Khát vọng mới của Techcombank
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa công bố đã lựa chọn Amazon Web Services (AWS), một công ty thuộc tập đoàn toàn cầu Amazon.com, làm đối tác cung cấp dịch vụ điện toán đám mây, nhằm nâng cao trải nghiệm của khách hàng.
Theo đó, Techcombank sẽ khai thác thế mạnh các dải dịch vụ điện toán đám mây sâu rộng của AWS, từ đó thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo mới, và tạo điều kiện cho người dân Việt Nam, các doanh nghiệp và tập đoàn tăng trưởng bền vững. Trong một phần thoả thuận, AWS sẽ hỗ trợ Techcombank xây dựng và thúc đẩy các chương trình sáng tạo và phát triển nhân lực số hóa.
Chia sẻ với truyền thông trong nước và quốc tế bên lề công bố sự kiện, ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank cho biết, đây là thoả thuận kéo dài 5 năm và rất “đáng để mong đợi”.
Khoản đầu tư “lớn và toàn diện nhất” vào điện toán đám mây để hoạt động nhanh hơn, tạo ra những trải nghiệm tốt hơn
Theo ông Jens Lottner, Techcombank luôn nỗ lực để chuyển đổi ngành tài chính và nâng tầm giá trị sống. Để hiện thực hóa tầm nhìn đó, ngân hàng cần tận dụng và khai thác sức mạnh của công nghệ, bởi nếu không có công nghệ, Techcombank sẽ rất khó thực hiện cam kết này. Điều này càng được thể hiện rõ trong bối cảnh của dịch bệnh Covid-19 cũng như của các tác động xã hội đang diễn ra tại Việt Nam, khiến ngày càng có nhiều người dùng chuyển sang sử dụng và trải nghiệm các dịch vụ, sản phẩm số.
Theo khảo sát định kỳ 6 tháng của McKinsey, có 41% khách hàng tại Việt Nam năm 2017 cho biết họ sử dụng các dịch vụ/ứng dụng số ít nhất 1 lần trong 1 tháng, và con số này đã tăng lên đến 82% trong năm 2021. Hiện có đến 75% khách hàng sử dụng ngân hàng trực tuyến và ứng dụng ngân hàng trên điện thoại như kênh giao dịch ngân hàng chính yếu.
Tại Techcombank, có hơn 90% khách hàng đang sử dụng các kênh kỹ thuật số ít nhất một lần mỗi tháng. Và Ngân hàng ghi nhận có khoảng 34% khách hàng nói rằng họ chỉ sử dụng các kênh ngân hàng số, cao hơn nhiều so với mức trung bình ở thị trường Việt Nam. “Như vậy, Techcombank có lượng khách hàng thiên về ứng dụng ngân hàng số. Và chúng tôi tin rằng, ngày càng có nhiều khách hàng sẽ chuyển sang các nền tảng số hóa hơn nữa” – ông nói.
Do đó, ưu tiên số hóa hay ưu tiên điện toán đám mây cũng đồng nghĩa việc Ngân hàng sẽ có khả năng phục vụ những khách hàng này hiệu quả hơn. Việc dịch chuyển lên điện toán đám mây sẽ cho phép Techcombank phát triển các sản phẩm và dịch vụ nhanh hơn, đồng thời am hiểu khách hàng hơn, từ đó phát triển những dịch vụ được cá nhân hóa cao, mang tới những trải nghiệm tốt hơn và khác biệt hơn cho khách hàng của mình.
“Chúng tôi coi điện toán đám mây không đơn thuần là một đề xuất hay một lựa chọn mà là một điều bắt buộc phải ứng dụng. Khi bắt đầu chuyển dịch đến đó, chúng tôi đã tiến hành các phân tích kỹ lưỡng để tìm kiếm đối tác có thể làm việc cùng. Sau quá trình cân nhắc và đánh giá thấu đáo với nhiều bên khác nhau, chúng tôi đều chung nhận định rằng AWS là đối tác tốt nhất giúp chúng tôi thành công trên hành trình chuyển đổi. Chúng tôi tin rằng AWS hội tụ đủ các điều kiện để trợ giúp Techcombank, song quan trọng hơn cả đó là cam kết mạnh mẽ của AWS đồng hành cùng ngân hàng trên suốt hành trình” – ông Jens Lottner nói về “cú bắt tay” với AWS trong lĩnh vực điện toán đám mây.
Một phần trong thỏa thuận hợp tác là trong vài năm tới Techcombank sẽ dịch chuyển phần lớn các ứng dụng lên điện toán đám mây, bao gồm đa số các ứng dụng hệ thống ngân hàng lõi. Đây cũng là cấu phần nằm trong chiến lược đầu tư tổng thể trị giá 500 triệu USD trong vòng 5 năm tới của Ngân hàng.
Ông Jens Lottner không đi chi tiết vào thỏa thuận tài chính, song tiết lộ, đây là khoản đầu tư lớn nhất và toàn diện nhất từ trước đến nay mà ngân hàng đã thực hiện. Mục tiêu là xây dựng hạ tầng vững mạnh trên nền tảng điện toán đám mây, chuyển dịch các ứng dụng lên đám mây, từ đó cho phép nhà băng này có thể hoạt động nhanh hơn, tạo ra những trải nghiệm tốt hơn, đồng thời có thể dễ dàng mở rộng công suất hạ tầng để cung cấp và đáp ứng nhu cầu dịch vụ của khách hàng.
Ông Jens Lottner (ảnh: Nguyễn Nguyễn)
Tập trung phát triển nguồn nhân lực số hóa tại Việt Nam, muốn thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới
Ngoài việc chuyển hạ tầng lên đám mây, theo CEO của Techcombank, một loạt các yếu tố khác cũng vô cùng quan trọng đối với ngân hàng. Với chuyên môn chuyên sâu và kinh nghiệm phong phú khi hợp tác với nhiều ngân hàng lớn trên thế giới của AWS, việc hợp tác với AWS sẽ giúp Techcombank xây dựng và thúc đẩy các chương trình sáng tạo của mình một cách hiệu quả hơn. Hai bên cũng tập trung phát triển nguồn nhân lực số hóa tại Việt Nam, bởi với khát vọng mà hai bên mong muốn vươn đến, thị trường vẫn còn thiếu hụt những nhân lực lành nghề, có chuyên môn cao. Vì thế, một trong những nỗ lực chung của 2 công ty là cùng nhau nâng cao năng lực đám mây cho lực lượng lao động cần thiết.
Bên cạnh đó, Techcombank cũng tận dụng kinh nghiệm các chuyên gia toàn cầu của AWS trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, AI, phân tích dữ liệu, giao dịch…, để đảm bảo không lặp lại các lỗi của của các công ty đi trước, mà có thể tối ưu hóa kho kinh nghiệm AWS đã tích lũy được trong quá trình làm việc với nhiều khách hàng khác nhau trên thế giới. Hai bên cũng mong muốn thu hút và tuyển dụng nhân tài từ các nơi trên thế giới về Việt Nam để cùng nhau hiện thực hóa khát vọng chuyển đổi này.
Không chỉ có AWS tại Việt Nam mà Techcombank cũng sẽ tận dụng được mạng lưới AWS toàn cầu. Nhờ đó, Ngân hàng sẽ nắm được xu hướng công nghệ mới nhất, và điều chỉnh, áp dụng vào kế hoạch phát triển của mình để tạo ra những gì thực sự giá trị và khác biệt. Ngoài ra, Techcombank còn có thể khai thác những năng lực mà AWS và cộng đồng điện toán đám mây đã xây đắp trong suốt thời gian qua.
Cuối cùng, hệ sinh thái của AWS cùng các đối tác đang cung cấp dịch vụ trên cloud sẽ giúp hành trình chuyển đổi của Techcombank nhanh hơn bao giờ hết. “Đó không còn là việc triển khai hạ tầng đám mây mà đó là cách thức đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi của ngân hàng. Để khi đề cập về lĩnh vực công nghệ, Techcombank sẽ nắm trong tay những lợi thế to lớn như các fintech đang có trên điện toán đám mây, có nghĩa sẽ chẳng còn những cuộc tranh cãi ai nhanh hơn, hay sáng tạo hơn” – ông Jens Lottner nói.
Trách nhiệm của người tiên phong
CEO của Techcombank còn cho biết, ông có niềm tin vững chắc rằng, trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, đây là lúc Techcombank cần tiên phong dẫn dắt. “Chúng tôi luôn đề xuất với các cơ quan quản lý có thẩm quyền để chủ động áp dụng những quy chuẩn mới, sớm hơn các ngân hàng khác, từ Basel II, IFRS9, đến Zero Fee. Vì vậy, rất nhiều những dấu ấn tiên phong trên thị trường được mang tên Techcombank. Từ góc độ đó, chúng tôi luôn báo cáo và phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý để phân tích những lợi ích mà điện toán đám mây thực sự mang lại cho ngành ngân hàng ở Việt Nam, để mang đến những dịch vụ và trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng. Đó cũng là trách nhiệm của chúng tôi” – ông nói với truyền thông hôm 15/9.
CEO của Techcombank đồng thời tin rằng, “trách nhiệm” này cũng sẽ nhận được sự chia sẻ lớn từ AWS, rằng đây không phải là lợi ích cho riêng Techcombank mà là cho hệ sinh thái ngân hàng rộng lớn hơn khi Việt Nam đang bước vào giai đoạn Công nghiệp 4.0.
Trong khi đó, trao đổi với truyền thông, ông Conor McNamara, Giám đốc điều hành của AWS ASEAN cho biết, việc hợp tác với Techcombank là một trong những chương trình chuyển đổi lớn nhất mà AWS tham gia tại Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á. Hai bên cũng đã có một cam kết thực sự mạnh mẽ là làm một điều gì đó thực sự có ý nghĩa và có tác động để chuyển đổi ngành tài chính và nâng tầm giá trị sống tại Việt Nam. “Điều mà chúng tôi thực sự phấn khích đó chính là mong muốn cháy bỏng cùng vun đắp và xây dựng Techcombank trở thành một tổ chức điện toán đám mây đã gắn kết chúng tôi trong nhiều tháng qua và còn nhiều năm tới” – ông Conor nói thêm.
Sự khác biệt của “Big deal” với AWS
Trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc sự hợp tác giữa Techcombank và AWS có khác gì so với những thỏa thuận khác mà ngân hàng đã thực hiện, và tại sao đây lại là “big deal đáng mong đợi nhất”?
Ông Jens Lottner cho biết, Techcombank từng công bố nhiều thỏa thuận hợp tác quan trọng và đều chủ yếu ở những lĩnh vực liên quan đến sản phẩm tài chính như các thỏa thuận với Visa, MasterCard, Manulife. Đây là lần đầu tiên, nhà băng này công bố hợp tác ở mức độ lớn trong lĩnh vực công nghệ. Sự khác biệt không chỉ nằm ở việc đầu tư hạ tầng, mà còn làm thay đổi toàn diện cách thức vận hành ngân hàng. Techcombank sẽ có những chương trình đào tạo để nâng cao trình độ cho hơn 2.000 lượt nhân viên của mình.
Một trong số đó là chương trình nâng cao năng lực toàn diện có cấp chứng chỉ AWS Skills Guild. Đây là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam triển khai chương trình này để xây dựng kỹ năng thuần thục về điện toán đám mây cho nhân viên. “Chúng tôi sẽ bắt đầu với nhóm 700 nhân viên đầu tiên. Đây là chương trình đào tạo đặc biệt dành cho các nhân viên tham gia quá trình chuyển đổi của ngân hàng, từ công nghệ tới khoa học dữ liệu. Tiếp đó, chúng tôi sẽ tiến hành nhiều chương trình đào tạo trên nền tảng số khác. Cho đến nay, chúng tôi đã có khoảng 1.000 nhân viên tham gia khóa đào tạo trực tuyến, được thiết kế phù hợp với những gì chúng tôi đang tiến hành và phù hợp với thị trường, cũng như những nhu cầu cần thiết cho ngân hàng” – ông nói.
Bên cạnh đó, AWS tổ chức cuộc thi hackathon lần đầu tiên tại Việt Nam với tên gọi AWS BuildOn, trong đó Techcombank là một trong những đối tác tham dự. Cuộc thi hướng tới hỗ trợ trực tiếp sinh viên phát triển kỹ năng và diễn ra từ tháng 7 cho đến tháng 9 năm nay.
Hai bên cũng tổ chức Diễn đàn đối thoại cấp cao vào tháng 10 để chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi, những kỹ năng cần có, những thách thức có thể gặp phải, và các cơ hội cho nhân tài. Đây là diễn đàn dành cho các cấp quản lý bậc trung.
Cuối cùng, Techcombank sẽ xây dựng chương trình đào tạo cấp quản lý mới dành cho những nhân tài sáng giá nhất tại Việt Nam để tạo ra lớp lãnh đạo kế cận. Ngân hàng sẽ phối hợp với AWS để đào tạo họ trở nên những lãnh đạo tương lai của thế giới mới.
Ông Jens Lottner cho biết thêm, có rất nhiều hoạt động diễn ra ngoài việc đầu tư vào hạ tầng, đó là chuyển đổi năng lực và chuyển đổi hoạt động kinh doanh. Các văn phòng số của Ngân hàng sẽ làm việc cùng các chuyên gia về phát triển sản phẩm mới và luôn có câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tìm ra cách mới cho sáng tạo?
“Vì vậy, có rất nhiều thứ cần làm. Hạ tầng sẽ là nền tảng hỗ trợ để tạo điều kiện cho sự tổng hòa của những hoạt động hai bên đang triển khai cùng nhau và là điều khiến chúng tôi khác biệt. Đó không phải chỉ là một dự án nào đó hay chỉ là ra mắt một ứng dụng app mới mà thực sự là cách thúc đẩy hành trình chuyển đổi của Techcombank để luôn dẫn đầu trong đổi mới công nghệ tại Việt Nam”- CEO Tecchombank nói.
Phản hồi