Bộ Tài chính phản hồi về cách hiểu sai lệch: “Ngân sách trung ương gần như không còn”
Trong thông cáo được phát đi đầu giờ chiều 17/9, Bộ Tài chính cho biết, ngày 16/9, tại phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ quốc hội đã xem xét dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ quốc hội ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.
Về nội dung này, nhiều thông tin báo chí nêu: “Ngân sách rất khó khăn, ngân sách trung ương gần như không còn, hiện chỉ chờ vào nguồn tiết kiệm chi và khoảng 14.620 tỷ đồng đang trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh dự toán thì mới chi được”.
Bộ Tài chính khẳng định, thông tin này làm độc giả hiểu sai tình hình ngân sách nhà nước.
Để làm rõ vấn đề này, Bộ Tài chính thông tin như sau: Tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ quốc hội ngày 16/9 bàn về việc ban hành chính sách miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh khó khăn do đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã báo cáo Ủy ban Thường vụ quốc hội, hiện nay, ngân sách dự phòng Trung ương là 17.500 tỷ đồng đã chi hết.
Trong khi đó, nhu cầu chi cho công tác phòng chống dịch đối với các lực lượng tham gia phòng chống dịch như công an, quân đội và các địa phương là rất lớn. Do đó, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ quốc hội cho phép chuyển nguồn tiết kiệm chi thường xuyên 14.620 tỷ đồng điều chỉnh vào dự phòng ngân sách Trung ương, để thực hiện các nhiệm vụ chi cấp bách cho công tác phòng chống dịch Covid-19.
“Tính chung các giải pháp đã được Ủy ban Thường vụ quốc hội, Chính phủ thực hiện theo thẩm quyền và các giải pháp như đề xuất, số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân năm 2021 là khoảng 140 nghìn tỷ đồng”.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.
Theo báo cáo của Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính), trong 8 tháng năm 2021, ngân sách nhà nước đã chi 18,8 nghìn tỷ đồng cho phòng chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Trong đó, Trung ương đã chi 10,7 nghìn tỷ đồng từ nguồn dự phòng năm 2021 để bổ sung kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 và 5,1 nghìn tỷ đồng mua vaccine phòng Covid-19 từ nguồn tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2020 chuyển sang. Các địa phương đã chi 3 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, chi 2,55 nghìn tỷ đồng từ Quỹ vaccine phòng Covid-19 để mua vaccine, xuất cấp vật tư, thiết bị dự trữ quốc gia cho phòng chống dịch Covid-19 và xuất cấp 74,3 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh Covid-19.
Liên quan đến việc ban hành chính sách miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh khó khăn do đại dịch Covid-19, dự kiến sau khi các cơ quan tiếp thu hoàn thiện, Nghị quyết này sẽ được ký ban hành trước ngày 1/10/2021. Đề xuất này có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 21,3 nghìn tỷ đồng.
Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán ngân sách nhà nước, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các Luật thuế, tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế.
Đồng thời, quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.
Chính phủ sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến và tác động của dịch Covid-19 đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân và khả năng cân đối thu ngân sách nhà nước. Trường hợp có biến động lớn, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ quốc hội và Quốc hội điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Phản hồi