Cục CSGT: “Việc bắt buộc kiểm tra khí thải hàng chục triệu xe máy là để bảo vệ người dân, không nhằm mục đích xử phạt”
Cục CSGT-Bộ Công an vừa gửi văn bản tham mưu, đề xuất với các Bộ, ban ngành liên quan về việc kiểm soát khí thải với hàng chục triệu xe máy. Để làm rõ các nội dung và mục tiêu của đề xuất này, phóng viên có cuộc trao đổi với đại tá Đỗ Thanh Bình, Cục phó Cục CSGT.
-Thưa đại tá, liệu có phải hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường từ khí thải phương tiện đáng báo động nên mới đây Cục CSGT có đề xuất bắt buộc kiểm soát khí thải với hàng chục triệu xe máy trên toàn quốc?
Đại tá Đỗ Thanh Bình: Xét về tổng thể thì có nhiều nguyên nhân, tuy nhiên việc đầu tiên có thể thấy là qua dữ liệu thống kê của Cục cho thấy hiện nay có tới 23,3 % phương tiện đã hoạt động trên 10 năm, trong khi đó, quá trình lưu thông kéo dài, xe máy lại không được bảo dưỡng định kỳ, không có cơ chế quản lý, kiểm soát khí thải mà chủ yếu quản lý qua đầu vào của các doanh nghiệp để bán cho người dân là chính.
Hiện nay, lượng xe máy ở Việt Nam quá lớn, lên đến hàng chục triệu chiếc lưu thông trên đường mà nguồn khí thải không được kiểm soát một cách bài bản, đồng bộ, khoa học, khiến loại phương tiện này cũng trở thành một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên một yếu tố quan trọng nhất của việc cần kiểm soát khí thải xe máy là hướng tới mục tiêu định hướng chiến lược lâu dài về bảo vệ môi trường, bảo vệ chính cuộc sống của chúng ta. Cần phải có kiến nghị về cơ chế chính sách làm sao đi vào thực tế, đảm bảo lợi ích của người dân, vì lợi ích chung. Lấy bài toán lợi ích của toàn xã hội, lợi ích môi trường trước tiên thì mới giảm được lượng khí thải phương tiện sau nhiều năm chưa được kiểm soát.
Một điểm khác nữa là hiện nay chúng tôi đang phụ trách đăng ký phương tiện, nắm được đầu vào, dữ liệu tuổi đời của các loại xe ô tô, mô tô và qua trao đổi với các nhà khoa học thì thấy hiện nay ô tô đã có cơ chế quản lý khí thải đầu vào, đầu ra và qua các trung tâm đăng kiểm của Bộ Giao thông, tuy nhiên riêng mô tô chưa có nên cần phải có cơ chế chính sách quản lý sớm loại phương tiện này để tránh các tác động xấu đến môi trường.
Nhiều xe máy cũ lưu thông trên đường phố Hà Nội xả khói ô nhiễm. Ảnh: Thiên Sơn
-Vậy cơ chế kiểm soát khí thải như thế nào với hàng chục triệu xe máy để vừa đỡ tốn kém vừa giúp người dân không phải ‘gồng gánh’ thêm các yêu cầu, các thiết chế mới?
-Đại tá Đỗ Thanh Bình: Chúng tôi đã tính đến câu chuyện này và qua thảo luận chung thì thấy có một số người dân đang băn khoăn như cơ chế kiểm soát thế nào cho phù hợp, để không ảnh hưởng đến sinh kế của, đặc biệt là người nghèo?. Do vậy tôi cho rằng quan trọng nhất vẫn cần đơn giản hoá việc này thông qua việc gắn kiểm tra khí thải với quá trình bảo dưỡng phương tiện.
Cụ thể, Cục CSGT đã tính toán và đưa ra phương án là xe máy không phải qua trung tâm đăng kiểm mà chỉ cần qua các trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa xe máy được cấp phép kinh doanh, có đủ điều kiện bảo dưỡng, có thiết bị kiểm tra, sửa chữa, khắc phục khí thải là được.
Việc đưa ra phương án này để đảm bảo đơn giản hóa thủ tục, quá trình kiểm tra khí thải, và vừa đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, góp phần bảo vệ môi trường.
Ngoài ra tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, việc tham mưu đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền để kiểm soát khí thải này không phải tạo ra một thiết chế mới để xử phạt người dân mà là tạo ra một thói quen tốt, từ thói quen tốt, hành động tốt sẽ tạo ra kết quả tốt là xe máy được thường xuyên bảo dưỡng, kiểm tra khí thải.
-Bộ Công an đã tính toán đến các kịch bản, lộ trình kiểm soát khí thải với hàng chục triệu xe máy như thế nào thưa đại tá?
Đại tá Đỗ Thanh Bình: Cục CSGT-Bộ Công an là đơn vị quản lý phương tiện chứ không phải chịu trách nhiệm về quản lý môi trường nên chỉ tham mưu, kiến nghị. Hiện nay Bộ Tài nguyên-Môi trường quản lý về môi trường, khí thải; Bộ GTVT chịu trách nhiệm về kiểm định phương tiện nên các Bộ này sẽ chủ quản ban hành cơ chế chính sách, lộ trình kiểm soát khí thải với phương tiện cho phù hợp.
Còn thực tế hiện nay, cơ chế duy trì bảo dưỡng, phần lớn thuộc ý thức mỗi người, như việc mang xe vào gara sửa thay dầu là ý thức của bạn hay tự thay dầu cũng là do bạn nên khi lên kịch bản cũng cần có cơ chế hài hoà, linh động đảm bảo quyền người dân và phải đảm bảo cái chung. Đừng để tác động môi trường ảnh hưởng đến nhiều người.
Đặc biệt, cơ chế, lộ trình được đưa ra làm sao phải xử lý được bài toán phương tiện đó được kiểm soát, tự kiểm soát khí thải ra môi trường và tài sản đó được duy trì, chứ không ai cấm đoán phương tiện cũ không được sử dụng thì chính sách mới đi vào cuộc sống và thực hiện tốt.
–Hiện nay phần lớn phương tiện lưu thông trên đường là xe máy, trong khi đó các trung tâm kiểm định mới chỉ đăng kiểm cho ô tô, vậy câu chuyện kiểm định như thế nào cho hợp lý và tránh quá tải đã được tính đến?
Đại tá Đỗ Thanh Bình: Tôi nói ở phần trước rồi, vấn đề mấu chốt là phải tạo điều kiện cho người dân thay đổi nhận thức, linh động hết sức bằng việc kết hợp với trạm sửa chữa, thay dầu, kiểm tra khí thải để tiết kiệm thời gian, tiền bạc và không cần phải đến các trung tâm đăng kiểm nữa.
Ngoài ra chúng tôi đã trao đổi riêng với các hãng xe lớn thì được biết, thiết bị kiểm tra khí thải rất đơn giản chứ không phải đắt tiền nên chúng tôi cho rằng phải kết hợp với trạm bảo dưỡng thì mới thuận lợi.
–Vậy nếu kiểm tra khí thải qua trung tâm sửa chữa thì làm sao cảnh sát giao thông biết được, kiểm soát được xe nào đã được kiểm soát khí thải và chưa kiểm soát thưa ông?
Đại tá Đỗ Thanh Bình: Cảnh sát giao thông không nên làm việc đó, vì hiện nay hằng năm có việc bán bảo hiểm định kỳ về trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thì phải kết hợp với việc đó để xem có đủ điều kiện không.
Chúng tôi cho rằng có đủ công cụ, đủ biện pháp hay không, còn phụ thuộc vào sự kết hợp với các cơ quan, đơn vị chứ không chỉ riêng CSGT đứng ra làm việc này, kiểm tra người dân.
Tại TP Hà Nội, xe máy cũng chiếm phần lớn lưu thông trên đường và tình trạng ùn tắc cũng thường xuyên xảy ra. Ảnh: Thiên Sơn
Ngoài ra, qua theo dõi, thì hiện nay chưa có quy định về kiểm định, định kỳ bảo dưỡng kiểm tra với xe máy mà chỉ có với ô tô, nên sắp tới chúng tôi đang tính đề xuất bổ sung nội dung này vào Luật giao thông đường bộ để đặt nền tảng pháp lý cho việc quản lý, kiểm soát khí thải xe máy.
Trên thực tế cho thấy, hiện nay, phương tiện nào, khi mua cũng được nhà sản xuất khuyến cáo bao nhiêu km thì phải thay dầu, bảo dưỡng, tuy nhiên người dân chỉ khi nào xe bị hỏng hoặc khô hết dầu mới đi thay. Đó chính là thói quen xấu khiến phương tiện hay bị hỏng và có thể khiến tình trạng khói đen.
Do vậy, trước mắt việc đưa ra đề xuất tham mưu kiểm định khí thải qua trung tâm sửa chữa là để bước đầu định hướng cho người dân dần phải thay đổi nhận thức, có trách nhiệm với phương tiện của mình trước đã, phải kiểm tra xe, thay dầu máy đồng thời tại trạm sửa chữa sẽ kiểm tra khí thải thường xuyên thì phương tiện, tài sản vừa được đảm bảo an toàn lại vừa giúp môi trường trong sạch hơn.
-Một giả thuyết đặt ra là nếu người dân cố tình không kiểm định theo yêu cầu, khi lưu thông trên đường cảnh sát giao thông sẽ xử lý như thế nào?
Đại tá Đỗ Thanh Bình: Chúng tôi không nghĩ việc gì cũng phải có chế tài để xử phạt mà quan trọng là cần phải có hướng dẫn cụ thể cho người dân làm theo. Chứ không phải không làm là phạt, phạt, phạt!. Đó không phải là định hướng của CSGT.
Để thay đổi từ nhận thức của người dân, thì cơ quan quản lý cần phải có trách nhiệm đặt nền móng từ sớm, chứ không phải khi nhìn thấy ô nhiễm rồi nhưng lại không tính toán, đưa ra giải pháp.
Việc đưa ra yêu cầu để người dân thay đổi và làm theo trước đã. Sau này nếu thực hiện tốt đó là điều đáng mừng, còn khi những người vi phạm nghiêm trọng quá, cố tình không thay đổi thì dần dần mới tính đến phương án phạt.
Nhiều xe máy lưu thông trên đường phố Hà Nội xả khói đen. Ảnh: Thiên Sơn
-Câu chuyện kiểm soát khí thải nhiều năm trước từng được đưa ra bàn luận, ví dụ ở TP HCM có kế hoạch kiểm soát khí thải xe máy với kinh phí hàng trăm tỷ đồng trong 10 năm nhưng sau đó lại bị “quên lãng”, đại tá nhìn nhận việc này như thế nào, liệu có khó khăn trở ngại gì lớn, khiến việc kiểm soát khó khả thi?
Đại tá Đỗ Thanh Bình: Câu chuyện của TP HCM đưa ra ở thời điểm đó tôi chưa rõ cụ thể là kiểm soát loại xe nào, kế hoạch ra sao, đã phân tích tới lợi ích giữa kiểm tra hay không kiểm tra hay chưa?
Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi là không tính đến việc làm phải có tiền và câu chuyện khi có tiền rồi nhưng chưa chắc đã kiểm soát được khi không có sự công bằng trong kiểm soát, không khả thi thì khó nhận được đồng thuận từ dư luận.
Như bạn đã biết, trong nhiều cuộc họp mới đây, Thủ tướng luôn chỉ đạo, mỗi cấp là một pháo đài, vì vậy, khi làm việc gì cũng nên phân quyền, phân cấp nhiều hơn để cùng thực hiện, chứ không chỉ tập trung vào một đơn vị, một cấp có thể làm được việc này. Và hơn nữa phải có sự đồng lòng, ủng hộ của người dân.
Ngoài ra, để kiểm soát tốt cũng cần phải tính toán kỹ, có thêm các thiết bị kỹ thuật, phải có lộ trình cụ thể, chứ không phải đặt vấn đề bằng này tiền có thể làm được…vì vậy tôi đánh giá đó có thể là kế hoạch chưa hoàn hảo với thực tiễn nên chưa thể thực hiện được.
–Bộ Công an có chính sách nào để khuyến khích người dân tự giác bảo dưỡng, kiểm định phương tiện, bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường?
Với hàng chục triệu xe máy hiện nay, Cục CSGT cho biết có trên 23% là xe máy có trên 10 năm sử dụng. Ảnh: Thiên Sơn
Đại tá Đỗ Thanh Bình: Việc quan trọng nhất để khuyến khích người dân đi kiểm định phương tiện là cần phải đơn giản hóa các thủ tục, đừng làm phức tạp mọi thứ lên. Ví dụ thay vì đưa vào trung tâm kiểm định để kiểm tra từng phương tiện đã làm chưa thì người dân chỉ cần đưa vào các trung tâm sửa chữa phương tiện, người dân ở bất cứ đâu cũng có thể kiểm tra, sửa chữa định kỳ.
Ngoài ra, cần tuyên truyền lợi ích kiểm tra thường xuyên khí thải, phương tiện để người dân thấy được việc làm này là cần thiết để bảo vệ sính mình, bảo vệ tương lai con em họ.
Bộ Công an vừa đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ có các chính sách kiểm soát khí thải từ phương tiện giao thông. Theo đó, Bộ này cho rằng, với hơn 50 triệu ô tô và xe máy hiện nay có 5 nguyên nhân làm gia tăng khí thải từ các phương tiện giao thông làm ô nhiễm không khí nhất là tại các đô thị.
Trong đó, nguyên nhân lớn nhất là do ô nhiễm không khí do số lượng phương tiện cá nhân, nhất là xe máy tăng nhanh và không kiểm soát về khí thải khi hoạt động.
Trong bản kiến nghị này, Bộ Công an cho biết sẽ nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các quy định về đăng ký xe, theo hướng bổ sung đầy đủ dữ liệu liên quan đến loại động cơ, loại nhiên liệu, chỉ số khí thải vào dữ liệu đăng ký, quản lý phương tiện.
Đồng thời thiết kế và lắp biển số xe có đặc trưng riêng cho xe xanh (xe điện, xe lai xăng điện…) để phân biệt với phương tiện chạy bằng nhiên liệu xăng, dầu và đề xuất ưu tiên cho phép tham gia giao thông trên những tuyến đường mà phương tiện chạy bằng nhiên liệu xăng, dầu không được phép lưu thông.
Phản hồi