Chung đam mê, 4 chàng trai Ê đê bắt tay làm giàu từ nông nghiệp sạch
Qua hơn 1 năm thực hiện, nhờ triển khai mô hình trồng cây trong nhà lưới không phun thuốc, chăm sóc đúng theo quy trình kỹ thuật nên sản phẩm làm ra bảo đảm an toàn thực phẩm, được người tiêu dùng ưa chuộng…
Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình, anh Y Phi On Mlô – người được xem là “thủ lĩnh” khởi xướng thành lập nhóm chia sẻ, trang trại có 4 thành viên đồng làm chủ, gồm: Y Phi On Mlô, Y Noel Niê (cùng SN 1995, trú buôn Wiao), Y Ngơi Mlô và Y Yô Rim Niê (cùng SN 1994, trú buôn Ur). Trong đó, Y Phi On Mlô đã tốt nghiệp Trường Đại học Luật Hà Nội (phân hiệu tại Đắk Lắk), Y Noel Niê tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học Trường Đại học Tây Nguyên đều có nền tảng kiến thức về nông nghiệp.
Xuất thân trong gia đình nông dân trồng cà phê, Y Phi On phần nào hiểu rõ sự vất vả, cơ cực của nông dân, nhất là trong những năm gần đây, giá cả cà phê sụt giảm nghiêm trọng nên sản xuất hầu như không có lãi. Vì vậy, anh đã xin bố mẹ được thực hiện ước mơ khởi nghiệp từ nông nghiệp sạch.
Ban đầu, bố mẹ anh còn ngần ngại do chưa hình dung được công việc cụ thể, nguồn vốn gia đình không nhiều, hơn nữa thấy sản xuất nông nghiệp thường gặp rất nhiều rủi ro như thiên tai, dịch bệnh, bấp bênh về giá cả, tiêu thụ nông sản…, nhưng sự quyết tâm của Y Phi On đã thuyết phục được bố mẹ giao gần 5 sào đất rẫy để anh thực hiện mô hình.
Anh Y Phi On Mlô (bên trái) và anh Y Ngơi Mlô thu hoạch ớt. |
Sau 1 năm kiên trì tìm hiểu, học hỏi trên sách báo và mạng Internet, Y Phi On thuyết phục được thêm 3 người bạn thân có chung niềm đam mê với mình khởi nghiệp theo mô hình nông nghiệp sạch.
“Ban Thường vụ Huyện Đoàn khuyến khích thanh niên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương, đồng thời sẽ tạo điều kiện để thanh niên được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế”. anh Y Rô Ya Niê, Phó Bí thư phụ trách Huyện Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN huyện Krông Năng |
Cuối năm 2019, với số vốn ít ỏi ban đầu là gần 50 triệu đồng, trên diện tích đất sẵn có, nhóm tự mua vật tư như ống nước, sắt thép, hệ thống tưới nhỏ giọt để xây dựng nhà lưới rộng hơn 100 m2. Ban đầu, do kinh phí hạn hẹp, chưa có kinh nghiệm, nên nhóm chỉ trồng thí điểm dưa nước của người Êđê để nhân giống đem bán và trồng rau thủy canh, bầu bí. Với định hướng phát triển nông sản sạch, tất cả cây trồng ở đây đều được bón bằng phân hữu cơ từ các nguyên liệu sẵn có ở địa phương như phân bò, rơm rạ…
Theo anh Y Phi On, đầu tư hệ thống nhà lưới vừa giúp tăng năng suất, rút ngắn thời gian thu hoạch, vừa tránh được rủi ro do thời tiết thay đổi thất thường. Cây dưa nước của người Êđê cũng giống dưa leo, rất dễ trồng lại phát triển rất nhanh, ưa bóng mát và nơi đất ẩm, trồng khoảng 3 – 4 tháng là có thể thu hoạch. Vì giống dưa này đang ngày càng khan hiếm nên nông trại thu hoạch trái già bán hạt giống với giá 5.000 đồng/hạt.
Ngoài ra, thông qua báo đài, mạng Internet, anh nhận thấy thị trường trong và ngoài nước đang có nhiều doanh nghiệp cần nhập quả ớt về làm nguyên liệu chế biến tương và sản xuất dược liệu nên đã thí điểm trồng ớt an toàn xuất khẩu trên diện tích hơn 1 sào. Để cây trồng có chất lượng tốt, nhóm đã đầu tư hệ thống tưới tiêu, chọn thời điểm thích hợp để gieo giống, chăm sóc cây. Do ớt là cây có khả năng thích nghi thời tiết tốt nên sau 3 tháng đã đơm hoa kết trái, thu hoạch hằng ngày được gần 1 tạ quả, với giá bán 20.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, nhóm còn ươm ớt giống để bán cây con cho người dân. Đến nay, mô hình sản xuất ớt an toàn đang đem lại thu nhập ổn định, giúp nhóm thu hồi vốn đầu tư ban đầu.
Anh Y Phi On Mlô chăm sóc dàn bầu, bí. |
Anh Y Phi On tâm sự, cách làm của nhóm là lấy ngắn nuôi dài, vì nếu đầu tư lớn sẽ khó khăn về tài chính. Do vậy ở giai đoạn đầu, trang trại trồng chủ yếu là cây ngắn ngày nhằm thu hồi vốn nhanh để quay vòng tái sản xuất. Bước đầu, sản phẩm làm ra được thị trường đón nhận, mô hình đã được Hội LHTN Việt Nam tỉnh hỗ trợ vốn 20 triệu đồng nên thời gian tới “Mập Farmer” sẽ mở rộng diện tích, sản xuất theo hướng bền vững, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.
Có thể nói, ứng dụng công nghệ trồng rau sạch trong nhà lưới là hướng đi phù hợp để phát triển nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay và cần được nhân rộng. Thời gian qua, trên địa bàn huyện Krông Năng có nhiều mô hình khởi nghiệp của thanh niên mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiêu biểu là mô hình nông nghiệp sạch nói trên..
Theo baodaklak
Phản hồi