Đến năm 2025, hướng tới Bộ Tài chính số, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hậu Covid-19
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa ký ban hành Quyết định số 1924/QĐ-BTC ban hành Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021 – 2025 của Bộ Tài chính, trong đó tập trung vào 6 nội dung cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công và xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
CẢI CÁCH THỂ CHẾ, KHÔNG ĐỂ DOANH NGHIỆP LỠ NHỊP PHỤC HỒI
Bộ Tài chính cho biết, mục tiêu đến năm 2025, cơ bản hoàn thiện hệ thống thể chế lĩnh vực tài chính, qua đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững, thu hút và chủ động tiếp nhận các dòng vốn đầu tư nước ngoài, phục hồi tăng trưởng kinh tế.
“Tập trung ưu tiên cải cách thể chế, chính sách nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhất là cộng đồng các doanh nghiệp nhỏ và vừa bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, từ đó góp phần phục hồi, phát triển nền kinh tế”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021 – 2025 của Bộ Tài chính đặt mục tiêu sẽ đổi mới mạnh mẽ cơ chế phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập gắn với nhiệm vụ được giao và sản phẩm đầu ra, nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và thúc đẩy sự sáng tạo. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, kiểm soát tham nhũng tại các cơ quan, đơn vị.
Mục tiêu đặt ra đến năm 2025, Bộ Tài chính sẽ hoàn thành cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 20% số quy định và cắt giảm tối thiểu 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020.
Bên cạnh đó, bảo đảm an toàn nợ công, ưu tiên nguồn vốn bố trí chi dự trữ quốc gia, đẩy mạnh cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn. Tiếp tục phát triển thị trường chứng khoán, phát triển thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán, đổi mới quản lý, sắp xếp, khai thác và sử dụng có hiệu quả tài sản công. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tài chính.
Đáng chú ý, Bộ Tài chính cũng sẽ cải cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các quy định thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là những thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, thủ tục hành chính nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước.
Bộ sẽ rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thành phần hồ sơ và tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin.
Đồng thời, bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch.
TĂNG CƯỜNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ, THÍ ĐIỂM BIG DATA
Cũng trong giai đoạn này, Bộ Tài chính sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện xây dựng Chính phủ điện tử ngành tài chính hướng tới Bộ Tài chính số, Bộ Tài chính phục vụ, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm và nâng cao hiệu quả hoạt động toàn ngành thông qua Chính phủ số và các công cụ số hóa.
Tối thiểu 80% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được luân chuyển trong nội bộ các cơ quan thuộc Bộ Tài chính được thực hiện bằng phương thức điện tử. Tối thiểu 80% thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính, được triển khai thanh toán trực tuyến, trong số đó, tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 50% trở lên.
Năm 2021, thực hiện số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính đang còn hiệu lực và có giá trị sử dụng thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp trung ương, cấp tổng cục, cấp cục, cấp chi cục đạt tỷ lệ tối thiểu tương ứng là 40%, 30%, 20%, 15%.
Giai đoạn 2022 – 2025, mỗi năm tăng tối thiểu 20% đối với mỗi cấp hành chính cho đến khi đạt tỷ lệ 100% để đảm bảo việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Đến năm 2025, Bộ Tài chính sẽ hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính, thí điểm công nghệ Big Data. Cơ bản các lĩnh vực tài chính có cơ sở dữ liệu mở trong phạm vi ngành Tài chính phù hợp với quy định tại Luật tiếp cận thông tin và được công khai trên môi trường mạng.
Tối thiểu 80% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính và các đơn vị thuộc Bộ có đủ điều kiện, được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4. Trong số đó, ít nhất 80% thủ tục hành chính được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 50%. Mục tiêu đặt ra là mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 90%.
80% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công thủ tục hành chính trước đó, mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính đang quản lý, hoặc thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ.
Hệ thống quản lý văn bản điều hành, hồ sơ công việc được liên thông toàn ngành; 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, cấp Tổng cục; 80% hồ sơ công việc tại cấp Cục và 60% hồ sơ công việc tại cấp Chi cục được xử lý trên môi trường mạng, trừ hồ sơ thuộc phạm vi bí mật nhà nước.
Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ Tài chính cũng nhờ đó được kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia. Hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành Phân hệ theo dõi nhiệm vụ Bộ trưởng, các Thứ trưởng và Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ Tài chính giao, bảo đảm hiển thị theo thời gian thực.
Phản hồi