Đề xuất thu phí dịch vụ tiêm vaccine Covid-19, chuyên gia nói gì?
Mới đây, tại cuộc họp giữa Bộ Trưởng Bộ Y Tế, Thành ủy, UBND TP. HCM, Sở Y tế với lãnh đạo của 5 bệnh viện tư nhân trên địa bàn TP. HCM, Bệnh viện FV đã kiến nghị được tham gia tiêm chủng cho 10.000 người/ngày, đồng thời trình bày về năng lực điều trị bệnh nhân dương tính Covid-19 với mô hình “bệnh viện tách đôi” đang triển khai tại FV.
Hiện nay, bệnh viện FV đang triển khai tiêm chủng vaccine cho gần 5.000 công dân Pháp và thân nhân tại phía nam, đồng thời tình nguyện tham gia tích cực vào chiến dịch tiêm chủng vaccine cho người dân TP. HCM theo sự kêu gọi và phân công của Sở Y tế. Đại diện bệnh viện cũng kiến nghị Bộ trưởng Bộ Y tế, lãnh đạo TP. HCM, Sở Y tế cho phép FV chủ động tham gia toàn diện vào Chiến dịch tiêm vaccine phòng ngừa Covid-19.
Đáng chú ý, tại đây, đại diện bệnh viện FV kiến nghị Bộ Y tế cho phép bệnh viện thu phí dịch vụ tiêm chủng, với các lý do sau đây:
– FV là cơ sở y tế tư nhân, phải tự huy động ngân sách rất lớn để mua sắm nhiều trang thiết bị phục vụ hoạt động tiêm chủng. Cụ thể bao gồm hệ thống trữ lạnh âm sâu và kho lạnh hiện đại để bảo quản vaccine; trả lương cho y bác sĩ điều dưỡng; chi phí cho các hoạt động phụ trợ.
– FV phải tạm dừng các hoạt động của một số bộ phận khác để điều chuyển nhân sự ưu tiên cho công tác tiêm chủng đang vô cùng cấp bách.
– FV đã có nguồn mua vaccine nên đề xuất được chủ động đàm phán, mua và nhập vaccine bằng chính nguồn tài chính của bệnh viện. Bằng cách này, Việt Nam nói chung và TP. HCM nói riêng sẽ có thêm nguồn vaccine lớn, người dân có thể tự nguyện tham gia vào chiến dịch tiêm vaccine bằng khả năng tài chính của mình, như một cách góp phần giảm nhẹ gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Ảnh: Bệnh viện FV
Trao đổi với Trí thức trẻ về vấn đề này, ông Ken Atkinson, Nhà sáng lập Công ty tư vấn Grant Thornton Vietnam cho biết, đề xuất này là hoàn toàn phù hợp. “Điển hình như việc bệnh viện FV đang triển khai tiêm chủng vaccine cho gần 5.000 công dân Pháp, bệnh viện không thể tính phí vaccine đồng nghĩa với việc họ phải tự bỏ ‘tiền túi’ chi trả dụng cụ, như ống tiêm dùng một lần, dụng cụ đo huyết áp, chi phí cho nhân viên y tế…”.
Còn ông Nguyễn Minh Đức – cựu giám đốc hệ thống Vinmart+ khu vực phía Nam, founder thương hiệu HUE ROYAL, khẳng định đầy hoàn toàn là việc bình thường. “Lấy ví dụ một người đưa con đi khám ở bệnh viện, nếu muốn nhanh thì họ có thể lựa chọn đăng ký khám dịch vụ và trả tiền. Nếu không, họ có thể đăng ký khám theo BHYT và xếp hàng chờ”.
Theo ông Minh Đức, đề xuất này sẽ là cơ hội để người dân có thêm sự lựa chọn. “Ai không muốn chờ, không muốn xếp hàng và có điều kiện thì họ sẽ chọn dịch vụ ngoài và chấp nhận trả phí”.
Điều này cũng sẽ làm giảm áp lực lên lực lượng y tế. “Dịch vụ công ở mức chung, và năng lực phục vụ hữu hạn. Cho nên, khi có dịch vụ tư nhân sẽ có thêm sự lựa chọn cho người dân, từ đó đẩy mạnh tiến độ, giảm gánh nặng cho dịch vụ công”, ông Nguyễn Minh Đức nói thêm.
Trước đó, đại diện bệnh viện FV cũng thông tin, FV đã trang bị hệ thống kho lạnh được Viện Pasteur TP. HCM kiểm định và chứng nhận đủ điều kiện có thể lưu trữ cùng một lúc 800.000 liều vaccine Astra-Zeneca, 200.000 liều Moderna và 600.000 liều Pfizer. Hiện tại, chỉ với 3 điều dưỡng, 1 bác sĩ cùng với một nhóm nhân viên hành chính, Bệnh viện FV đã có thể tiêm 800 mũi/ngày.
Như vậy, với nhân lực hơn 100 điều dưỡng có chứng chỉ tiêm vaccine, Bệnh viện FV có thể tổ chức tiêm đến 10.000 người trong một ngày tại Bệnh viện FV và các điểm tiêm di động.
Điều này có nghĩa, nếu làm việc 7 ngày 1 tuần, FV có thể thực hiện tiêm cho khoảng 250.000 người/tháng, góp phần cùng TP. HCM đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho người dân thành phố, theo đúng tinh thần của công văn số 6118/BYT-DP của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc huy động tối đa nguồn lực y tế nhà nước và tư nhân, tổ chức tiêm chủng cho tất cả các trường hợp từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn TP. HCM.
Phản hồi