Bitcoin tăng giá, nhà đầu tư tiền mã hóa tại Việt Nam hy vọng ‘về bờ’
Sau gần 3 tháng lao dốc, sự phục hồi trở lại của thị trường tiền mã hóa trong tháng 8 đã giúp nhiều nhà đầu tư Việt thoát cảnh đu đỉnh.
Chiều ngày 19/5, Đăng Hải – nhà đầu tư tiền mã hóa ở Đà Nẵng – vội vàng mở ứng dụng sàn giao dịch Binance ngay sau khi nghe tin thị trường quay đầu.
“Tôi gần như chết lặng khi nhìn danh mục đầu tư chìm trong sắc đỏ. Mọi thứ diễn ra quá nhanh, tôi cứ đinh đinh rằng thị trường chỉ điều chỉnh nhẹ, không ngờ giờ lỗ lớn, số vốn bỏ ra ban đầu lập tức bốc hơi 30-50%”, anh trần tình.
Cuối tháng 5/2021, cộng đồng nhà đầu tư tại Việt Nam dậy sóng khi chứng kiến giá hàng loạt đồng tiền mã hóa lao dốc.
Sau khi lập đỉnh lịch sử 63.000 USD/đồng hồi tháng 4, Bitcoin đã đánh mất hơn 50% giá trị, có thời điểm sụt dưới ngưỡng 30.000 USD/đồng. Vô số dự án tiềm năng khác như Ethereum (ETH), Binance coin (BNB), XRP, NEAR… cũng rơi vào tình trạng tương tự, khiến không ít người chơi lỗ đậm, đành chấp nhận chôn vốn.
Đợt sụt giá hồi tháng 5 khiến nhiều nhà đầu tư thiệt hại nặng nề khi không rút vốn kịp. Ảnh: Tuấn Anh. |
Thời kỳ ngủ đông
Dù đã có 2 năm kinh nghiệm, giống như bao người, Đăng Hải đang phải trải qua cảm giác của một nhà đầu tư đu đỉnh.
Kể từ đợt trượt giá cách đây 3 tháng, không khí đầu tư tiền mã hóa trên khắp thế giới xuất hiện một vài dấu hiệu hạ nhiệt. Dữ liệu của Coinmarketcap cho thấy khối lượng giao dịch của Bitcoin và các đồng tiền mã hóa khác liên tục duy trì mức thấp, tương đương 60-80% so với giai đoạn đầu năm 2021.
Hàng loạt đồng coin giảm sâu, không thể bán, nhiều nhà đầu tư tuyên bố xóa ứng dụng, rời thị trường tiền mã hóa để ngủ đông, đợi tín hiệu phục hồi.
Tại Việt Nam, lượng tương tác trên các hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm về tiền mã hóa có thời điểm giảm rõ rệt. Đáng nói, hoạt động của các hội nhóm liên quan đến phong trào đầu tư meme coin như Shiba Inu, Dogecoin… đến nay gần như bị lãng quên.
“Do muốn ăn chắc mặc bền, danh mục đầu tư của tôi chủ yếu là coin top, coin nền tảng. Ban đầu tôi đầu tư khoảng 100 triệu đồng và từng nhân 4-5 lần tài sản”, anh Hải nói.
“Sau khi rút lãi để làm việc riêng, tôi tái đầu tư hơn 100 triệu đồng hồi tháng 3 vào các coin như NEAR, XRP, DOT, CAKE nhưng không ngờ bắt đúng giá đỉnh”, anh Hải than thở.
Trao đổi với phóng viên, anh Hải cho biết các danh mục đầu tư đều thiệt hại từ 50-75%. Đơn cử, đối với đồng NEAR, sau khi mua vào ở mức từ 4,8-5,1 USD/đồng, đến chiều ngày 19/5, giá NEAR tụt dưới ngưỡng 4 USD/đồng và liên tục giảm, chạm đáy 1,6 USD/đồng vào cuối tháng 6.
“Tôi không chốt lời khi giá NEAR lên 7,3 USD/đồng và giờ chỉ biết tiếc nuối trước quyết định của bản thân”, anh bộc bạch.
Tương tự, sau khi mua XRP với giá từ 1,4-1,55 USD/đồng, do không bán ngay khi có tín hiệu điều chỉnh của thị trường, số tiền anh Hải chỉ còn 1/3 sau khi giá XRP chạm đáy 0,53 USD/đồng.
Nhen nhóm hy vọng về bờ
Chỉ trong vòng 7 giờ đồng hồ, Bitcoin đã có đợt tăng giá ấn tượng từ 34.000 USD/đồng lên hơn 38.000 USD/đồng vào ngày 22/7.
Cuối tháng 8, thị trường tiền mã hóa đón tín hiệu hồi phục tích cực. Sau khi lao dốc mạnh hồi tháng 5, Bitcoin dần lấy lại các mốc quan trọng như 41.000 USD/đồng, 45.000 USD/đồng, 48.000 USD/đồng và vượt 50.000 USD/đồng hôm 23/8.
NEAR, đồng tiền mã hóa được anh Hải đầu tư, cũng tăng trưởng rõ rệt theo xu hướng chung của thị trường. Nhận thấy thời cơ, anh Hải nhanh chóng bán toàn bộ số NEAR nắm giữ với giá 5,5 USD/đồng.
Trên thực tế, một số đồng tiền mã hóa khác trong danh mục đầu tư như DOT, CAKE hay XRP vẫn chưa thể vươn lên được mốc mong muốn. Do vậy, việc bán số NEAR với giá thoát lỗ chưa hoàn toàn giúp anh Hải về bờ.
“Tôi vẫn tin tưởng vào tiền mã hóa. Sau bao lần đu đỉnh thì mình rút ra nhiều kinh nghiệm, đặc biệt nên xả coin khi thấy Bitcoin lên mức kháng cự mạnh nhất, quy đổi và giữ USDT, chờ thị trường điều chỉnh rồi vào lại”, anh Hải chia sẻ.
Sau gần 3 tháng lao dốc, giá NEAR coin dần tăng trưởng trở lại. Ảnh: Coinmarketcap. |
Đối với anh Mạnh Ninh – nhà đầu tư tại Hà Nội – cơ hội gỡ lại số tiền bỏ ra sau khi đu đỉnh là cả chặng đường dài.
“Tôi thường đầu tư 40% vốn vào coin top, 30% vào coin rác, 30% vào các hợp đồng tương lai sử dụng đòn bẩy. Các mã hiện nay của tôi phần lớn là BNB, HT (Huobi Token), NEAR, EOS, MATIC… Vì chưa có nhiều kinh nghiệm giao dịch hợp đồng tương lai nên tôi thường lỗ”, anh Ninh cho biết.
Sau khi đầu tư 10.000 USD, số tiền của anh Ninh hiện còn 6.000 USD. Thậm chí, trong đợt Bitcoin giảm giá xuống dưới 29.000 USD/đồng hồi tháng 5, tài khoản đầu tư khi ấy dao động đâu đó quanh 1.500 USD.
Né tránh các hội nhóm phím lệnh
Trao đổi với Zing, nhiều người dùng chia sẻ họ thường đầu tư tiền mã hóa theo hình thức cá nhân thay vì tham gia các hội nhóm phím lệnh. Do đó, người dùng phải bỏ dành nhiều thời gian ban đầu để tìm hiểu cách chơi.
Tuy giúp người dùng củng cố thêm kiến thức, việc đầu tư đơn lẻ ít nhiều tồn tại mặt rủi ro mang tính chủ quan như chạy theo các dự án FOMO, không làm chủ được nguyên tắc đầu tư khi môi trường biến động.
“Mỗi giai đoạn lại có những xu hướng đầu tư khác nhau, chẳng hạn như hiện tại là ‘trend’ game NFT. Việc thị trường phát triển sản sinh ra nhiều dự án mới. Bên cạnh những dự án hấp dẫn, ý tưởng lạ lẫm vẫn còn một số dự án mập mờ, đội ngũ phát triển ẩn danh, không sách trắng”, Mạnh Ninh nhận xét.
Việc gia nhập các hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm đầu tư, phím lệnh cũng được nhiều người dùng quan tâm. Những nhóm này hoạt động chủ yếu trên các nền tảng nhắn tin như Telegram. Điều kiện tham gia của mỗi nhóm khác nhau, thường là có người giới thiệu hoặc yêu cầu người mới đóng phí.
“Các nhóm này do một đội ngũ hoặc hệ thống quản trị viên có khả năng phân tích kĩ thuật điều hành. Đội ngũ càng phân tích chuẩn càng thu hút nhiều thành viên. Luôn luôn có xác suất đúng/sai chứ không thể nào tuyệt đối 100%”, Hồ Thanh Bình – nhà đầu tư tiền mã hóa với 3 năm kinh nghiệm ở Hà Nội – nhận định.
Tuy nhiên, anh Bình cho biết thế hệ F0 mới đầu tư vào tiền mã hóa rất dễ rơi vào cạm bẫy của các nhóm lừa đảo nếu thiếu kiến thức. Ngoài việc mất phí tham gia nhưng không thu được lợi ích gì, người chơi có khả năng bị một số đối tượng dẫn dắt sang đánh Forex, BO theo mô hình lừa đảo.
“Nhà đầu tư cũng nên tránh tiếp xúc với những người tự nhận là ‘thầy’ trên mạng xã hội. Đa số những người này ‘tát nước theo mưa’, thấy tín hiệu thị trường tốt thì phán uptrend nhưng thấy thị trường điều chỉnh nhẹ thì kêu gọi mọi người xả hàng”, anh Bình nhận định.
Theo nhà đầu tư này, mục đích chính của các “thầy đọc lệnh” là tạo lòng tin đến người mới, từ đó mời chào họ bỏ tiền tham gia khóa học hoặc mua sách hướng dẫn kĩ năng.
(Theo Zing)
Phản hồi