Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng rà soát tác động việc hủy phát hành trái phiếu của Tân Hoàng Minh
Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng đang rà soát, đánh giá tác động của việc hủy phát hành trái phiếu của Tân Hoàng Minh liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp (DN) và bất động sản.
Ngày 5/4, đại diện Bộ Tài chính cho biết, đã giao Vụ Tài chính ngân hàng soạn thảo văn bản, báo cáo Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 153 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp. Bộ Tài chính đề xuất đặt ra các điều kiện chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn với nhà phát hành trái phiếu, đặc biệt trái phiếu riêng lẻ.
Với các doanh nghiệp có hệ số vay nợ lớn, tùy theo mức độ khác nhau sẽ có yêu cầu về tài sản đảm bảo nhằm nâng cao điều kiện an toàn hơn. Bên cạnh đó, sẽ có sàn giao dịch trái phiếu để doanh nghiệp phải đăng ký và giao dịch trên sàn, không còn là giao dịch thỏa thuận nữa. “Thông tư đã chuẩn bị rồi, nghị định ban hành là ký”, vị này nói.
Theo đại diện Bộ Tài chính, mấu chốt là nhà đầu tư cần chuyên nghiệp. Nếu nhà đầu tư chuyên nghiệp “thì không phải lo”. Còn về phía doanh nghiệp, hiện cứ chào mời nhà đầu tư bất kể là ai. Nhiều nhà đầu tư, kể cả không chuyên nghiệp, chưa biết gì cổ phiếu, trái phiếu, thấy lợi tức cao nên đầu tư vào.
“Hiện quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp còn dễ, nên các nhà tư vấn bán trái phiếu vẫn có cách để biến nhà đầu tư không chuyên thành chuyên nghiệp. Nâng các điều kiện chặt chẽ hơn cũng là cách bảo vệ nhà đầu tư. Bộ đang làm khẩn trương, trong quý 2 này có thể ban hành được”, đại diện Bộ Tài chính cho hay.
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, năm ngoái, bộ đã ban hành không biết bao nhiêu văn bản chỉ đạo, nhắc nhở, khuyến cáo liên quan tới thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cảnh báo nhà đầu tư.
Trao đổi với phóng viên chiều 5/4, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trước đây Bộ Xây dựng từng lên tiếng cảnh báo nhiều lần liên quan đến phát hành trái phiếu các doanh nghiệp địa ốc. Thời điểm đó, nguồn vốn triển khai các dự án bất động sản (BĐS) khi ngân hàng siết hạn mức ít nên nhiều doanh nghiệp huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu.
“Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất cao gây ra nhiều rủi ro với nhà đầu tư. Thời điểm đó, quy định pháp luật thoáng nên doanh nghiệp ồ ạt phát hành trái phiếu”, ông Sinh nói.
Ông Sinh cho biết thêm, đa số việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu làm bất động sản. Hiện nguồn vốn này bị siết, doanh nghiệp sẽ không có vốn triển khai tiếp dự án ảnh hưởng đến thị trường bất động sản.
Theo ông Sinh, tỷ lệ dự án Tân Hoàng Minh không nhiều và phân khúc là cao cấp nên ảnh hưởng đến toàn thị trường không nhiều. Tuy nhiên, việc này ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư và các địa phương. Theo đó, các địa phương sẽ thận trọng hơn khi rà soát cấp phép các dự án.
Luật sư La Văn Thái (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, theo quy định DN muốn phát hành trái phiếu ra công chúng, phải là doanh nghiệp (DN) công chúng, chịu sự quản lý, giám sát của Uỷ ban Chứng khoán. Cùng với đó, DN phải có phương án, bản cáo bạch nói rõ kế hoạch chi tiết, được cơ quan quản lý phê duyệt. Nhưng hiện nay, rất nhiều DN chỉ được phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhưng lại dùng đủ chiêu trò để phát hành vốn ra công chúng.
Nhiều DN có tài chính yếu kém vẫn phát hành số lượng lớn, gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu. Thậm chí, một số DN còn sử dụng thủ thuật tài chính để quay vòng dòng tiền góp vốn nhằm nâng khống số vốn gấp nhiều lần…
“Tình trạng này diễn ra tràn lan chủ yếu tại các ngân hàng và công ty chứng khoán. Do lãi suất cao cộng với sự giới thiệu hoành tráng của ngân hàng và công ty chứng khoán dẫn tới không ít nhà đầu tư tin tưởng mù quáng, mua phải những lô trái phiếu kém an toàn”, ông Thái nói.
Theo Luật sư Thái, đối với vụ Tân Hoàng Minh, ngay từ ban đầu, các đơn vị chức năng phải giám sát chặt chẽ, cảnh báo cho nhà đầu tư chứ không phải đợi đến gần một năm mới ra thông báo huỷ bỏ. Trong khi số tiền hơn 10.000 tỉ đồng huy động từ trái phiếu đã được sử dụng vào mục đích đầu tư.
“Sau khi trái phiếu bị hủy bỏ, DN phải hoàn trả tiền cho nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đợt chào bán bị hủy bỏ. Hết thời hạn này, đơn vị phát hành phải bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư theo các điều khoản đã cam kết. Trong trường hợp các bên không tìm được tiếng nói chung thì vụ việc sẽ phải chờ phán quyết của tòa án”, ông Thái cho hay.
Phản hồi