Cặp vợ chồng bỏ phố về quê, nghỉ hưu ở tuổi 32 chỉ bằng cách tiết kiệm chi phí sinh hoạt nhưng vẫn thỏa mãn và ngày càng hạnh phúc
Elizabeth Willard Thames (Liz) và chồng, Nate, đã từ bỏ công việc ở thành phố, chuyển về vùng nông thôn Vermont xinh đẹp của nước Anh. Họ duy trì lối sống tiết kiệm và Liz đã nghỉ hưu ở tuổi 32, trong khi Nate vẫn đi làm. Hiện nay cặp vợ chồng cùng con gái sống trong một căn nhà nhìn ra khoảng rừng rộng 66 mẫu có cây ăn quả, vườn, ao và suối. Đó là một cuộc sống mà họ hằng mong ước.
Cặp vợ chồng thích bỏ phố về quê
Trước đó cặp đôi chỉ là những người bình thường, tốt nghiệp đại học rồi ra trường kiếm việc làm. Họ chẳng phải chủ doanh nghiệp, không hề trúng xổ số hay có khoản tiền thừa kế lớn, ước mơ của họ chính là ổn định về tài chính.
Cặp đôi muốn từ bỏ việc làm ở công sở đầy gò bó mà không khiến họ hạnh phúc để tận hưởng cuộc sống đơn giản hơn trong khung cảnh nông thôn. Sự đồng thuận của hai vợ chồng đã tạo ra động lực to lớn giúp cặp đôi vươn tới mục tiêu của mình.
Cặp vợ chồng Liz và Nate.
Quay trở lại tháng 3 năm 2014, đó là ngày đầu tiên của cuộc hành trình, cặp đôi đã coi việc tiết kiệm là cách thức cần thiết và quan trọng nhất để có thể đến đích. Họ quyết định sẽ chỉ chi tiêu vào những thứ cần thiết như thức ăn, trả tiền vay mua nhà, tiền xăng xe, tiền điện, phí internet, giấy vệ sinh và những thứ tương tự như vậy.
“Sau 1 năm sống tiết kiệm nhất có thể, Nate và tôi đã nhận ra rất nhiều điều mà trước đó không hay biết. Chúng tôi phát hiện ra những lợi thế to lớn của tính tiết kiệm, không chỉ đơn giản là giúp tiêu ít tiền mặt hơn và tăng giá trị tài sản ròng. Tiết kiệm tiền còn là một cách để chuyển đổi lối sống”, cô nói.
Trong năm đầu tiên thực hiện lối sống tiết kiệm, cặp đôi để dành được tới 71% thu nhập. Những năm sau đó, chỉ với phương án tiết kiệm mà không hề đầu tư, họ đã trả được hết tiền vay mua nhà, chăm sóc con gái và giúp Liz đủ tiền nghỉ hưu ở tuổi 32.
Căn nhà của cặp đôi vào mùa xuân.
Những mẹo tiết kiệm trong cuộc sống hàng ngày mà cặp đôi đã áp dụng và những lợi ích sâu rộng
1. Tiết kiệm giúp tình cảm vợ chồng ngày càng tốt đẹp
Họ đã cùng nhau sơn lại chiếc tủ bếp cũ để không phải mua mới, lợi ích đầu tiên là giúp tiết kiệm tiền. Nhưng gặp đôi cũng phát hiện ra hành động đó còn có một tác động tuyệt vời hơn nữa. Nó đưa hai người đến gần nhau hơn, khiến cho mối quan hệ vợ chồng thêm gắn bó.
Cuộc sống bận rộn, khi nhìn chiếc tủ bếp hỏng thì người ta sẽ có xu hướng muốn trả tiền để thuê người khác làm. Ngoài ra, tư tưởng hôn nhân cũng chẳng khác gì một mối quan hệ đối tác trong công việc dễ khiến tình cảm vợ chồng có sự xa cách. Tuy nhiên khi cùng nhau làm những công việc hàng ngày và rất đời thường ấy, sự liên hệ và gắn bó của cặp đôi cũng ngày càng được nâng cao.
“Hợp tác sơn lại tủ bếp là dự án đầu tiên trong vô số những công việc sau này chúng tôi làm chung. Từ đó mà tôi thấy được các kỹ năng của chồng mình tỏa sáng, tôi thêm yêu và tôn trọng anh ấy, mối quan hệ cũng ngày càng tốt đẹp.
Chúng tôi đã biết cách khen ngợi nhau khi hoàn thành tốt công việc, biết nói ‘làm ơn’ và ‘cảm ơn’ trong quá trình sinh hoạt hàng ngày. Mối quan hệ của chúng tôi đã thấm nhuần lòng biết ơn và sự tôn trọng”, người vợ này chia sẻ.
Chiếc tủ bếp đầu tiên hai người hợp tác sơn lại.
2. Tiết kiệm rất có lợi cho môi trường
“Khi tôi và Nate sử dụng lại một chiếc đèn và tủ quần áo cũ mà người khác bỏ đi, tôi nhận ra một điều rất hiển nhiên đó là tiết kiệm cũng rất tốt cho môi trường”, Elizabeth Willard Thames chia sẻ.
Nhờ sự khéo tay của Nate, cặp vợ chồng đã mua đồ mới ít hơn, đồng thời tái sử dụng đồ cũ nhiều hơn. Bằng cách tận dụng đồ cũ, chúng ta hạn chế rác thải đổ vào môi trường đồng thời giảm thiểu khí cacbon sinh ra khi sản xuất vật liệu mới. Hầu hết các chiến lược tiết kiệm đều có ảnh hưởng tốt đến môi trường.
3. Khi tiêu dùng ít đi, chúng ta càng trân trọng và quan tâm đến những thứ mình đang sở hữu
Cặp vợ chồng luôn coi những gì họ có là các vật sở hữu lâu dài. Họ sẽ chịu trách nhiệm cất giữ, dọn dẹp, làm sạch nó một cách tốt nhất. Họ sửa sang lại đồ đạc cũ và chỉ bỏ đi khi không còn cách nào sửa chữa nữa. Họ đặc biệt quý trọng, nâng niu đồ đạc trong nhà.
4. Chi tiêu ít hơn cho thực phẩm và ăn uống lành mạnh
Căn nhà của cặp vợ chồng vào mùa đông.
“Nate luôn đưa ra những quyết định tỉnh táo khi mua hàng ở siêu thị, chỉ mua chính xác những gì anh ấy định nấu trong tuần đó. Và chúng tôi sẽ cam kết ăn toàn bộ những gì mình có, không đầu hàng trước cám dỗ của đồ ăn mua từ nhà hàng”, Liz cho hay.
Cặp đôi chi tiêu ít đi cho thực phẩm, ăn uống lành mạnh hơn, lối sống ấy mang lại lợi ích to lớn cho môi trường khi tạo ra ít rác thải. Bởi vì thực phẩm thải bỏ là một trong những nguyên nhân tạo ra khí metan gây hiệu ứng nhà kính.
5. Càng tiết kiệm càng hiểu được những tác động tích cực và sâu rộng của lối sống này
Nate luôn đạp xe đi làm, kể cả trong những ngày mùa đông ở Boston. Cách làm đó có ba lợi ích, tiết kiệm tiền, tốt cho môi trường và giúp anh tập thể dục hàng ngày.
Lối sống tiết kiệm giúp chúng ta không còn quan tâm đến những gì người khác nghĩ về mình, bỏ qua nhu cầu chứng tỏ bản thân với người xung quanh. Đó là một tác động tốt vì rõ ràng cố tình phô trương bản thân không thể giúp bạn đạt được sự hài lòng sâu sắc và lâu dài.
“Một cuộc sống giản dị thật sự rất sáng tạo, không hề có sự khó khăn nào cả về vật chất lẫn tinh thần, cũng chẳng buồn chán như nhiều người nghĩ.
Loại bỏ tất cả các khoản chi tiêu không quan trọng đối với mục tiêu dài hạn và bạn sẽ có được cuộc sống mình thực sự mong muốn. Đừng để việc tiêu tiền ngăn cản ước mơ của mình, hãy để sự tiết kiệm giúp bạn đạt được điều chúng ta mong mỏi”, Liz chia sẻ.
Theo: Theguardian
Phản hồi