An toàn thông tin trong chuyển đối số, những thách thức và cơ hội mới
Sự kiện do Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam (VNISA) – Chi hội phía Nam phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông – Cục An toàn Thông tin; UBND TP.HCM – Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM đồng tổ chức. Hội thảo trực tuyến sẽ diễn ra vào thứ Bảy, ngày 23/10/2021 tại kênh livestream Facebook, kênh riêng Youtube và website (www.vnisahcm.org.vn)
“Chúng tôi mong muốn công nghệ góp phần to lớn giúp vực dậy nền kinh tế, cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phải đảm bảo an ninh thông tin đối với người dùng.”
Ông Ngô Vi Đồng, Chủ tịch Chi hội An toàn thông tin phía Nam.
Hội thảo là dịp để các nhà lãnh đạo chia sẻ tầm nhìn, định hướng mục tiêu nhiệm vụ và giao lưu cùng các doanh nghiệp, cộng đồng công nghệ thông tin; để các chuyên gia, nhà khoa học, các đơn vị ứng dụng và cung cấp sản phẩm dịch vụ công nghệ thông tin và an toàn thông tin trong và ngoài nước, chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực an ninh, an toàn thông tin; đồng thời là nơi giới thiệu những thành tựu về công nghệ mới nhằm đáp ứng các đòi hỏi của xu thế phát triển công nghệ, phục vụ công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra sâu rộng trong các cơ quan, doanh nghiệp và người dùng cá nhân.
Ông Ngô Vi Đồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam (VNISA), Chủ tịch Chi hội phía Nam chia sẻ: Hội thảo năm nay diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn ra phức tạp nên Ban tổ chức quyết định tổ chức online. Cùng với chiến lược, mục tiêu của chuyển đổi số là những kế hoạch cụ thể đã và đang được các cơ quan doanh nghiệp triển khai. Công cuộc chuyển đổi số đòi hỏi các cơ quan, doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị kỹ càng, trang bị tri thức về quản trị và công nghệ phù hợp, chuẩn bị nguồn lực tương ứng để thực thi thành công các mục tiêu chuyển đổi số.
“Chúng tôi mong muốn công nghệ góp phần to lớn giúp vực dậy nền kinh tế, cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phải đảm bảo an ninh thông tin đối với người dùng”, ông Đồng nói.
Trong “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Chiến lược chuyển đổi số quốc gia cũng khẳng định: “Đảm bảo an toàn, an ninh mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững, đồng thời là phần xuyên suốt, không thể tách rời của chuyển đổi số. Mọi thiết bị, sản phẩm, phần mềm, hệ thống thông tin, dự án đầu tư về công nghệ thông tin đều có cấu phần bắt buộc về an toàn, an ninh mạng ngay từ khi thiết kế”.
Tại Hội thảo, Chi hội VNISA phía Nam sẽ trình bày báo cáo về bức tranh tổng thể an toàn thông tin của Việt Nam và thế giới, nêu lên những cảnh báo, phòng ngừa và các khuyến nghị thiết thực với các cơ quan, doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra song song với những nỗ lực phòng chống dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam và trên toàn cầu.
- Số lượng khảo sát rất phong phú với 172 ý kiến của doanh nghiệp (tăng hơn 100 so với năm 2020).
- 45% ý kiến xuất phát từ các đơn vị có trên 300 nhân sự sử dụng máy tính.
- Vẫn còn 49% ý kiến cho rằng chi phí đầu tư cho an toàn thông tin, chưa đến 5% chi phí công nghệ thông tin của đơn vị.
- Nhu cầu đào tạo về an toàn thông tin khá lớn từ 15-26% cho rằng cần đào tạo ngay, 40-45% cho rằng cần đào tạo trong tương lai.
- Có 81% đơn vị khảo sát cho rằng cần hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dùng.
- Có 68,9% cho rằng đối tượng đáng lo ngại nhất là tội phạm máy tính
- 90% ý kiến cho rằng sẽ tiếp tục làm việc và hội họp trực tuyến sau giai đoạn giãn cách do Covid-19; Rủi ro khi làm việc, hội họp trực tuyến như lộ thông tin do chia sẻ tập tin… giảm xuống 20% trong 2021 so với 82% của 2020.
Một số khảo sát của VNISA 2021
Phản hồi