Chuyên gia nói gì về rủi ro “mất đơn hàng” của doanh nghiệp Việt Nam trong làn sóng dịch mới?
Là người nghiên cứu về lao động, bà đánh giá thế nào về tác động của đại dịch trong làn sóng dịch mới so với lần trước?
Tác động của đợt dịch năm 2021 đến chuỗi cung ứng, về bản chất, là khác hoàn toàn so với năm 2020. Năm 2021 tác động của chúng ta là không phải về nguồn cung hay cầu, mà chính ở các nhà máy sản xuất. Trên thực tế, các thị trường tiêu thụ của Việt Nam đã hồi phục, nhưng các doanh nghiệp đang gặp khó ở việc, làm sao để đảm bảo sản xuất.
Nếu nhìn vào cụ thể vào từng nhóm ngành, rất nhiều lao động không ở vùng dịch thì vẫn làm việc tốt, thu nhập tốt. Nhưng ở các vùng dịch, người lao động phải giãn ca, giảm ca, những người không thu xếp được đường đi do ngăn cách vùng dịch phải nghỉ việc.
Nhiều con số mới được Tổng cục Thống kê đưa ra gần đây như 13 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch, thu nhập bình quân của lao động giảm 1%…Theo bà, những con số thống kê này đã phản ánh hết những khó khăn của những người lao động yếu thế trong xã hội như lao động di cư, lao động phi chính thức hay chưa?
Thực ra, con số thống kê làm đúng nhiệm vụ của nó thôi. Còn tác động của đại dịch tới các nhóm lao động khác nhau sẽ khác nhau. Ví dụ như ở ngành du lịch, tôi nghĩ con số thống kê không thể hiện hết được khó khăn của họ.
Đối với các khu công nghiệp, khó khăn của người lao động tại địa phương không nhiều vì họ có hỗ trợ của người quen, các mối quan hệ gia đình… Còn với người lao động nữ di cư, họ gặp khó khăn nhiều hơn. Do đó họ là nhóm người yếu thế hơn.
Bởi vậy, đối với từng nhóm người lao động, từng nhóm ngành chúng ta cần có những phân tích kỹ hơn ở nhiều khía cạnh để thấy rõ tác động của đại dịch.
Trong đợt dịch này, theo quan sát của bà, chuỗi cung ứng trong lĩnh vực nào bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất?
Theo khảo sát của chúng tôi, thì lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là dệt may và da giày. Theo thống kê, 40 – 50% lao động ở các ngành dệt may bị ảnh hưởng cực kỳ lớn tới thu nhập. Hơn 90% các nhà máy, xí nghiệp ngành dệt may và da giày đều là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, khi có ảnh hưởng của dịch bệnh thì họ không thể chuyển đơn hàng đi dâu được cả.
Hiện tại, ngành này đang nhận được rất nhiều đơn hàng. Đối với các mặt hàng nặng tính mùa vụ như thời trang, giày dép, quần áo… nhà máy sản xuất khi ký hợp đồng có thời gian giao hàng rất khắc nghiệt, nếu chậm tiến độ sẽ có hậu quả phạt khủng khiếp. Như đơn hàng may, nếu đơn hàng giao muộn phải chuyển bằng máy bay thì chi phí đội lên khủng khiếp, nhà máy sản xuất chịu mức phạt cao, có thể sẽ phải làm không công rất lâu để có thể bù lại.
Các nhà máy ở Bắc Giang, Bắc Ninh đang rất lo lắng, bởi tình hình dịch hiện này khiến họ rất khó hoàn thành đơn hàng để giao cho khách. Họ phải đàm phán với khách hàng về thời gian hoàn thành đơn hàng cho hợp lý.
Mặt khác, đặc tính của dây chuyền sản xuất của ngành này cũng khiến doanh nghiệp rất khó để gom đủ người lao động đi làm, trong khi các ngành khác đỡ khó khăn hơn khi họ đảm bảo được “3 tại chỗ và 1 cung đường”.
Vừa phải chịu gánh nặng về tài chính, doanh nghiệp dệt may cũng phải đối mặt với việc, các khách hàng sẽ cân nhắc lại, có thể dừng việc ký tiếp hợp đồng đặt hàng tiếp cho quý 4 và các năm tiếp theo.
Thậm chí, có khả năng, các hãng có thể chuyển hẳn đơn hàng sang các nước hiện không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh, khiến doanh nghiệp Việt mất thị phần trong chuỗi cung ứng. Đó là những rủi ro rất lớn về chuỗi cung ứng trong ngành dệt may và da giày mà hiện nay TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai hay Bình Dương đang gặp phải.
Còn các nhà máy liên quan đến chuỗi công nghệ điện tử thì sao, thưa bà?
Chuỗi công nghệ điện tử cũng có các nhà máy bắt đầu gặp khó khăn. Tuy nhiên, họ vẫn không khó khăn bằng ngành dệt may, da giày.
Chuỗi công nghệ về sản xuất linh kiện điện tử của Nhật Bản, Đài Loan đang đặt rất nhiều tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai hay Bình Dương. Ví dụ như ở Đồng Nai, các nhà máy có nguồn lực khá lớn, vì vậy họ vẫn nỗ lực đảm bảo cho số lao động tối thiểu làm việc.
Hơn nữa, tỷ lệ tự động hóa của họ khá cao, nên lượng công nhân thực tế họ cần không nhiều. Bên cạnh đó, có những nhà máy, trước họ làm giờ hành chính, thì giờ họ dãn thành 2 ca từ 5 giờ sáng đến 1 giờ chiều và từ 2 giờ chiều đến tầm 7-8 giờ tối để đảm bảo giảm số lượng người tập trung, tăng sự giãn cách xã hội.
Vậy các nhà máy sản xuất phải làm thế nào?
Chúng ta đã có những bài học từ năm 2020. Các quốc gia như Banglades, Trung Quốc, Việt Nam… có thể đoàn kết với nhau và đưa ra tiếng nói chung, yêu cầu các nhãn hàng ở EU chia sẻ rủi ro với các nhà sản xuất. Yêu cầu họ chấp nhận hoãn thời gian giao hàng để giảm bớt áp lực cho các nhà sản xuất trong dịch bệnh.
Tôi đặc biệt lưu ý, chúng ta không nên chỉ nhìn ảnh hưởng của đại dịch dưới góc nhìn ở Việt Nam, mà nên mở rộng ra phạm vi quốc tế. Bởi Việt Nam là 1 phần của chuỗi cung ứng toàn cầu, nên chúng ta cần có cái nhìn khác, đưa ra tiếng nói chung với các nhãn hàng. Nếu chúng ta có đưa ra đề nghị chia sẻ giữa nhãn hàng với nhà cung ứng ở Việt Nam thì đó là hỗ trợ tuyệt vời để họ có thể hồi phục sau đợt dịch.
Việc thiết kế chính sách của Nghị quyết 68 mới đây có gì thay đổi khiến việc thực hiện tốt hơn so với trước?
Theo tôi, thiết kế của gói hỗ trợ 26.000 tỷ theo Nghị quyết 68, so với gói 62.000 tỷ trước đây, đã được cải tiến rất nhiều. Trong đó có 3 điểm tích cực. Thứ nhất là đối tượng mở rộng hơn, thứ hai là mức chi trả cao hơn, và thứ ba là quy trình được đơn giản hóa.
Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất, thay vì quy trình hơn 1 tháng trước đây, giờ giảm xuống còn 7 – 10 ngày. Điều này thể hiện là những người thiết kế chính sách đã lắng nghe nhiều ý kiến từ người dân, địa phương.
Một điểm có lẽ là yếu tố quan trọng tác động đến thành công của gói hỗ trợ này, là trước đây, các địa phương muốn đề xuất thì có một cách rất không chính thức là thông qua nhóm zalo nhắn tin cho các lãnh đạo trên để phản ánh tình hình thực hiện. Để tổng hợp khối lượng thông tin theo cách không chính thức đó rất khó khăn.
Lần này, với Nghị quyết 68, chúng ta đã có một tổ công tác chuyên trách đặc biệt đặt ở TP. HCM, với đại diện là các cơ quan bộ ngành, giúp chúng ta có phản ứng nhanh chóng đối với các thay đổi ở các địa phương.
Tại sao thiết kế chính sách hỗ trợ ở Hà Nội, khi áp dụng tới các địa phương thì chưa đạt hiệu quả tối đa? Vì ở mỗi nơi có đặc điểm lao động khác nhau. Có nơi thì có nhiều người di cư, có nơi thì lao động ở tại địa phương. Nếu chúng ta liên kết được với các tổ chức ở địa phương, thì có thể trao đúng, đủ và rất nhanh.
Còn về phía doanh nghiệp, các chính sách của họ với người lao động trong đợt dịch này có gì khác so với đợt dịch trước?
Các đợt dịch trước, ví dụ như đầu quý 2/2020, các doanh nghiệp hầu hết đều hoang mang lo sợ khi các đơn hàng bị hoãn, hủy quá nhiều. Nhiều doanh nghiệp thậm chí đã lập tức cho người lao động nghỉ việc. Sau đó, khi các đơn hàng quay trở lại thì họ mất thêm chi phí tuyển người mới.
Năm nay, cách ứng xử của các doanh nghiệp đã bài bản và nhân văn hơn. Khi có dịch, họ có trao đổi đối thoại với người lao động về ảnh hưởng của dịch: ai làm giãn ca, tạm nghỉ như thế nào, người nghỉ việc được hưởng lương ra sao… Doanh nghiệp tất nhiên sẽ bị ảnh hưởng về mặt tài chính, nhưng ngược lại, điều này thể hiện sự phát triển bền vững trong mối quan hệ giữa chủ sử dụng lao động và người lao động.
Theo nghiên cứu, các doanh nghiệp có mối quan hệ bền vững với lao động là những doanh nghiệp có khả năng hồi phục tốt nhất sau đại dịch. Tôi mừng vì các doanh nghiệp có sự thay đổi trong đợt dịch lần này.
Tất nhiên vẫn còn những điểm cần lưu ý, như sự minh bạch về thông tin giữa chủ doanh nghiệp và người lao động trong đợt dịch này. Hiện nay nhiều chủ doanh nghiệp vẫn chưa có văn hóa đối thoại và cho rằng, họ là người ra quyết định, người lao động phải chấp nhận.
Năm 2020, 90% người lao động bị ảnh hưởng đại dịch cho biết họ hoang mang, sợ hãi trong thời điểm điều chỉnh lao động. Trong đó 50% có các biểu hiện bệnh lý về trầm cảm…
Dù doanh nghiệp có xử lý thế nào, thì cũng nên có sự đối thoại với người lao động. Trong trường hợp doanh nghiệp có công đoàn lao động thì có thể thông qua công đoàn cơ sở để đối thoại với người lao động về các biện pháp đưa ra, thay vì đơn phương áp đặt.
Cảm ơn bà!
Phản hồi