Cần hơn 157.500 tỷ nâng cấp hạ tầng, phát triển hệ thống cảng thuỷ nội địa
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định 1829/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, đến năm 2030, phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa đồng bộ, từng bước hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030.
Cụ thể, về vận tải, khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt khoảng 715 triệu tấn, đạt khoảng 397 triệu lượt khách, khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt khoảng 150 tỷ tấn.km; luân chuyển hành khách đạt khoảng 7,7 tỷ khách.km.
Nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng đường thuỷ nội địa giai đoạn 2021-2030 khoảng 157.533 tỷ đồng, không bao gồm kinh phí đầu tư luồng và các cảng chuyên dùng. Ưu tiên đầu tư cải tạo nâng cấp luồng tuyến, nâng tĩnh không các cầu trên tuyến vận tải chính yếu khu vực đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
Về kết cấu hạ tầng, sẽ cải tạo nâng cấp các tuyến chính có mật độ vận tải cao, đáp ứng chạy tàu 24/24 giờ, phấn đấu tổng chiều dài các tuyến khai thác đồng bộ theo cấp kỹ thuật đạt khoảng 5.000 km.
Đồng thời, phát triển hệ thống cảng, bến thủy đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách trên các hành lang vận tải thủy, từng bước hiện đại hóa các cảng chính, cảng chuyên dùng.
“Kênh hóa các đoạn sông qua đô thị lớn và chuyển đổi công năng cảng thủy xếp dỡ hàng hóa phù hợp với quá trình đô thị hóa. Hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa”, Quy hoạch nêu rõ.
Đến năm 2030, sẽ có 9 hành lang vận tải thủy gồm 1 hành lang ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang thuộc khu vực miền Trung thuộc hành lang ven biển, 4 hành lang khu vực miền Bắc gồm: Quảng Ninh – Hải Phòng – Hà Nội, Quảng Ninh – Hải Phòng – Ninh Bình, Hà Nội – Nam Định – Ninh Bình và Hà Nội – Việt Trì – Lào Cai.
Còn lại 4 hành lang khu vực miền Nam gồm: TP.HCM – Cần Thơ – Cà Mau, TP.HCM – An Giang – Kiên Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu – Tây Ninh – TP. HCM và hành lang vận tải thủy kết nối với Campuchia qua sông Tiền, sông Hậu. Trên hành lang gồm các tuyến vận tải chính và một số tuyến vận tải nhánh.
Bên cạnh đó, theo quy hoạch, sẽ có 55 tuyến vận tải chính trên 140 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 7.300 km. Trong đó, miền Bắc có 18 tuyến chính trên 49 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 3.028 km, miền Trung có 11 tuyến chính trên 28 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 1.229 km và miền Nam có 26 tuyến chính trên 63 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 3.043 km. Trên các tuyến vận tải, đầu tư đồng bộ các kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.
Nội dung quy hoạch cũng xác định tập trung phát triển 54 cụm cảng thủy hàng hóa, với tổng công suất khoảng 361 triệu tấn, được phân bố cân đối ở khu vực Bắc – Trung – Nam.
Cụ thể, tại phía Bắc có 25 cụm cảng, tổng công suất khoảng 199 triệu tấn; miền Trung có 8 cụm cảng, tổng công suất khoảng 9 triệu tấn và miền Nam có 21 cụm cảng, tổng công suất khoảng 153 triệu tấn.
Về cảng hành khách, quy hoạch 39 cụm cảng hành khách chính với tổng công suất khoảng 53,4 triệu lượt khách. Trong đó, khu vực miền Bắc có 10 cụm cảng, tổng công suất khoảng 10,9 triệu lượt khách; miền Trung 14 cụm cảng, tổng công suất khoảng 2,5 triệu lượt khách và miền Nam có 15 cụm cảng, tổng công suất khoảng 40 triệu lượt khách.
Phản hồi