Môi giới bất động sản: Cơ thể đang “nhiễm bệnh, thiếu oxy”
“Đợt bùng phát lần thứ tư của dịch bệnh Covid (đang diễn ra) có thể nói là đợt dịch ảnh hưởng nặng nề nhất đến nền kinh tế nói chung và đến thị trường bất động sản nói riêng. Dịch bệnh đã làm tình hình kinh doanh của các sàn giao dịch gần như tê liệt, khiến họ giống như những cơ thể đang nhiễm “Covid”, rất cần nguồn oxy trợ giúp”. Đây là nhận định chung được các đại biểu đưa ra tại toạ đàm “Sàn giao dịch và môi giới bất động sản vượt khó do ảnh hưởng Covid – Giải pháp và kiến nghị”. Sự kiện do Hội Môi giới Bất động sản tổ chức ngày 20/8.
80% SÀN GIAO DỊCH CÓ NGUY CƠ NGƯNG HOẠT ĐỘNG
Trình bày tại toạ đàm, ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đưa ra số liệu khảo sát rất đáng lưu ý. Trong giai đoạn dịch bệnh, 70% số doanh nghiệp môi giới bất động sản phải chọn giải pháp cắt giảm lương của người lao động hoặc ngưng hoạt động. Riêng trong 3 tháng gần đây, 50% số doanh nghiệp môi giới bất động sản tại TP.HCM chỉ đạt mức doanh thu dưới 10%. Đây là nhóm có nguy cơ ngưng hoạt động rất cao; 30% có mức doanh thu từ 30% – 50%, được đánh giá là nhóm nguy cơ ngưng hoạt động cao. 10% số doanh nghiệp ở nhóm tạm ổn định (doanh thu 50-70%). Chỉ 10% còn lại nằm trong diện ổn định.
Thực hiện giãn cách xã hội, tất cả các doanh nghiệp môi giới bất động sản không thể gặp mặt, tiếp xúc, tổ chức sự kiện nên không có nguồn khách hàng. Bên cạnh đó, giãn cách xã hội kéo theo khó khăn trong việc truyền tải thông tin dự án. Các cơ quan nhà nước, phòng công chứng, trung tâm đăng ký thủ tục đất đai… cũng ngưng hoạt động nên hầu như không thể hoàn thành thủ tục giao dịch. Mặc dù các đơn vị đã triển khai tổ chức bán hàng online nhưng thủ tục giao dịch cũng không thuận tiện do không được tiếp xúc trực tiếp.
Từ đó, làm đảo lộn mọi kế hoạch của các doanh nghiệp, các mục tiêu trong năm và mục tiêu dài hạn bị tác động, ảnh hưởng nặng nề. Mặc dù doanh thu giảm hoặc không có nhưng chi phí thuê mặt bằng văn phòng, bảo hiểm xã hội, tiền lương, tiền thuế lên đến hàng tỷ đồng mỗi tháng… vẫn phải trả. Hơn nữa, dòng tiền của các chủ đầu tư cũng eo hẹp nên các sàn khó thu hồi công nợ. Hoạt động kinh doanh, bán hàng bị ngưng trệ, nhân viên không có thu nhập, dẫn đến việc rời bỏ công ty.
Bổ sung thêm, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho biết đây là khó khăn chung của các doanh nghiệp bất động sản. Dòng tiền lúc này không khác gì oxy. Một số chi phí thông thường có thể trì hoãn nhưng lãi vay ngân hàng thì không, đến ngày, đến giờ có khó khăn mấy vẫn phải thực hiện. Bên cạnh kế hoạch ra hàng bị ngưng trệ, việc thi công tại dự án cũng phải tạm dừng, ảnh hưởng lớn tới tiến độ xây dựng, bàn giao sản phẩm….
CÁC NHÀ MÔI GIỚI: PHẦN “LÁ” DỄ BỊ TỔN THƯƠNG
Cũng nói về những khó khăn này, từ hình ảnh cái cây, ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch BHS ví von: nếu coi nền kinh tế là gốc rễ, thì các doanh nghiệp phát triển bất động sản là thân cây, các sàn giao dịch bất động sản là cành cây; còn các nhà môi giới là phần lá. Khi cây bị tổn thương thì bộ phận chịu tổn hại nhanh nhất, dễ héo úa nhất chính là lá.
“Hiện nay, cung – cầu trên thị trường bất động sản vẫn rất lớn nhưng không có thanh khoản. Dòng tiền (giống như nhựa sống của cây) bị đứt gẫy: công nợ về chậm, doanh thu không có… khiến các sàn giao dịch gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề chi phí. Tiền chưa về nhưng họ vẫn phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT, thanh toán nhiều khoản chi phí khác… Có thể nói khó khăn chồng chất khó khăn. Mà hiện nay, chỉ khoảng 20% số sàn giao dịch bất động sản là có tích luỹ, có kinh nghiệm vượt qua khủng hoảng, có nhân sự ổn định, chuyên nghiệp. Họ ít khó khăn hơn. Trong thời gian này, họ tập trung nguồn lực để chuẩn bị cho các chiến dịch lớn sau đó như: chuẩn bị sản phẩm (đã, hoặc chuẩn bị ký hợp đồng); tuyển dụng, đào tạo nhân viên; đẩy mạnh thu hồi công nợ; đẩy mạnh phát triển công nghệ…
Còn các sàn có quy mô nhỏ (chiếm 80%) bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất khi dịch bệnh diễn ra. Do không có tích luỹ, họ rất khó duy trì hoạt động. Tâm lý từ lãnh đạo đến nhân viên đều hoang mang, dao động, không biết nên tiến hay lui… Cộng với những lý do riêng thì họ đang lâm vào tình trạng như những chiếc lá trên thân cây bị tổn thương, có lá héo nhanh, có lá thì héo chậm… Bởi vậy, rất cần có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước về cơ chế chính sách như: giãn, hoãn, giảm tiền thuế… nhằm giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp. Đặc biệt là cần thúc đẩy chiến dịch tiêm vaccine trên diện rộng.
“Muốn các doanh nghiệp khoẻ mạnh thì phải có thị trường tốt. Muốn có thị trường tốt thì trước hết phải có vaccine. Đến nay, chúng ta không thể kỳ vọng là xã hội zero Fo nữa mà phải xác định sống cùng dịch bệnh, và cần nhanh chóng triển khai tiêm đủ 2 mũi để tạo miễn dịch cộng đồng. Từ đó ổn định trở lại các hoạt động trên thị trường”, ông Tuyển nêu quan điểm.
Trong khi đó, ông Phạm Lâm kiến nghị, bên cạnh việc đẩy mạnh áp dụng công nghệ, các sàn cần đoàn kết lại, chia sẻ cơ hội với nhau. Theo ông Lâm, việc liên kết, đoàn kết, để tạo nên cộng đồng doanh nghiệp môi giới bất động sản khoẻ mạnh sẽ giúp các doanh nghiệp thích nghi tốt hơn với điều kiện khó khăn hiện nay…
Phản hồi