Ba kiến nghị cấp bách của VCCI để gỡ khó cho doanh nghiệp vượt đại dịch
Trước tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp với những tác động nghiêm trọng tới doanh nghiệp và nền kinh tế, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thay mặt VCCI cùng các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp đưa một số đề xuất với Chính phủ để giúp doanh nghiệp trở lại sản xuất kinh doanh an toàn và hiệu quả.
Thứ nhất, xây dựng ban hành cẩm nang các biện pháp an toàn và kiểm soát sự lây nhiễm covid 19 trong doanh nghiệp.
Theo ông Lộc, trên cơ sở các hướng dẫn về an toàn và sức khỏe, phù hợp với các yêu cầu về kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của chính phủ Việt Nam và các tiêu chuẩn của Tổ chức y tế Thế giới (WHO), kinh nghiệm của các quốc gia khác cũng như các bài học thực hành tốt từ các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các hướng dẫn của Bộ Y Tế trong thời gian vừa qua, VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp đang dự thảo một cẩm nang để hỗ trợ các nhà máy xây dựng kế hoạch tái khởi động sản xuất một cách linh hoạt, có lộ trình và đảm bảo an toàn sức khỏe của người lao động luôn là ưu tiên hàng đầu.
“Chúng tôi đề xuất Thủ Tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan quản lý có liên quan cùng với cộng đồng doanh nghiệp xem xét, bổ sung và hoàn thiện cẩm nang này để doanh nghiệp có thể tham chiếu, tránh tình trạng có quá nhiều văn bản hướng dẫn chồng lấn nhau”, ông Lộc nêu rõ.
Theo ông, có thể triển khai thí điểm các phương án này ở một số doanh nghiệp, một số địa phương trước khi áp dụng đại trà như vậy cũng sẽ đảm bảo tính khả thi. Ví dụ, cho phép doanh nghiệp hoạt động với quy mô phù hợp với năng lực của doanh nghiệp, người lao động và chính quyền địa phương, hoặc bắt đầu tái khởi động từ 20%, 30%, 50%, 70% quy mô sản xuất và nâng dần lên theo thời gian.
Thứ hai, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn được chung tay để kiểm soát tình hình dịch bệnh, giảm áp lực cho đội ngũ y tế tại các bệnh viện.
Tọa đàm trực tuyến: Giải pháp cấp bách và lâu dài chống đứt gãy chuỗi cung ứng
Theo Chủ tịch VCCI, hiện nay các doanh nghiệp có đội ngũ bác sĩ, y tá trong nhà máy hoặc liên kết với các phòng khám, bệnh viện có uy tín, do đó muốn huy động nguồn lực này để giúp đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vaccine, xét nghiệm tại chỗ cho công nhân để nhà máy có thể mở cửa vận hành lại từng phần.
“Chúng tôi đề xuất chính phủ xem xét tổ chức đào tạo cho nhân viên y tế của nhà máy để họ có thể hỗ trợ triển khai việc tiêm chủng vaccine cho người lao động của nhà máy. Đồng thời, việc xét nghiệm nhanh tại chỗ cũng không kém phần quan trọng, cùng với việc tăng tốc tiêm vaccine thì đây sẽ là chìa khóa cho việc mở cửa hoạt động trở lại. Chúng tôi đề nghị Chính phủ cho phép nhập khẩu hoặc sản xuất các bộ xét nghiệm nhanh để tăng tốc độ xét nghiệm sàng lọc và xét nghiệm tại chỗ, hỗ trợ cho việc xét nghiệm do chính phủ quản lý”, ông Lộc nêu rõ.
Thứ ba, tăng cường việc phối hợp, trao đổi thông tin giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp.
“Chúng tôi cho rằng việc thường xuyên trao đổi thông tin đối thoại giữa các doanh nghiệp với chính quyền địa phương và các cơ quan bộ ngành sẽ đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ của doanh nghiệp đối với các quy định của Chính quyền. Việc này cũng đồng thời giúp cho các doanh nghiệp kịp thời chia sẻ, phản ánh các thông tin vướng mắc và đưa ra những sáng kiến để chung tay với cả nước vượt qua các thách thức trong giai đoạn hiện nay và thời gian sắp tới”, Chủ tịch VCCI cho biết.
Ông Lộc đề xuất trong giai đoạn này, Chính phủ có các cuộc họp giao ban, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, có sự tham dự của các bộ ngành và đặc biệt là chính quyền địa phương để kịp thời tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động.
Đề cập tới các chỉ đạo của Chính phủ thời gian quan, ông Lộc cho biết cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao các chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của chính phủ trong việc giảm thiểu sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta của Covid-19, đồng thời giúp doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư tại Việt Nam từ cuối tháng 4 đến nay.
Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI nhận định việc đóng cửa các tỉnh thành hiện nay càng kéo dài, thì những khó khăn kinh tế, xã hội mà Việt Nam và người dân Việt Nam phải đối mặt sẽ ngày càng lớn.
Ở cấp độ doanh nghiệp, phương án “3 tại chỗ” đã phần nào giúp cho các doanh nghiệp duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức với doanh nghiệp, người lao động và có thể dẫn đến các rủi ro về thực hành lao động, gây ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp.
Chủ tịch VCCI: Doanh nghiệp không thể áp dụng mãi mô hình “3 tại chỗ”
“Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Thực tế cho thấy phương án ‘3 tại chỗ’ là giải pháp ngắn hạn và chỉ có thể áp dụng thành công ở một số ít doanh nghiệp. Chương trình tiêm chủng vaccine đã được chính phủ phát động thành công, nhưng sẽ mất nhiều tháng nữa để triển khai rộng rãi trên toàn quốc”, ông Lộc cho biết.
Quan điểm này cũng được Chủ tịch VCCI nhấn mạnh tại tọa đàm trực tuyến “Giải pháp cấp bách và lâu dài chống đứt gãy chuỗi cung ứng” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy tổ chức tối ngày 7/8.
“Chúng ta phải xác định tinh thần là cuộc chiến sẽ trường kỳ, không ai có thể đưa ra dự báo lạc quan lúc này. Do đó, cả Chính phủ và doanh nghiệp đều phải chuyển trạng thái. Các biện pháp cấp bách không thể kéo dài được, mà phải tính phương án từng bước mở cửa nền kinh tế như thế nào, làm sao để doanh nghiệp vừa phòng dịch vừa sản xuất kinh doanh. Việc này cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải sáng tạo để đưa ra các phương thức mới, thích ứng với yêu cầu của giai đoạn hiện nay”, ông Lộc nhấn mạnh tại tọa đàm.
Phản hồi