đoạn quy hoạch; đề xuất định hướng phát triển kiến trúc cảnh quan và thiết kế đô thị; định hướng hệ thống hạ tầng kinh tế, xã hội; quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật; đề xuất các chương trình, dự án ưu tiên và nguồn lực thực hiện…
Ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết, đơn vị tư vấn cần nhấn mạnh vai trò, vị thế quan trọng của TP. Hải Dương đối với sự phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Hải Dương, Vùng Thủ đô Hà Nội và Vùng Đồng bằng Sông Hồng. Do đó, cần rà soát kỹ hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng phát triển đô thị, các dự án đã, đang triển khai trên địa bàn và dự địa phát triển của các dự án này.
Ngoài ra, nội dung quy hoạch phải làm rõ cấu trúc đô thị, kiến trúc cảnh quan, xác định những trọng tâm mới trong xây dựng, phát triển thành phố, những yêu cầu về thiết kế đô thị, không gian cảnh quan đặc thù; đảm bảo tính kết nối giữa TP. Hải Dương và các địa bàn khác thuộc tỉnh Hải Dương và với các tỉnh lân cận; sử dụng hiệu quả tài nguyên đất…
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng đề nghị UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo đơn vị tư vấn tiếp thu đầy đủ những ý kiến đóng góp của các thành viên hội đồng, sớm hoàn thiện Báo cáo thuyết minh Nhiệm vụ, dự thảo Tờ trình và Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện các bước tiếp theo theo quy định.
TP. Hải Dương là đô thị loại I thuộc tỉnh Hải Dương, nằm trong vùng tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.
Theo Quyết định số 1960 (ngày 04/7/2017) của UBND tỉnh Hải Dương, về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP. Hải Dương đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2050, với tổng diện tích quy hoạch là 13.070ha, tăng 5,894ha so với diện tích hiện tại.
Thành phố sẽ được mở rộng thêm 08 xã, gồm: xã Minh Tân, Đồng Lạc thuộc huyện Nam Sách; xã Ngọc Sơn thuộc huyện Tứ Kỳ; xã Tiền Tiến, Quyết Thắng thuộc huyện Thanh Hà; xã Gia Xuyên, Liên Hồng, Thống Nhất thuộc huyện Gia Lộc.
TP. Hải Dương sẽ xây dựng và phát triển với 05 mục tiêu. Bao gồm đô thị công thương, đô thị sáng tạo, đô thị sống khỏe, đô thị an toàn, an tâm, đô thị đẹp thân thiện với con người. Mục tiêu đến năm 2050, TP. Hải Dương sẽ trở thành đô thị “khỏe – năng động – văn hóa”.
Đến năm 2030, toàn thành phố sẽ có khoảng 350.000 người. Trong đó nội thị chiếm 304.000 người còn ngoại thị khoảng 46.000 người. Tỷ lệ tăng dân số ở nội thị khoảng 5,7%, tăng tự nhiên là 0,7%, tăng cơ học 5%.
Phản hồi