Bên cạnh chuyện đi làm sớm, kiếm tiền tỷ, Gen Z cũng “nóng vội, thiếu kiên nhẫn, lanh chanh và dễ mắc sai lầm”: Người trong cuộc thực sự đang ĐỐI MẶT với cái gì?
Nếu tuân thủ theo định nghĩa trong sách giáo khoa, thì Gen Z, viết đầy đủ là Generation Z, được định nghĩa là một nhóm người sinh ra từ 1997 đến 2012. Tức có nghĩa là, đầu Gen Z bây giờ đã 24, 25 tuổi… Ôi! Cái tuổi mà theo như như Jack Ma nói, “Trước 25 tuổi mọi sai lầm đều là tài sản, đều là bài học quý báu cho các bạn”.
Chính xác thì Gen Z đang hướng tới điều gì?
Dành khoảng chừng 0,39 giây tìm kiếm cụm từ “Gen Z kiếm tiền” trên Google, bạn sẽ nhận được khoảng 1.340.000 kết quả. Điều khiến Gen Z nổi bật có lẽ là “giỏi kiếm tiền từ rất sớm.”
Mặc dù câu chuyện này được chia sẻ từ cô nàng Linh Phan (2k2), hiện đang là sinh viên năm 2 Đại học Tài nguyên Môi trường Hà Nội, nhưng nó là suy nghĩ thật sự rất phổ biến ở Gen Z. Bên cạnh việc học, cô nàng đang sở hữu kênh bán hàng Shopee với gần 35k lượt theo dõi. Khi được hỏi về quá trình khởi nghiệp của mình, cô nàng chia sẻ góc nhìn cá nhân: “Việc khởi nghiệp là một quá trình khó khăn, mặc dù mình nhỏ bé nhưng cái thấp vẫn là nguồn của cái cao.”
Trả lời cho câu hỏi tại sao cần phải cố gắng như vậy, cô nàng thẳng thắn: “Đơn giản lắm, vì tiền. Mua được thứ mình muốn mua, yêu được người mình muốn yêu, mình không muốn phải nhìn sắc mặt người khác để sống qua ngày. Để sau này, bố mẹ có khó khăn thì sẽ lập tức nói với mình, chứ không phải sợ mình không có tiền mà ngại làm phiền. Vậy thì cớ gì mà mình không cố gắng.”
Theo đó, 1 blogger có lời nhận xét tổng quan như sau: “Gen Z lớn lên trong thời kỳ áp lực kinh tế toàn cầu. Vì vậy mà những áp lực và tiêu chuẩn cuộc sống của họ trở nên khác biệt hơn so với các thế hệ trước. Nhiều bạn trẻ thuộc Thế hệ Z nhận thức sâu sắc rằng cần tiết kiệm cho tương lai. Họ luôn tìm kiếm những cơ hội việc làm tốt hơn cho bản thân mình để đảm bảo sự an toàn và tự chủ về mặt tài chính.”
Một nghiên cứu được thực hiện bởi Anphabe, đơn vị tư vấn tiên phong tại châu Á về các giải pháp nguồn nhân lực và thương hiệu nhà tuyển dụng, đã chỉ ra rằng: “Khác với các thế hệ trước, có tới 81% các bạn trẻ Gen Z tự tin hiểu rõ bản thân, biết mình thích và không thích làm gì”.
Minh Châu (Sinh viên năm 3 Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), một Gen Z đặc biệt với những suy nghĩ khác với số đông còn lại. Cô nàng chia sẻ rằng mình vừa nghỉ 3 job làm thêm: “Mình hiểu mọi người muốn đi làm sớm để có kinh nghiệm, hiểu mình hiểu nghề, có thể tự chủ tài chính một phần nào đó. Nhưng sau một thời gian part-time và cảm thấy không quá đam mê công việc, mình đã nghỉ. Tận hưởng 1 năm cuối trước khi ra trường, dành cả đời để đi làm.
Nhiều lúc tự hỏi có phải mình thích đi làm không? Hay vì bạn bè xung quanh ai cũng đi làm nên mình phải chạy theo số đông? Câu trả lời của mình là vế sau. Vì thế, nên mình quyết định dừng lại để học thêm, trải nghiệm và đi đây đó. Cảm giác nó không hào nhoáng như việc làm quán quân các cuộc thi, intern tập đoàn lớn như các bạn mình, nhưng mà nó làm mình hạnh phúc!”
Gen Z đang quá áp lực về chuyện kiếm tiền?
“Trong lúc có nhiều Gen Z thực sự kiếm tiền từ rất sớm, thì những người còn lại họ đang nghĩ gì?” Đây là một đề tài mà đối với Thế hệ Z, họ có 2 luồng ý kiến song song với nhau.
Một là, khởi nghiệp và tự lập từ khi còn rất sớm, tự chủ tài chính càng sớm sẽ càng có nhiều “TỰ DO”. Đây chính xác là cụm từ mang “vibe” đặc trưng của Gen Z, và là lựa chọn của cô nàng Linh Phan.
Hai là, học hỏi và tích lũy kinh nghiệm trước khi bước chân vào con đường kiếm tiền, muốn nghỉ ngơi và tận hưởng mọi chuỗi hành trình trong cuộc sống. Điều này tạo nên sự khác biệt của cô nàng Minh Châu so với nhiều bạn trẻ cùng tuổi.
Cùng xem liệu dưới những góc nhìn khác nhau, thì 2 cô nàng này nghĩ thế nào về “áp lực”, khiến cho Gen Z bị gắn mác là “Chưa chịu khổ đủ đã than cực” hay mang tiếng ” Một thế hệ yếu đuối” đang được tranh luận dạo gần đây.
Theo Linh Phan và Châu, thì điều gì đang là áp lực lớn nhất với Gen Z nói chung và cá nhân 2 bạn nói riêng?
Linh Phan nói: “Điều khiến mình cảm thấy áp lực nhất, có lẽ là bị mọi người nghi ngờ về năng lực của bản thân, và mình nghĩ nhiều bạn trẻ bây giờ cũng thế. Vì mình còn quá trẻ, so với họ. Nhớ khoảng thời gian mình đăng tải hình ảnh thành quả sau 1 tháng bán hàng, rất nhiều bình luận tiêu cực bảo mình lừa dối khách hàng để tăng tương tác, trẻ như vậy làm sao làm nổi… Thật sự mình rất buồn vì bị phủ nhận hết thảy những cố gắng đó. Khi đó mình chỉ muốn nói rằng, bạn không làm được không có nghĩa là ai cũng như vậy. Nhưng mình nghĩ cách tốt nhất để đáp trả, là cho họ thấy mình vẫn bán hàng rất tốt, lượng khách ổn định thông qua những phản hồi của khách hàng.”
Minh Châu: “Đối với mình thì khác. Thứ khiến mình cảm thấy áp lực nhất, nó đến từ chính những người bạn đồng trang lứa của mình. Cái mà mọi người hay gọi là ‘peer pressure – áp lực đồng trang lứa’. Mình cảm thấy thế hệ của chúng ta bây giờ rất giỏi luôn í. Linh Phan đây cũng là một ví dụ tiêu biểu nè. Giờ đây, trên mạng xã hội cũng rất nhiều thông tin “20 tuổi kiếm tiền tỷ” , “20 tuổi sở hữu bất động sản khủng”, “20 tuổi tậu xe sang”, “độc lập tài chính tuổi 20″… và ti tỉ thứ mà “mới 20 tuổi” đã làm được. Ôi, mình không có ý gì đâu nhưng thực sự nó khiến mình tự ti về bản thân nhiều lắm.”
Hai bạn có suy nghĩ gì về việc các thế hệ đi trước cho rằng Gen Z cần phải “vượt sướng” chứ không phải “vượt khổ”, hay khi Gen Z bị gắn mác “Thế hệ hay kêu ca, dễ trầm cảm/ lo âu, dễ ảnh hưởng bởi vấn đề tâm lý, được bao bọc quá nhiều…”?
Cả Linh Phan và Minh Châu đều khẳng định, “Yeah, tuổi nào mà chẳng có áp lực.” Nhưng có lẽ cái cách mọi người nhìn nhận nó hơi bị tiêu cực quá. Gen Z bây giờ quá áp lực về chuyện kiếm tiền. Áp lực này không may lại được tạo ra từ chính thế hệ của họ. Nhiều thông tin khiến cho những đứa trẻ vừa chập chững lớn nghĩ rằng, phải kiếm tiền được vào lúc càng trẻ càng tốt, đua nhau xem ai sẽ kiếm được nhiều tiền khi còn trẻ.
Minh Châu nói hồi cô nàng mới đi làm, chị quản lý đã nhắc nhở nhiều lắm: “Mình vẫn nhớ y nguyên lời chị ấy nói với mình ‘Thế hệ này khiến chị nhiều khi rất không hài lòng, bản tính nóng vội, thiếu kiên nhẫn, lanh chanh và dễ mắc sai lầm.’ Lúc nghe được điều đó, mình thấy đúng lắm. Đúng là chúng mình còn quá trẻ để chuyên nghiệp trong một môi trường nào đó, sẽ có những điều chúng mình làm sai vì chưa được va vấp từ trước, chúng mình thích làm nhanh, nghĩ nhanh mà đôi khi để lại những mớ bòng bong cần các anh chị giải quyết. Nhưng thật sự, mình nghĩ chúng mình cần có những cơ hội để chứng tỏ bản thân nhiều hơn là việc bị gắn mác Gen Z và đánh giá như vậy. Linh Phan em có nghĩ giống chị không?”
Linh Phan cũng gật gù với ý kiến này: “Em thấy đúng lắm chị. Mặc dù chúng ta hay bị đánh giá như thế, kiểu như hay kêu ca, lo âu những thứ không đâu, hay là trong mắt người lớn thì toàn thích suy nghĩ linh tinh, nhưng em thấy nhiều bạn trẻ cùng tuổi thậm chí là còn nhỏ tuổi hơn em nữa, rất giỏi. Các bạn ấy chủ động, có những ý kiến sáng tạo, tiếp cận thông tin nhanh chóng, và đặc biệt là khả năng phản biện rất tốt. Em thấy khi ở giữa một tập thể toàn người giỏi và năng động, thì ai rồi cũng áp lực thôi mà. Mặc dù chúng ta không có chiến tranh theo đúng nghĩa đen, nhưng chúng ta có chiến tranh ngầm giữa những người cùng thế hệ.”
Điều này vô tình tạo nên một thế hệ căng thẳng nhất hiện tại, tỉ lệ trầm cảm ở các bạn trẻ đang vượt ngưỡng và gần một nửa các bạn trẻ Gen Z đang phải đối mặt với cảm giác tuyệt vọng, lạc lõng.
2 bạn nghĩ rằng, Gen Z cần làm gì để vượt qua được định kiến của “thế hệ” và áp lực đồng trang lứa?
Minh Châu nói rằng cô bạn có 2 cách để vượt qua áp lực nào đó: “Một là mình né tránh nó. Hai là đâm thẳng vào nó. Và ở thời điểm hiện tại, mình đang chọn vế sau. Mặc dù từ bỏ công việc làm thêm, nhưng đó là cách để mình giải quyết những áp lực vô hình chung mà có lẽ phần nhiều mình bắt bản thân mình gánh. Mình chọn học hỏi nhiều hơn, rèn luyện nhiều hơn. Suy cho cùng thì cuộc đời mình là một bức tranh, và họa sĩ đó là chính bạn. Thế nên mình không muốn vẽ cuộc sống của mình trên góc nhìn của người khác.”
Cô bạn Linh Phan cũng nói: “Đối với mình, thời điểm hiện tại, áp lực từ công việc đã lấn át đi những áp lực bên ngoài khác. Cứ tập trung vào việc mình cần làm thôi, kết quả sẽ chứng minh bạn là ai, và quá trình đi đến kết quả đó, là những trải nghiệm không ai dạy bạn ngoài chính bản thân. Miễn là đừng dừng lại, cho dù có lết cũng phải tiến đến bước cuối cùng.”
Dù cho có nhiều định kiến về Gen Z, thì vẫn luôn tồn tại những lời động viên đến từ các thế hệ trước
Nếu như mới tiếp xúc với lối sống và cách làm việc của Gen Z, thì có nhiều người anh, người chị cảm thấy không dung hòa được với lớp trẻ này. Nhưng có lẽ, khi bắt đầu thấu hiểu hơn về thế hệ này, các anh chị ở thế hệ trước vẫn sẽ yêu quý Gen Z thôi, có khi còn hiểu họ hơn chính bản thân họ.
Trong chuyên mục “Tâm sự Gen Z”, leader của trang nhận xét: “Tui không biết ở nơi đâu thì Gen Z là một thế hệ “quái vật” với những từ cố tình viết sai chính tả, với những yếu đuối mong manh quá đà, với những vô tổ chức vô kỷ luật. Tui chỉ biết những Gen Z mà tui được tiếp xúc là đại diện của một thế hệ rất trẻ và cực kỳ tài giỏi.”
Ảnh: Tổng hợp
Pháp Luật và Bạn đọc
Phản hồi