Vì sao nhiều tỷ phú Việt Nam đều khởi nghiệp với mì gói: Từ Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Đăng Quang, cho đến Ngô Chí Dũng, Đặng Khắc Vỹ?
Dù có dung lượng thị trường không quá lớn, nhưng ngành mì gói có một vị trí đặc biệt đối với sự phát triển của kinh tế tư nhân Việt Nam.
Trên thực tế, các doanh nhân tên tuổi nhất của Việt Nam hiện nay đều từng khởi nghiệp với mì gói tại Đông Âu.
Ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch Tập đoàn Vingroup) cùng Technocom sản xuất nhãn mì mang tên Mivina tại Ukraina. Năm 2010, Technocom được bán lại cho Nestlé với giá 150 triệu USD.
Ông Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch Tập đoàn Masan) đầu tiên kinh doanh mì gói tại Nga, sau đó đầu tư nhà máy công suất 30 triệu gói mì mỗi tháng.
Ông Ngô Chí Dũng (Chủ tịch VPBank) và ông Đặng Khắc Vỹ (Chủ tịch VIB) sáng lập ra thương hiệu mì Rollton nổi tiếng nước Nga cho đến ngày nay. Bản thân ông Đặng Khắc Vỹ đang là Chủ tịch của Mareven Food Holdings, công ty mẹ của Mareven Food Central, đơn vị nắm 46% thị phần mì gói của Nga với mức tiêu thụ 2 tỷ phần mỗi năm.
Năm 2008, nhóm chủ người Việt của Mareven Food Central bán 33,5% cổ phần cho Nissin (ông lớn ngành mì Nhật Bản) với giá 296,4 triệu USD, tương ứng định giá 885 triệu USD thời điểm đó.
Mì Mivina của Technocom
Câu hỏi được đặt ra là vì sao các tỷ phú Đông Âu lại lựa chọn ngành mì để khởi nghiệp và có được thành công làm tiền đề cho đế chế tư nhân hiện bao phủ khắp các lĩnh vực bất động sản – du lịch – ngân hàng – tiêu dùng – bán lẻ – công nghiệp tại Việt Nam?
Cách đây vài năm, ông Nguyễn Đăng Quang từng đề cập đến vấn đề này tại ĐHĐCĐ tập đoàn Masan.
Nhiều người thắc mắc vì sao Chủ tịch Masan học vật lý hạt nhân dữ dằn như vậy nhưng lại đi buôn mì gói?
Ông Quang nói rằng: “Bối cảnh khó khăn lúc đó buộc chúng tôi phải chọn mì gói”.
Hơn 20 năm trước, tình hình kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn, nhu cầu của người dân là làm sao được ấm bụng. Cách nhanh nhất mà họ có được là một gói mì.
Đến một ngày, ông Quang nhận ra rằng, không chỉ có người Việt Nam cần dùng mì gói, mà hơn 140 triệu người Nga cũng cần. Thời điểm đó, người Nga chưa có thói quen ăn mì. Từ việc chỉ bán mì cho người Việt tại Nga, Chủ tịch Masan đã đầu tư nhà máy đầu tiên với công suất 30 triệu gói/tháng để mở rộng tập khách hàng. Chính vì thế, ông Quang được gắn biệt danh “người dạy dân Nga cách ăn mì gói”.
“Chúng tôi thường nói với nhau về câu chuyện 2 người cùng được giao nhiệm vụ đi tìm thị trường cho giày da tại một nước rất lạc hậu ở châu Phi. Một người đi về thất vọng và báo cáo, ở đó chẳng có cơ hội nào cả, bởi người dân không quen đi giày.
Người còn lại hồ hởi thông báo, đó là một thị trường khổng lồ. Tất cả mọi người đều có 2 chân và chưa ai bán được một đôi giày nào cho họ cả. Những người ở Masan thuộc mẫu thứ 2″, tỷ phú Quang chia sẻ về cách Masan đã tiếp cận thị trường.
Vào giai đoạn cao điểm, doanh số bán mì, tương ớt của doanh nghiệp ông tại Nga lên tới 100 triệu USD.
Câu chuyện của tỷ phú Quang có thể gợi mở lý do vì sao các doanh nhân Đông Âu lựa chọn mì gói để khởi nghiệp. Bối cảnh kinh tế bấy giờ khó khăn và mì gói là sản phẩm hoàn toàn mới tại Nga, Ukraine nhưng lại phù hợp với thị trường (product market fit).
Chủ tịch Masan từng chia sẻ lý do bén duyên với ngành mì gói dù chuyên môn là vật lý hạt nhân
Cho đến nay, chỉ có ông Nguyễn Đăng Quang và ông Đặng Khắc Vỹ vẫn còn gắn bó với nghiệp sản xuất mì.
Masan Consumer hiện đang xếp thứ hai về thị phần mì tại Việt Nam với các thương hiệu “Omachi”, “Kokomi”. Doanh thu năm ngoái đem về gần 6.900 tỷ đồng.
Ông Đặng Khắc Vỹ vẫn đang điều hành đế chế sản xuất mì quy mô đáng nể tại Đông Âu, bao gồm thị trường chính Nga, Ukraine và Kazakhstan. Bên cạnh đó, sản phẩm của Mareven cũng được xuất khẩu đi 25 nước.
Ở Việt Nam, ông Đặng Khắc Vỹ và Ngân hàng VIB có mối quan hệ khăng khít với Uniben, nhà sản xuất mì nằm trong top 5 với thương hiệu mì “3 miền” và “Reeva”. Năm ngoái, Uniben đạt doanh thu hơn 3.000 tỷ đồng, lãi sau thuế hơn 200 tỷ đồng.
Phản hồi