CTCP Đầu tư Apax Holdings (IBC) của Chủ tịch Nguyễn Ngọc Thủy – Shark Thủy vừa công bố báo cáo hợp nhất quý 2/2021 với doanh thu thuần đạt 522 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, giá vốn bán hàng trong kỳ cũng tăng đáng kể so với quý 2/2020 khiến lợi nhuận gộp của IBC giảm từ 165 tỷ đồng xuống chỉ còn 125 tỷ đồng.
Khoản lợi nhuận gộp 125 tỷ đồng không thể bù đắp chi phí bán hàng (95 tỷ đồng) và chi phí quản lý doanh nghiệp (52 tỷ đồng) cùng chi phí tài chính (42 tỷ đồng). Trong đó, chi phí tài chính của doanh nghiệp tăng mạnh 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Phải nhờ tới doanh thu từ hoạt động tài chính gấp 3,7 lần so với cùng kỳ lên gần 86 tỷ mới giúp doanh nghiệp của ông Nguyễn Ngọc Thuỷ ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 17 tỷ đồng và lãi sau thuế 3,6 tỷ đồng.
Theo công bố của doanh nghiệp, khoản doanh thu hoạt động tài chính tăng đột biến so với cùng kỳ phát sinh từ hoạt động chuyển nhượng quyền ưu tiên mua cổ phần phát hành mới.
Vào cuối quý 2/2021, Hội đồng quản trị Apax Holdings đã thông qua chuyển nhượng quyền ưu tiên mua 24 triệu cổ phần trong tổng 30,2 triệu cổ phần phát hành mới tại CTCP Anh ngữ Apax với giá chuyển nhượng tối thiểu là 8.000 đồng/cp.
Lũy kế 6 tháng, Apax Holdings ghi nhận 989 tỷ đồng doanh thu, tăng 36% so với cùng kỳ và lãi trước thuế 21,3 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 6 tỷ đồng. Trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ trước và sau thuế hơn 168 tỷ đồng.
Trong năm 2021, Apax Holdings đặt mục tiêu doanh thu 2.900 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 70 tỷ đồng. Với kết quả đa đạt được trong nửa đầu năm, Apax Holdings mới thực hiện được 34% kế hoạch doanh thu và 30% chỉ tiêu lợi trước thuế.
Mặc dù thoát lỗ trong nửa đầu năm 2021 nhờ doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh. Tuy nhiên, báo cáo tài chính hợp nhất nửa đầu năm 2021 của IBC cho thấy nợ vay của doanh nghiệp đã tăng mạnh trong thời gian qua.
Tổng nợ phải trả của doanh nghiệp là gần 2.748 tỷ đồng, tăng 12,3% so với đầu năm 2021. Trong đó, nợ đi vay của công ty Shark Thủy là 1.557 tỷ đồng, tăng 44% so với đầu năm và tăng 9% so với cuối quý 1.
Báo cáo tài chính doanh nghiệp ghi nhận vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là hơn 600 tỷ đồng; vay và nợ thuê tài chính dài hạn là hơn 957 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số gần 477 tỷ đồng đầu năm 2021.
Trong số hơn 600 tỷ đồng vay ngắn hạn của doanh nghiệp, ngân hàng BIDV chi nhánh Thanh Xuân là chủ nợ lớn nhất với dư nợ vay là gần 493 tỷ đồng.
Về vay dài hạn, Ngân hàng BIDV chi nhánh Thanh Xuân cũng cho doanh nghiệp của Shark Thủy vay số tiền hơn 98 tỷ đồng, ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng cho vay hơn 28 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp của Shark Thủy có hơn 723 tỷ đồng trái phiếu phát hành theo mệnh giá và hơn 103 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi.
Tính đến cuối quý 2, tổng tài sản của Apax Holdings có quy mô gần 3.806 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Trong đó, vốn chủ sở hữu ghi nhận hơn 1.058 tỷ đồng. Công ty Shark Thủy ghi nhận một khoảng đầu tư 390 tỷ đồng vào công ty liên doanh liên kết, tăng mạnh so với đầu năm.
Theo báo cáo quản trị của IBC trong 6 tháng đầu năm 2021, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Thủy đang trực tiếp nắm giữ hơn 5,1 triệu cổ phiếu doanh nghiệp tương đương tỷ lệ 6,29% vốn. Trong khi đó, Tập đoàn giáo dục Egroup của Shark Thủy cũng nắm giữ gần 50 triệu cổ phiếu doanh nghiệp tương đương tỷ lệ 60,9% vốn doanh nghiệp.
Phản hồi