Chính phủ yêu cầu loạt bộ ngành vào cuộc “giải cứu” các hãng hàng không
Văn phòng Chính phủ vừa có phiếu chuyển số 1879/CP – VPCP gửi các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Y tế và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để xem xét xử lý về kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp ngành hàng không do Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) trình Thủ tướng.
Được biết, trong văn bản số 98/TTr – VBA gửi Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 9/2021, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam cho biết đợt dịch lần thứ ba và thứ tư rơi vào mùa bay cao điểm tết và mùa du lịch hè 2021 đã khiến doanh thu các doanh nghiệp hàng không giảm trên 90% so với cùng kỳ.
Từ đầu tháng 5/2021 đến nay, gần 100% chuyến bay chở khách trong nước và quốc tế đã bị đóng băng.
Trong khi đó, năm 2020, doanh thu của các hãng hàng không Việt Nam giảm trên 60%, lỗ hơn 16.000 tỷ đồng. Năm 2021, doanh thu các hãng tiếp tục giảm và sẽ lỗ nhiều hơn năm 2020. Dù vậy, mỗi tháng các hãng vẫn phải chi trên 100 tỷ đồng để trả tiền thuê máy bay, tiền vay ngân hàng, trả cho đối tác cung cấp dịch vụ đầu vào, duy tu bảo dưỡng và trả lương nhân viên.
“Năm 2020, doanh thu của các hãng hàng không Việt Nam giảm trên 60%, lỗ hơn 16.000 tỷ đồng. Đến nay, nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways đã lên tới trên 50.000 tỷ đồng, dòng tiền bị thiếu hụt nghiêm trọng”.
Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA).
Đến nay, nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways đã lên tới trên 50.000 tỷ đồng, dòng tiền bị thiếu hụt nghiêm trọng.
Tính đến 30/6/2021, Vietnam Airlines nợ quá hạn lên đến 13.337 tỷ đồng. Còn Vietjet trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 báo có lãi gộp nhưng đó là do bán tài sản, bán cổ phiếu quỹ và kinh doanh tài chính. “Thực chất, Vietjet cũng bị lỗ lớn ở trong ngành nghề kinh doanh chính của hãng là vận tải hàng không. Tính đến 30/6/2021, khoản vay ngắn hạn và nợ phải trả quá hạn của Vietjet đã lên tới 13.800 tỷ đồng; số nợ này của Bamboo Airways cũng lên tới gần chục ngàn tỷ đồng…”, văn bản Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam nêu rõ.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không, với đặc thù chi phí đầu tư, vận hành rất lớn như năm 2019, trung bình mỗi ngày Vietnam Airlines chi hết 268 tỷ đồng, Vietjet chi hết 128 tỷ đồng. Do vậy, ảnh hưởng giãn cách xã hội dài ngày do dịch Covid-19 khiến nguồn thu sụt giảm mạnh trong khi chi phí thường xuyên vẫn rất lớn, đẩy nhiều hãng hàng không vào tình thế khó khăn, kiệt quệ về tài chính.
Để “cứu” các hãng hàng không, Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng sớm có yêu cầu cụ thể đối với việc khôi phục các đường bay quốc tế và nội địa trên cơ sở đánh giá các nguy cơ bảo đảm công tác phòng chống dịch, xem xét chính sách cho hãng hàng không khác vay lãi suất 0% như đã thực hiện với Vietnam Airlines.
Cho phép tiến hành các thủ tục đối với gói vay 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất cho các hãng hàng không như đề xuất từ tháng 11/2020 của VABA nhằm giúp các hãng chi thường xuyên, mua sắm vật tư thiết bị, bảo trì và duy trì hoạt động trong thời gian chưa đạt miễn dịch cộng đồng cũng như miễn giảm hàng loạt các loại thuế phí.
Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cũng kiến nghị Thủ tướng sớm có yêu cầu cụ thể đối với việc khôi phục lại các đường bay quốc tế và quốc nội trên cơ sở đánh giá các nguy cơ bảo đảm công tác phòng chống dịch, công nhận việc tiêm vaccine giữa các quốc gia có đường bay đến Việt Nam, giảm hoặc miễn thời gian cách ly đối với hành khách khách đã được tiêm vaccine, xét nghiệm, tạo điều kiện cho việc xét nghiệm tại các sân bay, thống nhất giá trị hiệu lực của kết quả xét nghiệm.
Đồng thời, cho phép các địa phương được xây dựng và chủ động áp dụng vùng, hành lang du lịch an toàn đối với khách du lịch quốc tế.
Phản hồi