Theo thống kê, nhóm cổ phiếu dịch vụ tiêu dùng tăng giá mạnh nhất trong tuần qua với mức tăng 8,3% giá trị vốn hóa.
Điển hình như cổ phiếu thuộc ngành hàng không như: HVN của Vietnam Airlines tăng VJC,6%, VJC của Vietjet Air tăng 3,5%, ACV của Tổng Công ty CP Cảng Hàng không Việt Nam tăng 7,7%, SCS của CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn tăng 2%,…
Trong đó, nhờ sự bứt phá mạnh mẽ của VJC với 3 phiên tăng giá trong tuần, đặc biệt là phiên 09/09 với mức tăng 3,5%, cổ phiếu này đã đạt mức 129.800 đồng/cp. Đây là mức giá cao nhất đối với VJC kể từ thời điểm bùng phát dịch Covid-19 lần thứ Tư.
Sự trở lại của cổ phiếu VJC cũng góp phần đưa nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo từ vị trí thứ 6 đã trở lại Top 5 người giàu nhất thị trường chứng khoán sau nhiều tháng. Cùng với mức tăng nhẹ 0,9% đối với cổ phiếu HDB, giá trị tài sản của bà Thảo tại HDB và VJC đã tăng thêm 1.054 tỷ đồng chỉ trong tuần qua, nâng tổng giá trị tài sản của CEO hãng hàng không Vietjet lên mức 33.208 tỷ đồng.
Con số này vừa đủ để bà Thảo vượt qua ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Tập đoàn Novaland (NVL) trên bảng xếp hạng để lấy lại vị trí thứ năm. Tuần qua NVL giảm 1,33% về giá khiến cho ông Nhơn đánh mất 444 tỷ đồng, còn lại 32.781 tỷ đồng, qua đó hoán đổi vị trí với bà Thảo trong danh sách những người giàu nhất sàn.
Trong khi đó, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng luôn gữi vững vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán bất chấp sự biến động của cổ phiếu VIC. Giá cổ phiếu VIC giảm 3% sau khi kết thúc tuần, qua đó giá trị tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm 6.000 tỷ đồng, còn 197.000 tỷ đồng.
Vị trí thứ hai càng được củng cố vững chắc bởi Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, ông Trần Đình Long, sau khi giá cổ phiếu HPG tăng 5% và đóng cửa tuần ở mức giá 51.500 đồng/cp. Nhờ đó, ông chủ doanh nghiệp thép tư nhân lớn nhất Việt Nam bỏ túi 2.000 tỷ đồng, nâng giá trị tài sản lên 44.500 tỷ đồng trong tuần qua chỉ sau 3 phiên tăng giá của HPG.
Trong bối cảnh nhiều địa phương như Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh phía Nam tăng cường giãn cách xã hội, sản lượng bán hàng thép xây dựng, ống thép Hòa Phát giảm so với cùng kỳ.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, các nhà máy, Khu liên hợp sản xuất thép của Hòa Phát tại Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ngãi vẫn duy trì hoạt động liên tục theo nguyên tắc phòng dịch nhằm đảm bảo nguồn cung thép dồi dào cho thị trường.
Lũy kế 8 tháng 2021, Tập đoàn Hòa Phát đạt sản lượng thép thô 5,4 triệu tấn, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng bán hàng thép thành phẩm các loại đạt 5,6 triệu tấn, tăng 47% so với cùng kỳ. Thép Hòa Phát có nhiều lợi thế cạnh tranh như có cảng biển nước sâu ngay tại nhà máy, giúp dễ dàng vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa xuất đi các thị trường.
Hai vị trí còn lại trong Top 5 vẫn thuộc về bộ đôi tỷ phú Hồ Hùng Anh (thứ ba) và Nguyễn Đăng Quang (thứ tư), mặc dù cả hai ông này đều ghi nhận sự sụt giảm về tài sản sau khi cổ phiếu MSN của CTCP Tập đoàn Masan giảm 2,5%.
MSN chỉ có một phiên tăng giá duy nhất (09/09) trong tuần qua sau khi trải qua 4 phiên giảm giá liên tiếp sau khi Quỹ đầu tư GIC thoái vốn khỏi doanh nghiệp này và thu về 2.500 tỷ đồng.
Kết thúc tuần, giá trị tài sản của Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh giảm 788 tỷ đồng xuống còn 34.536 tỷ đồng, trong khi giá trị tài sản của Chủ tịch Masan Group Nguyễn Đăng Quang giảm 834 tỷ đồng, còn 33.242 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán vừa có tuần hồi phục thứ hai liên tiếp với thanh khoản tiếp tục trên mức trung bình. Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 10,66 điểm (0,8%) lên 1.345,31 điểm. Tính trong cả tuần, giá trị giao dịch trên HOSE tăng 63,7% lên 112.559 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 72% lên 3.661 triệu cổ phiếu.
Nhóm cổ phiếu dịch vụ tiêu dùng tăng mạnh nhất với 8,3% giá trị vốn hóa, nhờ đóng góp của các cổ phiếu thuộc ngành hàng không như HVN (tăng 19,6%), VJC (3,4%), ACV (7,7%), SCS (2%),…
Các cổ phiếu thuộc ngành bán lẻ như MWG (tăng 7,9%), DGW (19,6%)… Tiếp theo là nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu với mức tăng 1,8% giá trị vốn hóa, với các mã tiêu biểu trong ngành thép như HPG (4,7%), HSG (12,1%), NKG (4,9%)… Nhóm công nghệ thông tin với mức tăng 1,6%, chủ yếu do đà tăng của FPT (1,2%), CMG (3,6%)… Nhóm ngân hàng tăng 1,5% với các mã CTG (0,8%), BID (1,7%), MBB (1,1%), VPB (5%), TCB (2,1%), ACB (0,9%)…
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu dược phẩm và y tế giảm mạnh nhất khi giảm 4,5% giá trị vốn hoá với các mã như DHG (giảm 8,9%), IMP (2,6%), TRA (3,5%), DCL (3,9%)… Nhóm cổ phiếu dầu khí giảm 1,2% với các đại diện như BSR (giảm 1,6%), PLX (0,6%), PVD (5,2%), PVS (2,3%)…
Tuyệt vời!