Chính phủ đồng ý đề xuất của Bộ Tài chính thêm gói hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp do COVID-19
Theo đó, xét đề nghị của Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính về sự cần thiết bổ sung các giải pháp tiếp theo để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, chịu tác động của dịch COVID-19.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, cơ quan liên quan, trên cơ sở nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất khóa XV, khẩn trương hoàn thiện đề xuất ban hành các văn bản pháp luật phù hợp theo trình tự thủ tục rút gọn về các giải pháp tiếp theo hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu tác động của dịch COVID-19 theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/8/2021 để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.
Trong đó, cần tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ các giải pháp chính sách hỗ trợ đã thực hiện vừa qua, trên cơ sở đó, xác định sự cần thiết phải điều chỉnh, bổ sung về đối tượng thụ hưởng, nội dung chính sách, thời hạn thực hiện… bảo đảm các chính sách phát huy hiệu quả cao nhất, hỗ trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp; đồng thời lưu ý lấy đủ ý kiến các đối tượng chịu tác động của chính sách.
Phó Thủ tướng cũng giao các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để triển khai, hoàn thành nhiệm vụ nêu trên, bảo đảm thời hạn, chất lượng.
Trước đó, tại phiên thảo luận kinh tế – xã hội ngày 25/7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đang đề xuất Chính phủ một gói hỗ trợ mới về thuế, phí cho doanh nghiệp, người dân khó khăn vì COVID-19, khoảng 24.000 tỷ đồng. Những gói hỗ trợ này sẽ góp phần tiếp tục hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, từ đó giúp doanh nghiệp đóng góp ngân sách một cách bền vững, thúc đẩy kinh tế – xã hội đất nước phát triển.
Bên cạnh đó, hiện nay, Bộ Tài chính đang xin ý kiến các bộ, ngành để sớm trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020về biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi.
Trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2020/NĐ-CP, Bộ Tài chính đề xuất thêm hai nội dung mới đó là: Sửa đổi thuế suất thuế xuất khẩu và mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với một số mặt hàng để bảo vệ, thúc đẩy khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo trong nước, hạn chế việc xuất khẩu tài nguyên thô, chưa qua chế biến và góp phần đơn giản biểu thuế; và sửa đổi thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu một số nhóm mặt hàng nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, khắc phục các bất cập phát sinh trên thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh phát triển.
Phản hồi