Tháng 10 khởi công dự án ODA hơn 5.000 tỷ đồng kết nối miền núi phía Bắc
Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản số 7765/BGTVT-CQLXD, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc.
Theo Bộ Giao thông vận tải, dự án nhận được sự quan tâm, tài trợ của Chính phủ Úc cho công tác Thiết kế kỹ thuật và là dự án sử dụng nguồn vốn ưu đãi ADF của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho công tác xây lắp.
Thời gian vừa qua, với sự nỗ lực của các bên liên quan, dự án đã đạt được một số dấu mốc quan trọng trong quá trình thực hiện. Cụ thể, đã hoàn thành công tác lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật 2 gói thầu số 8 và số 9, đang lập hồ sơ mời thầu xây lắp, dự kiến có thể khởi công trong tháng 10/2021.
Hiện công tác hoàn thiện thiết kế kỹ thuật, công tác giải phóng mặt bằng, các báo cáo về môi trường, xã hội…của dự án theo yêu cầu của nhà tài trợ đang được các bên triển khai thực hiện.
Tuy nhiên về tổng thể, việc triển khai công tác thiết kế kỹ thuật các gói thầu của dự án và việc cập nhật các báo cáo theo yêu cầu của nhà tài trợ còn chậm so với yêu cầu do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các công việc còn lại của dự án, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu kiện toàn công tác quản lý dự án.
Trong đó, Ban Quản lý dự án 2 rà soát, tăng cường nhân sự trong công tác tổ chức thực hiện dự án, phân công cụ thể bộ phận đơn vị của Ban theo các nhóm công tác khác nhau như công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hồ sơ thiết kế kỹ thuật và công tác lập, phát hành hồ sơ mời thầu, lựa chọn nhà thầu….
Lưu ý bố trí nhân sự tại hiện trường, phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng như kiểm đếm, đền bù giải phóng mặt bằng… đảm bảo đủ mặt bằng bàn giao cho dự án, trước mắt là cho 02 gói thầu ưu tiên số 8 và số 9, đáp ứng tiến độ khởi công trong tháng 10/2021.
Bên cạnh đó, Tư vấn PMC tăng cường nhân sự để xử lý, kiểm soát tiến độ, chất lượng thực hiện công tác khảo sát bổ sung đối với gói thầu số 7 và số 11 và hoàn tất các báo cáo về môi trường, xã hội theo yêu cầu của nhà tài trợ. Tư vấn SMEC tăng cường nhân lực hoàn thiện hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán, điều chỉnh hồ sơ thiết kế cơ sở (nếu có) đối với các gói thầu còn lại làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo đảm bảo tiến độ.
Hàng tuần, Ban Quản lý dự án 2, Tư vấn PMC, Tư vấn SMEC, Tư vấn thẩm tra và các bên liên quan tiến hành kiểm điểm tiến độ thực hiện, đối chiếu tiến độ chi tiết nêu trên, có kế hoạch bù tiến độ trong tuần tiếp theo nếu bị chậm. Ban Quản lý dự án 2 kịp thời phát hiện các vấn đề ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng dự án; chủ động nghiên cứu đề xuất giải pháp xử lý phù hợp và định kỳ hàng tháng báo cáo Bộ về tiến độ thực hiện.
Được biết, dự án kết nối giao thông miền núi phía Bắc gồm 2 tuyến kết nối.
Thứ nhất, tuyến kết nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài – Lào Cai dài khoảng 147km. Trong đó, chiều dài tuyến nâng cấp cải tạo 132,8 km và chiều dài tuyến xây dựng mới hơn 14 km. Điểm đầu tuyến (Km0+000) tại nút giao IC16 của đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai (Km91+500 QL279) huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Điểm cuối (Km146+600)tại ngã ba Bệnh viện (Km34+800 QL4D), TP. Lai Châu, tỉnh Lai Châu.
Tuyến đi qua địa phận của huyện Văn Bàn thuộc tỉnh Lào Cai và các huyện Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, TP. Lai Châu thuộc tỉnh Lai Châu. Tuyến đường kết nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài – Lào Cai được thiết kế theo quy mô đường cấp 3 miền núi, tốc độ thiết kế 60km/h, trên tuyến xây dựng 17 cầu với tổng chiều dài 730m.
Thứ hai, tuyến kết nối Nghĩa Lộ, Yên Bái với cao tốc Nội Bài – Lào Cai dài hơn 51 km. Trong đó, chiều dài đoạn nâng cấp cải tạo 46,8 km, đoạn xây dựng mới dài 4,6 km. Tuyến đi qua địa phận của huyện Văn Yên, Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ thuộc tỉnh Yên Bái. Điểm đầu tại Km0+0.00, nút giao IC14 của đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai (Km149+705, cao tốc Nội Bài – Lào Cai) thuộc địa phận huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Điểm cuối tại Km54+069.24 giao với QL32 tại lý trình Km209+500 thuộc địa phận thị trấn Liên Sơn, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
Phản hồi