Có phải tập thể dục càng nhiều càng khoẻ? Chuyên gia chỉ ra dấu hiệu cần ngừng tập thể dục
Mới đây, ông Lý (một người đàn ông Trung Quốc) đã phải nhập viện trong tình trạng bất tỉnh khi đang chạy bộ tập thể dục.
Qua tìm hiểu, bác sĩ cho biết, ông Lý có tiền sử mắc bệnh mạch vành cách đây khoảng 2 năm. Sau khi được chẩn đoán bệnh, ông Lý vẫn tiếp tục tập thể dục và còn tăng cường độ tập luyện lên 2 lần/ngày do thấy sức khoẻ có sự cải thiện rõ rệt.
Tuy nhiên, lần này ông Lý đang chạy bộ lại đột nhiên cảm thấy tức ngực, khó thở. Sau đó, ông ngất xỉu trên đường. Ông được người qua đường phát hiện và đưa vào viện cấp cứu kịp thời.
Bác sĩ Phùng Trạch Thuỵ, bác sĩ tại Khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhân dân 2 Liêu Thành, Trung Quốc, cho biết những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch như ông Lý không thích hợp để tập các bài tập rèn luyện thể chất với cường độ mạnh như chạy bộ. Bởi vì quá trình vận động mạnh sẽ khiến huyết áp tăng đột ngột, tạo gánh nặng cho tim, dễ gây ra tình trạng nhồi máu cơ tim ở người mắc bệnh mạch vành.
Tập thể dục thế nào cho đúng?
Bác sĩ Từ Tái Xuân, Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đồng Đức, Chiết Giang (Trung Quốc), chỉ ra rằng khi còn trẻ (trước 40 tuổi), các bài tập cường độ cao vẫn tương đối an toàn với sức khoẻ. Còn đối với người trung niên sau 50 tuổi, các bài tập với cường độ nhẹ nhàng như đi bộ, tập thái cực quyền, … sẽ phù hợp hơn do giai đoạn này cơ thể đã bắt đầu lão hoá.
Bác sĩ Từ cũng chỉ ra rằng, một số người khi còn trẻ không có thói quen tập thể dục nhưng khi đã lớn tuổi lại muốn tập thể dục “bù” và tăng cường độ tập luyện khi đã lớn tuổi. Điều này là trái với quy luật tự nhiên, sẽ đem lại những gánh nặng không cần thiết cho cơ thể, thậm chí còn có thể gây hại cho sức khoẻ.
Ảnh minh hoạ: Các bài tập cường độ cao phù hợp với người trẻ tuổi, không mắc các bệnh lý nền.
Bác sĩ Từ khuyến cáo mọi người không nên tập thể dục quá sức để tránh làm tổn thương cơ thể. Bác sĩ Từ cũng cho biết thêm, các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính cần chú trọng lựa chọn bài tập phù hợp với tình trạng sức khoẻ của bản thân. Cụ thể:
1. Bệnh nhân huyết áp cao
Bệnh nhân mắc huyết áp cao có thể tham khảo lựa chọn các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, bơi lội, thiền, yoga, thái cực quyền. Mỗi lần tập, mọi người chỉ nên tập từ 30 – 60 phút.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý nếu trong quá trình tập thể dục, cơ thể cảm thấy không thoải mái, hoặc khó chịu, cần ngừng tập và nghỉ ngơi.
2. Bệnh nhân bị thoái hóa xương khớp
Bệnh nhân mắc bệnh thoái hoá xương khớp không thích hợp tập các bài tập với cường độ cao như chạy bộ, leo cầu thang,… Thay vào đó, nên tập các bài tập rèn luyện các khối cơ trên cơ thể như: bài tập giãn cơ gân khoeo, giãn cơ bắp chân, squat một nửa, nhún 1 chân,…
3. Bệnh nhân mắc bệnh tim, phổi
Bệnh nhân bị bệnh tim, phổi không nên tập các bài tập như chạy, bơi lội, thay vào đó có thể tập các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, thái cực quyền, yoga,…
Ảnh minh hoạ: Đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính cần chú trọng lựa chọn bài tập phù hợp với tình trạng sức khoẻ của bản thân.
Dấu hiệu cảnh báo cần dừng tập thể dục
Trong quá trình tập luyện, nếu cơ thể có những biểu hiện khó chịu này thì phải kịp thời ngưng tập để theo dõi.
– Đau cơ, đau khớp kéo dài: Đau cơ, đau khớp liên tục sau khi tập luyện có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đã tập luyện sai cách khiến cơ và khớp bị tổn thương.
– Tức ngực, khó thở: Tức ngực khi vận động, kèm theo triệu chứng khó thở và đổ mồ hôi nhiều rất có thể là tín hiệu cho thấy tim đang bị ảnh hưởng bởi quá trình tập luyện, thậm chí bạn có thể đang đối mặt với giai đoạn đầu của cơn đau tim.
– Chóng mặt: Chóng mặt có thể do hạ đường huyết, hạ huyết áp do mất nước hoặc thiếu năng lượng. Nếu nước và đồ ăn nhẹ giàu protein không giúp bạn tỉnh táo, bạn có thể đang mắc một bệnh lý tiềm ẩn. Trường hợp nặng bạn có thể bị ngất xỉu và cần được cấp cứu.
Khi có một trong số các triệu chứng trên, bạn không nên tiếp tục tập luyện mà nên nghỉ ngơi. Nếu tình trạng bệnh không thuyên giảm, bạn cần đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.
Ảnh minh hoạ: Khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường, cần ngừng tập thể dục.
Lưu ý khi tập thể dục
1. Khởi động trước khi tập thể dục
Khởi động là một trong những bước quan trọng nhất trước khi bắt đầu tập luyện. Các bài tập khởi động giúp cơ thể ấm lên và ngăn ngừa chấn thương, mệt mỏi, chuột rút.
2. Không uống nước lạnh sau khi tập thể dục
Một số nghiên cứu cho thấy nước đá lạnh có thể gây “sốc” cho hệ tiêu hóa, vì cơ thể chúng ta tương đối ấm sau khi tập thể dục. Một số người cảm thấy đau dạ dày khi uống nước đá lạnh sau khi tập thể dục.
3. Nghỉ ngơi ngay sau khi tập thể dục
Việc ngồi ngay sau khi chạy sẽ khiến máu dồn xuống phần dưới của cơ thể, điều này làm chậm quá trình lưu thông máu trở lại tim và não. Tình trạng này có thể khiến huyết áp giảm xuống mức thấp, gây ra cảm giác chóng mặt, thậm chí ngất xỉu. Một tác động khác có thể xảy ra sau khi bạn ngồi xuống ngay sau khi chạy là các cơ bị căng cứng và gây đau cơ.
4. Tắm ngay sau khi tập thể dục
Tắm ngay sau khi tập thể dục cũng không được khuyến khích. Bởi khi mới tập thể dục xong, cơ thể còn đang đổ mồ hôi, nhịp tim còn nhanh nếu tắm luôn sẽ khiến cơ thể phải đổ dồn lượng máu đến da, dễ dẫn đến tình trạng thiếu máu cung cấp cho tim và não, gây chóng mặt và các triệu chứng khó chịu khác cho cơ thể.
Vì vậy, sau khi tập thể dục, bạn nên chờ cơ thể được nghỉ ngơi khoảng 20 – 30 phút để khô mồ hôi và bình thường hoá nhịp tim rồi mới bắt đầu việc tắm rửa.
Nguồn: Aboluowang
Phản hồi