Chuyện ít ai biết về Rupert Hoogewerf – người “khai sinh” bảng xếp hạng được ví là Forbes của Trung Quốc, 22 năm gây bão giới thượng lưu tại đất nước tỷ dân

Rupert Hoogewerf, còn được biết đến với tên tiếng Trung là Hu Run, là chủ tịch và trưởng nhóm nghiên cứu của Hurun Report, một doanh nghiệp nghiên cứu, truyền thông và đầu tư, nổi tiếng với Danh sách người giàu Hurun. Hurun chính là bảng xếp hạng những cá nhân giàu có nhất ở Trung Quốc. Đây là một trong những bảng xếp hạng người giàu uy tín nhất, được ví như “Forbes của Trung Quốc. Kể từ năm 1999, năm nay là lần thứ 22, Hurun Report công bố “Hurun Rich List”.
Rupert Hoogewerf – người “khai sinh” bảng xếp hạng người giàu nổi tiếng Trung Quốc
Hu Run sinh năm 1970 trong một gia đình bình thường ở Luxembourg, Anh.

Hồi cấp 2, Hoogewerf từng tiếp xúc với chữ Hán do có cơ hội sang Nhật học theo diện du học sinh trao đổi. Sau khi tìm hiểu bản chất của các ký tự trong tiếng Trung Quốc, ông biết rằng phần lớn lịch sử của Nhật Bản đến từ Trung Quốc, ông không khỏi tò mò về đất nước phương Đông cổ đại này. Vì vậy, khi trở về nước để học tại Đại học Durham, ông đã chọn Khoa tiếng Trung. Khi còn học đại học, Hoogewerf một lần nữa trở thành sinh viên trao đổi và ông đến Đại học Nhân dân ở Trung Quốc trong một năm để học chuyên ngành tiếng Trung.
Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1993, Hoogewerf gia nhập Công ty Kế toán Arthur Andersen và bắt đầu sự nghiệp kéo dài 7 năm của mình. Trong khoảng thời gian này, với sự giúp đỡ của thư ký, ông đã đặt cho mình một cái tên tiếng Trung Quốc: Hu Run. Năm 1997, nhờ vào lợi thế tiếng Trung của mình, ông đã chuyển công tác từ chi nhánh Arthur Andersen ở London sang Arthur Andersen ở Thượng Hải.
Không lâu sau khi đến Trung Quốc, Hu Run trong quá trình công tác đã cảm nhận được những thay đổi đáng kinh ngạc trong quá trình phát triển kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc vào cuối những năm 1990 đến những năm đầu thế kỷ mới.
Có lần, anh hỏi cô giáo dạy tiếng Trung của mình: “Bill Gates” của Trung Quốc là ai? Không ai biết chính xác người giàu nhất Trung Quốc là ai.
“Có rất nhiều người ở Anh muốn tìm hiểu về Trung Quốc, vậy tại sao tôi không lập danh sách những người giàu nhất Trung Quốc để những người bạn Anh của tôi có thể tìm hiểu thêm về Trung Quốc? Đây chính là một cơ hội kinh doanh!”, Rupert Hoogewerf nhớ về điểm khởi đầu trong sự nghiệp của Hu Run.

Sự ra đời của bảng xếp hạng tỷ phú Trung Quốc
Năm 1999, Hu Run bắt đầu tận dụng thời gian rảnh rỗi và ngày nghỉ của mình để tham khảo hơn 100 tờ báo, tạp chí và các bảng báo cáo của các công ty đại chúng. Với niềm đam mê và sự chuyên nghiệp của mình, sau nhiều tháng mò mẫm nghiên cứu, cuối cùng, bảng xếp hạng tỷ phú của Hu Run đã trở thành bảng xếp hạng đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Muốn mọi người biết đến bảng xếp hạng cũng như người sáng lập nên nó, Hu Run hiểu rằng phải tìm cách phổ biến nó một cách bài bản. Vì vậy, Hu Run quay trở lại nước Anh và gửi fax đến các phương tiện truyền thông tài chính chuyên nghiệp như Financial Times, The Economist, Business Weekly và Forbes, với hy vọng họ sẽ công bố danh sách của mình. Khi đó, giới truyền thông phương Tây chưa từng công bố bảng xếp hạng tương tự, cuối cùng, Forbes và Hu Run đã cùng nhau hợp tác lần đầu tiên.
“Hurun Rich List” rõ ràng đã khơi dậy sự quan tâm của độc giả của Forbes. Forbes vốn đang có kế hoạch mở rộng thị trường sang Trung Quốc, nên đã chủ động tìm kiếm Hu Run, họ mời anh hợp tác trong “Bảng xếp hạng 50 người giàu nhất Trung Quốc (thảo luận về tài sản ròng)”. Cuộc quảng bá ở nước ngoài đạt kết quả tốt, nhờ sự sắp xếp của bạn bè, Hu Run nhanh chóng bắt đầu tìm kiếm sự hỗ trợ của giới truyền thông tại Trung Quốc.
Năm 2000, những bản tin của các phương tiện truyền thông trong nước đã lần lượt đưa tin về “Thế hệ người giàu đầu tiên ở Trung Quốc” trước công chúng. “Tiền của người giàu đến từ đâu?” Đã trở thành câu hỏi hot nhất từ mọi tầng lớp trong xã hội Trung Quốc.
Năm 2001, Hu Run từ chức công việc của Arthur Andersen, ông sửa đổi chức danh trên danh thiếp cá nhân là “Nhà nghiên cứu trưởng của Tạp chí Forbes Trung Quốc” và nhận được sự tán thành của Forbes. Ông đã mở rộng số lượng người trong bảng xếp hạng tỷ phú lên hàng trăm người.

Khi “Bảng xếp hạng tỷ phú Trung Quốc” của Forbes ngày càng nhận được sự chú ý của xã hội, sự nổi tiếng của Hu Run cũng tăng lên nhanh chóng. Do đó, ông bắt đầu xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện truyền thông với tư cách là Nhà nghiên cứu chính của tạp chí Forbes tại Trung Quốc và xuất hiện ở nhiều hoạt động xã hội.
Ông bắt đầu lên ý tưởng biên soạn sách và đặt tên tiếng Trung cho nó là “Forbes”, nhưng Forbes đã từ chối yêu cầu này. Cuối cùng Hu Run đã xuất bản cuốn sách riêng của mình với tên “Made by Hu Run”, nhưng nhà xuất bản lại đổi tên nó thành “Tỷ phú Trung Quốc năm 2002 của Forbes”. Điều này đã khiến cho “Forbes” gửi một lá thư pháp lý yêu cầu Hurun ngừng sử dụng tên “Forbes” và yêu cầu Hu Run tiêu hủy số “sách lậu” đã được xuất bản. Và điều này cũng đặt dấu chấm hết cho mối quan hệ giữa Hu Run và Forbes. Sau đó, anh thành lập công ty riêng tên “Hurun Report” dựa trên danh tiếng của chính mình.
Ngày nay, “Hurun Rich List” đã xuất bản lần thứ 22 và có nhiều bảng xếp hạng đột phá. Ngoài ra còn có tạp chí “Tỷ phú Hurun”, cũng như một loạt các diễn đàn, các bữa tiệc từ thiện và các hoạt động khác.
“Hurun Rich List” được tạo ra như thế nào?
Ban đầu, phương pháp thống kê của Hurun Rich List là thu thập dữ liệu về tỷ lệ cổ phiếu của các cổ đông được nắm giữ bởi các công ty đã được thị trường niêm yết công khai (báo cáo thường niên). Sau đó phương pháp thống kê được đổi thành ước tính mức độ giàu có của các cổ đông dựa trên giá thị trường của cổ phiếu.
Ngoài ra, tài sản không chỉ giới hạn ở cổ phiếu trên giấy mà còn là đồ cổ, bất động sản, trang sức vàng bạc thuộc sở hữu tư nhân… Hu Run sẽ bổ sung những dữ liệu này qua nhiều nguồn khác nhau.
Sau hơn 20 năm liên tục gây bão và tạo ảnh hưởng, Hurun Rich List từ lâu đã được giới xã hội chính thống ở Trung Quốc công nhận. Ngay sau khi bảng xếp hạng mới nhất được công bố hàng năm, làn sóng thảo luận về những người giàu nhất Trung Quốc sẽ một lần nữa được dấy lên. Đối với nhiều chuyên gia tài chính, danh sách này cũng trở thành cơ sở quan trọng để nghiên cứu các doanh nhân Trung Quốc và các doanh nghiệp Trung Quốc.

Điều quan trọng là như Hu Run đã nói, chúng ta không chỉ nên nghiên cứu kỹ những con số, mà nên chú ý đến những câu chuyện đằng sau khối tài sản khổng lồ của giới nhà giàu.
Nguồn: Zhihu, Sohu, Wikipedia…
Phản hồi