ĐHĐCĐ FPT: Doanh thu quý 1 dự kiến đạt 9,500 tỷ đồng
Chiều ngày 07/04/2022, ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 của FPT được tổ chức nhằm thông qua nhiều nội dung về kế hoạch kinh doanh, chia cổ tức và bầu bổ sung 3 thành viên HĐQT.
Năm 2021, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của FPT đạt lần lượt 35,657 tỷ đồng và 6,335 tỷ đồng, cùng tăng 20% so với năm trước, xác lập chuỗi tăng trưởng lợi nhuận 3 năm liên tiếp.
FPT cho biết, đóng góp lớn nhất cho hoạt động kinh doanh trong năm qua của Tập đoàn đến từ mảng công nghệ khi doanh thu thị trường nước ngoài đạt gần 650 triệu USD, bên cạnh khối viễn thông duy trì tăng trưởng bền vững.
Tại đại hội này, FPT dự kiến trình cổ đông mức chia cổ tức 20% bằng tiền mặt (2,000 đồng/cp) cho năm 2021, trong đó 10% đã thực hiện trong năm 2021, còn lại 10% sẽ được chi trả sau khi được ĐHĐCĐ phê duyệt và dự kiến thực hiện trước khi kết thúc quý 3/2022.
Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng trình thêm mức chia cổ tức 20% bằng cổ phiếu (cổ đông sở hữu 100 cp được nhận thêm 20 cp mới) nhờ việc cổ phiếu FPT có thanh khoản tốt hơn cho cổ đông.
Sang năm 2022, FPT vẫn duy trì tỷ lệ cổ tức 20% bằng tiền mặt. Mức chia của cả năm cụ thể sẽ được ĐHĐCĐ thường niên 2023 quyết định.
Năm 2022-2024, FPT theo đuổi chiến lược phát triển các sản phẩm công nghệ mới và cung cấp dịch vụ chuyển đổi số quy mô lớn. Qua đó, FPT đặt mục tiêu kinh doanh năm 2022 với 42,420 tỷ đồng doanh thu và 7,620 tỷ đồng, lần lượt tăng 19% và 20% so với kết quả đạt được trong năm 2021.
Trong đó, cả ba khối công nghệ, khối viễn thông, khối giáo dục, đầu tư và khác đều kỳ vọng tăng trưởng 2 con số về doanh thu và lợi nhuận. Khối công nghệ dự kiến sẽ tiếp tục đóng góp lớn nhất (gần 59%) vào tổng doanh thu với 24,900 tỷ đồng, còn khối giáo dục đầu tư và khác sẽ tăng trưởng mạnh nhất với 33%.
Với khối công nghệ, Tập đoàn sẽ tiếp tục mở rộng các khu tổ hợp văn phòng tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM… cũng như đầu tư vào hạ tầng công nghệ phục vụ hoạt động kinh doanh.
Ở khối viễn thông, FPT dự kiến đầu tư bổ sung một tuyến trục để đảm bảo hệ thống tuyến trục nội địa, tiếp tục nâng cấp chất lượng hạ tầng mạng nội địa và hệ thống trung tâm dữ liệu.
Tại khối giáo dục, Tập đoàn đầu tư mở rộng các khuôn viên tại khu vực Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Bình Định; đưa vào hoạt động hai điểm trường phổ thông mới tại Bắc Ninh, Hải Phòng; tiếp tục hoàn tất thủ tục đầu tư các dự án trường liên cấp tại Quảng Nam, Bắc Giang, Hà Nam…
Tổng chi phí đầu tư dự kiến là 4,000 tỷ đồng, trong đó FPT dành ra 2,000 tỷ đồng cho mảng viễn thông, mảng công nghệ được rót 1,200 tỷ đồng, còn lại là khối giáo dục và khác.
Tại Đại hội, cổ đông FPT đã thông qua bầu bổ sung thêm 3 thành viên mới, gồm: ông Hampapur Rangadore Binod (từng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng tại Infosys), ông Hiroshi Yokotsuka (cựu chủ tịch Hiệp hội Công nghệ thông tin Nhật Bản) và bà Trần Thị Hồng Lĩnh (đại diện SCIC).
Mặt khác, HĐQT FPT cũng sẽ chia tay 3 cựu thành viên, gồm: ông Lê Song Lai (bổ nhiệm năm 2012), ông Tomokazu Hamaguchi và ông Dan E Khoo (đồng bổ nhiệm năm 2014).
Thảo luận:
Mảng giáo dục của FPT hiện có 74,313 người học quy đổi trên toàn hệ thống, 5 phân hiệu của FPT hiện đang ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cần Thơ.
Sang năm 2022, mảng giáo dục của FPT sẽ tuyển sinh tại Bắc Ninh, Bắc Giang và nhiều tỉnh thành đã cho phép FPT đầu tư trường chất lượng cao.
FPT không đầu tư kinh doanh thương mại bất động sản. Dự án bất động sản của FPT chỉ liên quan đến việc phục vụ giáo dục, phát triển phần mềm.
FPT vẫn duy trì M&A trong lĩnh vực công nghệ trong và ngoài nước.
Dự kiến 9,500 tỷ đồng doanh thu, tăng 26%, lợi nhuận 1,700-1,800 tỷ đồng, tăng trưởng 26-28%.
FPT luôn hướng đến tăng trưởng 2 con số trong tương lai.
Phản hồi