Tín dụng chính sách xã hội góp phần giảm nghèo bền vững và thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam

Giảm nghèo bền vững là vấn đề luôn được Đảng và Chính phủ quan tâm. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra mục tiêu “Giảm tỷ lệ nghèo đa chiều 1 – 1,5% hằng năm” và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 – 2030 đề ra nhiệm vụ “Triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số…

Sau gần 19 năm hoạt động, tín dụng chính sách xã hội do NHCSXH thực hiện đã được Quốc hội, Chính phủ ghi nhận, đánh giá là “điểm sáng” trong hệ thống chính sách giảm nghèo

Tóm tắt:
 
Tín dụng chính sách chính xã hội là một giải pháp tín dụng đầy nhân văn và sáng tạo của Đảng và Chính phủ Việt Nam để hài hòa mục tiêu vừa phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vừa hỗ trợ được những đối tượng yếu thế trong xã hội. Tín dụng chính sách xã hội tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống. Là một công cụ của Chính phủ Việt Nam trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) với mạng lưới bao phủ rộng khắp đến tận cấp xã trên cả nước đã là địa điểm tin cậy cho hộ nghèo, hộ đối tượng chính sách, doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận các dịch vụ tài chính, ngân hàng chính thức, góp phần hỗ trợ giảm nghèo bền vững và thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam.
 
Từ khóa: NHCSXH, tín dụng chính sách xã hội, giảm nghèo bền vững, tài
 

1. Đặt vấn đề
 
Giảm nghèo bền vững là vấn đề luôn được Đảng và Chính phủ quan tâm. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra mục tiêu “Giảm tỷ lệ nghèo đa chiều 1 – 1,5% hằng năm” và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 – 2030 đề ra nhiệm vụ “Triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đổi mới thực chất cách tiếp cận trong giảm nghèo bằng các chính sách hỗ trợ có điều kiện, giảm hỗ trợ cho không, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo”.
 
Đối tượng hộ nghèo, hộ thu nhập thấp, doanh nghiệp nhỏ và vừa là một trong những đối tượng được chú trọng trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mà Chính phủ Việt Nam đang hướng tới. Theo đó, tài chính toàn diện là việc mọi người dân và doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, được cung cấp một cách có trách nhiệm và bền vững, trong đó chú trọng đến nhóm người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ.
 
NHCSXH là một công cụ của Chính phủ Việt Nam, được thành lập từ năm 2002 để thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Bên cạnh làm đầu mối huy động các nguồn vốn cho người nghèo, phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững thì NHCSXH đã thực hiện nhiều giải pháp phù hợp thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam như mở rộng độ bao phủ tiếp cận tài chính, đa dạng hóa dịch vụ, thực hiện tuyên truyền sâu rộng, ứng dụng công nghệ để tăng cường giáo dục tài chính, quản lý tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. 
 
Đến ngày 30/6/2021, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách của NHCSXH đạt 247.340 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt 240.518 tỷ đồng, với hơn 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang còn dư nợ; chất lượng tín dụng không ngừng được nâng cao. 
 
Với việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, NHCSXH đã góp phần quan trọng trong việc: Thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội theo định hướng của Đảng và Nhà nước; thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng; tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị – xã hội tập hợp lực lượng, phát triển hội viên; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011 – 2015 từ 14,2% xuống 4,25% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 – 2015); tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 9,88% (năm 2016) xuống còn dưới 2,75% (năm 2020).
 
Sau gần 19 năm hoạt động, tín dụng chính sách xã hội do NHCSXH thực hiện được Quốc hội, Chính phủ ghi nhận, đánh giá là “điểm sáng” trong hệ thống chính sách giảm nghèo. NHCSXH đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. 
 
2. Tín dụng chính sách xã hội góp phần giảm nghèo bền vững và thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam
 
2.1. Không ngừng mở rộng độ bao phủ cung ứng dịch vụ cho khách hàng và thực hiện phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”
 
Trong bối cảnh Việt Nam vươn lên quốc gia có mức thu nhập trung bình thế giới khiến các nguồn vốn hỗ trợ từ quốc tế đối với người nghèo và đối tượng yếu thế giảm, tính ưu việt của tín dụng chính sách xã hội ngày càng được minh chứng. Trong khi các hiệp ước thương mại ngày càng nhiều mở ra cơ hội cho Việt Nam hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế, song cũng tạo ra những thách thức và áp lực trong việc đảm bảo an sinh xã hội khi có sự không đồng tốc trong phát triển giữa các thành phần kinh tế, bên cạnh những hộ nghèo, đã phát sinh những đối tượng yếu thế, nguy cơ chênh lệch mức sống ngày càng lớn, nếu không có những chính sách hỗ trợ kịp thời, đúng và đủ, khoảng cách giàu nghèo sẽ ngày càng bị nới rộng, người nghèo sẽ ngày càng tụt lại phía sau.
 
Với phương châm “không để người nghèo bị bỏ lại phía sau”, NHCSXH có mạng lưới rộng, bao phủ khắp cả nước và đa dạng các chương trình tín dụng chính sách phù hợp với đối tượng hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đã thực hiện tốt việc cung ứng dịch vụ cho khách hàng. NHCSXH có mạng lưới đến 63 chi nhánh cấp tỉnh, 625 phòng giao dịch cấp huyện, 10.422 điểm giao dịch xã và 172.538 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), NHCSXH đã tiếp cận được tới các hộ nghèo và các đối tượng chính sách sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. 
 
Mạng lưới hoạt động của NHCSXH có sự phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội và tổ TK&VV khắp các thôn, bản trong cả nước. Đây là nơi tập hợp các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn NHCSXH để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống; cùng tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh và đời sống; cùng giám sát nhau trong việc vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ cho NHCSXH. 
 
Hoạt động giao dịch tại Điểm giao dịch xã của NHCSXH cũng đã giải quyết 94,7% tổng giá trị giao dịch của khách hàng với NHCSXH, góp phần tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính sách ưu đãi của Chính phủ đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; tiết giảm các chi phí giao dịch của người vay; thực hiện dân chủ, công khai việc sử dụng vốn tín dụng chính sách và tăng cường sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội trong việc kiểm tra, giám sát và giúp đỡ người vay sử dụng vốn vay có hiệu quả. 
 
Với cách thức “giao dịch tại nhà, giải ngân tại xã”, mạng lưới này đã tăng cường sự giám sát của cộng đồng trong thực thi tín dụng chính sách xã hội, đối tượng thụ hưởng được nhận vốn vay kịp thời tại nơi cư trú, đúng chế độ chính sách, đúng pháp luật và tiết kiệm được chi phí. NHCSXH đã phát huy được sức mạnh tổng hợp, khai thác được nguồn lực của toàn xã hội phục vụ cho công tác giảm nghèo bền vững, mang lại sự thuận lợi, hiệu quả trong thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi đúng theo chủ trương và đường lối của Đảng và Chính phủ. 
 
Bên cạnh mạng lưới bao phủ đến tận xã, NHCSXH có một danh mục sản phẩm tín dụng đa dạng, phù hợp với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Cũng bởi vậy, từ 03 chương trình cho vay đơn lẻ khi mới đi vào hoạt động năm 2003, đến nay, NHCSXH đã tham mưu cho Chính phủ thực hiện hơn 20 chương trình tín dụng mang tính trợ giúp theo từng cung bậc khác nhau nhằm hỗ trợ nhu cầu phát triển kinh tế cho hộ nghèo, giúp họ không chỉ thoát nghèo mà cao hơn là thoát nghèo bền vững, cùng nhiều chương trình cho vay chuyên biệt giải quyết những vấn đề bức thiết về an sinh xã hội như nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, cho vay nhà ở xã hội, làm nhà phòng chống lụt bão, cho vay học sinh, sinh viên… Trong quá trình thực hiện luôn linh hoạt, tham mưu điều chỉnh lãi suất cho vay cũng như việc thực hiện điều chỉnh nâng mức cho vay các chương trình cho phù hợp trong từng thời kì, từng giai đoạn nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết phát triển kinh tế của người dân và giúp họ có thể ứng biến với những rủi ro.
 
Đặc biệt, giai đoạn 10 năm (2011 – 2020), thực hiện Chiến lược phát triển NHCSXH, sự ra đời của 02 chương trình tín dụng là cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được coi là bước đột phá, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Bởi rõ ràng cùng với hiệu ứng của các chương trình tín dụng chính sách trước đó, số hộ nghèo giảm mạnh từng năm, như năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo là 9,45%, giảm về 5,2% cuối năm 2015, song khi tiếp cận tiêu chí nghèo đa chiều, thì tỷ lệ hộ nghèo lại vẫn gần 10%. Cùng với đó là nguy cơ tái nghèo cao, nhất là vùng lõi nghèo thuộc Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; thiên tai, dịch bệnh luôn rình rập, kiến thức canh tác nuôi trồng của người dân còn hạn hẹp. Vì vậy, 02 chương trình tín dụng này đã bù lấp vào những khoảng trống, góp phần đẩy nhanh hơn nữa mục tiêu giảm nghèo bền vững.
 
Bên cạnh đó, nhiều chương trình tín dụng mới được tạo dựng ngày càng thâm nhập sâu rộng, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sống như cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, cho vay nhà ở xã hội, cho doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19,…
 
Chính vì vậy, số lượng khách hàng được vay vốn NHCSXH luôn duy trì ổn định ở mức trên 6,4 triệu khách hàng và hơn 02 triệu lượt khách hàng được vay vốn hằng năm.
 
Có thể nói, NHCSXH đang là ngân hàng có độ bao phủ rộng lớn nhất trong hệ thống ngân hàng tại Việt Nam, cũng như đa dạng các chương trình tín dụng chính sách đã đảm bảo cho tất cả các khách hàng tiềm năng có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ của ngân hàng. Chính vì vậy, tại Báo cáo số 660/BC-UBTVQH13 ngày 19/5/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đánh giá: “Việc tổ chức giao dịch tại xã của NHCSXH đã tạo được hệ thống dịch vụ gần dân, thân thiện và có trách nhiệm, tiết kiệm chi phí giao dịch, đi lại cho người dân, mô hình tổ chức và hoạt động của tổ TK&VV hỗ trợ hiệu quả cho từng hộ nghèo”.

 

Tín dụng chính sách xã hội tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống
 
2.2. Kết quả thực hiện các chương trình tín dụng chính sách
 
a) Doanh số cho vay, tổng dư nợ và  dư nợ bình quân khách hàng tại NHCSXH (Bảng 1)
 

 
Nhìn vào Bảng 1, từ năm 2016 đến năm 2020, doanh số cho vay và tổng dư nợ tại NHCSXH tăng lên, chứng tỏ hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước nhiều hơn. Dư nợ bình quân một khách hàng vay vốn tại NHCSXH tăng lên. Nếu năm 2016, dư nợ bình quân một khách hàng vay vốn là 23,2 triệu đồng/hộ thì năm 2020 là 35,1 triệu đồng/hộ. Dư nợ bình quân tăng lên cho thấy mức cho vay đã được tăng lên phù hợp xu hướng phát triển của đời sống kinh tế – xã hội và phần nào đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của hộ vay. 
 
b) Nguồn lực cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác
 
NHCSXH đã tập trung mọi nguồn lực để tăng quy mô tín dụng chính sách. Bên cạnh nhận vốn do ngân sách Nhà nước cấp, nhận tiền gửi từ các tổ chức tài chính tín dụng; nhận ủy thác từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, của chính quyền địa phương và tích cực huy động tiền gửi dân cư, từ thành viên tổ TK&VV để tạo nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. (Biểu đồ 1)
 

 
Biểu đồ 1 cho thấy, nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại NHCSXH tăng lên qua các năm từ năm 2016 đến năm 2020. Qua đó cho thấy, NHCSXH đã tăng được quy mô tiếp cận vốn tín dụng chính sách để thực hiện tốt nhiệm vụ giảm nghèo mà Chính phủ giao.
 
c) Chất lượng tín dụng chính sách
 
NHCSXH không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng và hiệu quả sử dụng vốn đối với cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách. Nợ quá hạn của các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH giảm dần qua các năm từ năm 2016 đến năm 2020. Cụ thể, nợ quá hạn năm 2016 chiếm 0,34% tổng dư nợ nhưng đến năm 2020 chỉ còn 0,21% tổng dư nợ. Điều này có thể khẳng định chất lượng tín dụng chính sách tại NHCSXH luôn được kiểm soát tốt, chứng tỏ hiệu quả sử dụng vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách được nâng lên. Tỷ lệ nợ quá hạn thấp cũng cho thấy khả năng trả nợ của hộ vay tốt, tạo được vòng quay vốn tín dụng tốt hay tăng được cơ hội cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước.
 
2.3. Phát triển các sản phẩm dịch vụ tài chính cơ bản, hướng đến những đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện
 
Bên cạnh các sản phẩm tín dụng, các sản phẩm huy động cũng được NHCSXH thiết kế phù hợp với đối tượng khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Ngoài các sản phẩm truyền thống như tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn trả lãi cuối kỳ, tiền gửi có kỳ hạn trả lãi định kỳ, tiền gửi có kỳ hạn trả lãi đầu kỳ, tiết kiệm có kỳ hạn trả lãi cuối kỳ, tiết kiệm có kỳ hạn trả lãi định kỳ, tiết kiệm có kỳ hạn trả lãi đầu kỳ, NHCSXH có thêm các sản phẩm huy động khác như tiết kiệm tại điểm giao dịch xã, tiết kiệm gửi góp linh hoạt, tiền gửi cặp lá yêu thương, tiền gửi Quỹ Thiện Tâm,… Nổi bật trong các sản phẩm này là tiết kiệm tại điểm giao dịch xã. Với hơn 10 nghìn điểm giao dịch xã trên toàn quốc là địa chỉ tin cậy hỗ trợ người dân trên mọi miền Tổ quốc, đặc biệt vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số,… có cơ hội dễ dàng tiếp cận giao dịch với ngân hàng. Số dư tiền gửi riêng sản phẩm này năm 2020 đạt 4.544 tỷ đồng, tăng 920 tỷ đồng, tương ứng tăng 25,4% so với năm 2019. Ngoài ra, tiền gửi của tổ viên tổ TK&VV cũng là một sản phẩm được triển khai rất tốt tại NHCSXH. Số dư tiền gửi tổ viên được tăng lên hằng năm, đến cuối năm 2020, số dư tiền gửi tổ viên tổ TK&VV đạt 12.741 tỷ đồng, tăng 2.020 tỷ đồng so với năm 2019, tương ứng tăng 18,8%. Sản phẩm tiền gửi tổ viên tổ TK&VV bên cạnh tăng nguồn vốn cho NHCSXH thực hiện các chương trình tín dụng chính sách còn góp phần giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách biết thực hành tiết kiệm, nâng cao năng lực tài chính trả nợ ngân hàng.
 
2.4. Phát triển các kênh phân phối hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là qua điện thoại di động
 
Nhằm mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, ngay từ năm 2015, NHCSXH hợp tác với Quỹ châu Á của Hoa Kỳ nghiên cứu khảo sát nhu cầu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác về dịch vụ Mobile Banking, đánh giá hiện trạng công nghệ và tính sẵn sàng của NHCSXH trong việc xây dựng dịch vụ thanh toán số. Kết quả nghiên cứu tiền khả thi về dịch vụ ngân hàng qua điện thoại di động tại NHCSXH nhằm cải thiện phạm vi tiếp cận các dịch vụ tài chính bền vững và hiệu quả hơn cho hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp và các đối tượng yếu thế khác đối với nguồn vốn tín dụng chính sách và dịch vụ khác của NHCSXH; thực hiện việc thông tin kịp thời, hiệu quả đến khách hàng; tăng cường công tác kiểm soát rủi ro, thực hiện việc đa dạng hóa, hiện đại hóa dịch vụ sản phẩm, tiết giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản phẩm dịch vụ. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu đánh giá tiền khả thi này, Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc đã hỗ trợ NHCSXH nâng cao năng lực về nâng cấp hạ tầng công nghệ đáp ứng dịch vụ thanh toán số phù hợp với từng giai đoạn, các bước thí điểm và xây dựng đề án Mobile Banking thông qua Dự án “Ứng dụng công nghệ mới về dịch vụ ngân hàng qua điện thoại di động cho hộ nghèo và đối tượng chính sách” với sự hợp tác giữa MasterCard, Quỹ châu Á và NHCSXH trong khuôn khổ chương trình hợp tác công tư (PPP) giai đoạn 2017 – 2021. Mục tiêu dự án này phù hợp với khuyến nghị của Chính phủ Việt Nam về thúc đẩy thanh toán số để đạt được phổ cập tài chính và công cuộc chuyển đổi số của Chính phủ.
 
Đến nay, NHCSXH đã thực hiện triển khai thí điểm cung cấp dịch vụ ghi nhận giao dịch thu tiền qua Mobile App cho 850 tổ trưởng tổ TK&VV; tổ chức nghiên cứu và xây dựng ứng dụng hỗ trợ Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) cấp xã quản lý tín dụng chính sách trên địa bàn; triển khai dịch vụ tin nhắn phục vụ hoạt động nghiệp vụ tại NHCSXH, triển khai dịch vụ tin nhắn qua điện thoại (SMS banking) để giúp khách hàng thuận tiện đối chiếu nợ tại ngân hàng, xây dựng nội dung nghiệp vụ trên App NHCSXH-GDTC. Hợp tác với VNPay phát triển dịch vụ Mobile Banking cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, dự kiến đến năm 2022 sẽ triển khai thí điểm dịch vụ tới khách hàng. Tăng cường công nghệ thông tin đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nợ, hạn chế phát sinh những sai phạm trong hoạt động tín dụng chính sách. Đồng thời cũng tạo thuận lợi cho khách hàng trong các dịch vụ chuyển tiền, nâng cao được kiến thức về tài chính và giúp bảo vệ quyền lợi của khách hàng vay vốn và gửi tiền tại NHCSXH.
 
2.5. Triển khai thực hiện giáo dục tài chính và tuân thủ các quy định bảo vệ quyền lợi cho người vay vốn
 
a) Triển khai thực hiện giáo dục tài chính
 
Nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng cao hiểu biết kiến thức về tài chính và ngân hàng, các sản phẩm dịch vụ NHCSXH đang phục vụ cho hộ nghèo và các đối tượng yếu thế, từ khi thành lập đến nay, NHCSXH đã chú trọng thực hiện tuyên truyền hoạt động tín dụng chính sách để nâng cao hiểu biết của khách hàng vay vốn về chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Thông qua đó, tăng cường kiến thức tài chính cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, đặc biệt dưới các hình thức sau:
 
– Tại các điểm giao dịch xã, NHCSXH niêm yết công khai về các chính sách, các chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước, các quy trình, thủ tục của NHCSXH, danh sách hộ vay vốn, số dư nợ, thời hạn trả nợ của từng người vay, nội quy giao dịch… để chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội và người dân cùng biết, giám sát hoạt động tín dụng chính sách.
 
– Tổ TK&VV được NHCSXH ủy nhiệm thực hiện một số nội dung công việc trong quy trình cho vay: Tuyên truyền về tín dụng chính sách, hỗ trợ tổ viên gia nhập tổ, tiếp nhận giấy đề nghị vay vốn, bình xét cho vay, hỗ trợ quá trình sử dụng vốn, đôn đốc người vay trả nợ, trả lãi, thu lãi, thu tiền gửi của tổ viên và giao dịch với NHCSXH định kỳ vào ngày giao dịch hằng tháng. Thông qua hoạt động của tổ TK&VV, hộ nghèo và các đối tượng chính  sách sẽ nắm được các chính sách tín dụng ưu đãi, tham gia vay vốn, thực hiện sử dụng vốn vay để sản xuất kinh doanh, tạo thu nhập và trả nợ ngân hàng. Qua đây, hộ vay vốn NHCSXH sẽ tăng cường được kiến thức tài chính.
 
– Hằng năm, NHCSXH thực hiện tập huấn cho Chủ tịch UBND cấp xã; cán bộ Hội, đoàn thể cấp huyện, cấp xã; cán bộ Ban giảm nghèo cấp xã; Trưởng thôn; Ban quản lý tổ TK&VV. Nội dung tập huấn xoay quanh chức năng, nhiệm vụ của từng đối tượng đào tạo và các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn. Thực hiện tập huấn cho những đối tượng này cũng nhằm tăng cường kiến thức tài chính cho họ để họ phối hợp tốt hơn với NHCSXH trong quản lý tín dụng chính sách. Đồng thời, đây là những tuyên truyền viên tích cực để tuyên truyền đến hộ vay về kiến thức tài chính cũng như trách nhiệm vay vốn, trả nợ ngân hàng. 
 
– Từ năm 2017, NHCSXH đã chính thức triển khai chương trình giáo dục tài chính thông qua dịch vụ tin nhắn SMS miễn phí định kì thông tin đến khách hàng về dư nợ các chương trình tín dụng, số dư tiền gửi trên tài khoản tiền gửi, tiền tiết kiệm và khi ngân hàng chuyển trạng thái nợ của khách hàng từ nợ trong hạn sang nợ quá hạn, qua đó góp phần nâng cao kiến thức tài chính và giúp cho người nghèo làm quen với công nghệ số. Dịch vụ phi tài chính này được triển khai trên toàn quốc với 63 chi nhánh tỉnh, thành phố. Đến nay, NHCSXH đã gửi tin nhắn định kì tới trên 5,4 triệu khách hàng trên toàn quốc có đăng kí số điện thoại với Ngân hàng. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến gần 173 nghìn tổ trưởng tổ TK&VV và hơn 6,4 triệu khách hàng vay vốn tại các điểm giao dịch xã.
 
– NHCSXH đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước để nâng cao kỹ thuật, năng lực tài chính cho người nghèo, các đối tượng chính sách. Với xu thế phát triển công nghệ hiện nay, NHCSXH phối hợp triển khai sáng kiến nghiên cứu hỗ trợ người nghèo và các đối tượng yếu thế tiếp cận thông tin về sản phẩm dịch vụ của NHCSXH thông qua ứng dụng điện thoại. Cụ thể, NHCSXH đã thực hiện dự án “Dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động – Phổ cập dịch vụ tài chính và tạo quyền năng kinh tế cho người thu nhập thấp và phụ nữ ở Việt Nam” (dự án Mobile Banking giai đoạn 2); phối  hợp với Oxfam thực hiện xây dựng App “NHCSXH – GDTC” thuộc sáng kiến “Nghiên cứu khả năng tiếp cận giáo dục tài chính của hộ nghèo và các đối tượng yếu thế thông qua điện thoại di động”. Ứng dụng được triển khai chính thức từ năm 2020 với trên 15 nghìn người đăng ký sử dụng. Việc nghiên cứu giáo dục tài chính cho hộ nghèo và các đối tượng yếu thế thông qua điện thoại di động nhằm cung cấp cho khách hàng một số bài học liên quan đến sản phẩm ngân hàng dành cho khách hàng, kỹ năng về quản lý tiền, chi tiêu, dự toán ngân sách gia đình, tiết kiệm và tín dụng, từ đó khách hàng nâng cao được kiến thức của mình liên quan đến lĩnh vực ngân hàng và tài chính, phát huy hiệu quả sử dụng vốn, từng bước làm quen với công nghệ số đặc biệt là khách hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. 
 
– Ngoài ra, NHCSXH thường xuyên đưa tin, bài, phóng sự về tín dụng chính sách, các văn bản, hướng dẫn về các chương trình cho vay ưu đãi, các dịch vụ khác như tiền gửi tiết kiệm, thanh toán, chuyển tiền và các thông tin hoạt động khác của Ngân hàng. Phát triển các chuyên mục “Gương người tốt, việc tốt”, “Bộ thủ tục giải quyết công việc cho cá nhân và tổ chức của NHCSXH”, “Các chuyên đề đào tạo” trên trang thông tin điện tử của NHCSXH. NHCSXH các cấp thường xuyên phối hợp với các báo, đài, truyền hình trung ương và địa phương triển khai các chương trình truyền thông, giáo dục kiến thức về tài chính. Đặc biệt, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và VTV1 triển khai các chương trình truyền hình “Tiền khéo, tiền khôn”, “Đồng tiền thông thái”.
 
– Thông qua các ứng dụng, các hình thức thông tin, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, NHCSXH không chỉ góp phần giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận dần với công nghệ số, các sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng của NHCSXH, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đặc biệt giúp người dân theo kịp tiến trình phát triển Chính phủ điện tử và dịch vụ công trực tuyến.
 
b) Tuân thủ các quy định bảo vệ quyền lợi cho người vay vốn 
 
NHCSXH áp dụng những biện pháp, quy trình chặt chẽ để đem đến cho khách hàng của NHCSXH môi trường phục vụ tốt nhất, bảo đảm quyền lợi cho khách hàng theo thông lệ quy định của pháp luật Việt Nam.
 
Các chương trình cho vay của NHCSXH đa số đều được áp dụng mức lãi suất ưu đãi, thấp hơn so với lãi suất thị trường để giảm bớt khó khăn về tài chính cho người nghèo và các đối tượng chính sách. Bên cạnh đó, quy trình hoạt động cho vay, thu nợ, thu lãi, nhận tiền gửi tiết kiệm,… của NHCSXH được thực hiện thuận tiện và hoàn toàn không thu phí tại Điểm giao dịch. Điều đó giúp tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Lịch giao dịch xã được ấn định vào ngày cố định để hộ vay dễ nhớ và được niêm yết công khai ngày, giờ để toàn thể Nhân dân thực hiện và giám sát.
 
Hơn nữa, để thuận tiện cho khách hàng, NHCSXH thực hiện ủy nhiệm thu lãi qua tổ TK&VV để người dân không phải mất thời gian đi lại giao dịch với ngân hàng hằng tháng, nhưng riêng đối với nợ gốc, để tránh tối đa rủi ro, NHCSXH quy định rõ người vay thực hiện trả nợ gốc trực tiếp tại Điểm giao dịch xã hoặc tại trụ sở NHCSXH.
 
Đối với những khách hàng gặp rủi ro khách quan, chưa có khả năng trả nợ, NHCSXH áp dụng các chính sách gia hạn nợ, cho vay lưu vụ, khoanh nợ để tạo điều kiện cho khách hàng duy trì sản xuất kinh doanh, có nguồn thu để trả nợ. NHCSXH cũng cung cấp các kênh liên lạc chính thức với khách hàng giúp khách hàng có thể đưa ra phản hồi về chất lượng dịch vụ và nhận được câu trả lời liên quan đến thắc mắc cá nhân của khách hàng. Hiện nay, 100% trụ sở NHCSXH các cấp và các điểm giao dịch xã của NHCSXH đều có đường dây nóng, hòm thư góp ý nhận phản ánh trực tiếp từ khách hàng. Ngoài ra, trang thông tin điện tử của NHCSXH (http://vbsp.org.vn) cũng có mục hỏi đáp để trao đổi, giải đáp những thắc mắc cho khách hàng.
 
2.6. Đánh giá tác động của tín dụng chính sách xã hội trong hỗ trợ giảm nghèo bền vững và thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam
 
Một là, việc thực hiện cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại NHCSXH đạt hiệu quả, góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội; với mạng lưới bao phủ đến tận xã, NHCSXH đã giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ để thực hiện phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, cải thiện đời sống và thoát nghèo bền vững. Trong 10 năm từ 2011 – 2020, nguồn vốn tín dụng chính sách tiếp tục được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, đã có trên 21,6 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, với doanh số cho vay các chương trình tín dụng chính sách đạt 509.020 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã phát huy hiệu quả kinh tế – xã hội, góp phần giúp trên 3,7 triệu lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 2 triệu lao động từ Quỹ Quốc gia về việc làm; giúp 1,5 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 11,6 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; xây dựng hơn 43,6 nghìn căn nhà tránh bão, vượt lũ cho hộ gia đình vùng miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long, hơn 328 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách, hơn 13 nghìn căn nhà ở xã hội; giúp hơn 44 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, giúp 207 doanh nghiệp vay vốn để trả lương cho hơn 8,5 nghìn người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19,…
 
Hai là, tín dụng chính sách xã hội giúp người nghèo được tiếp cận các dịch vụ tài chính phù hợp với giá cả phải chăng. Do đó đã hạn chế được nạn tín dụng đen, tránh được rủi ro, hệ lụy mà tình trạng cho vay nặng lãi mang lại cho những người yếu thế trong xã hội.
 
Ba là, tín dụng chính sách xã hội giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách tăng khả năng tích lũy tài sản, chống chịu trước những cú sốc kinh tế. Đồng thời, tạo niềm tin thúc đẩy nhu cầu đầu tư, kinh doanh, cải thiện năng suất lao động tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
 
Bốn là, tín dụng chính sách xã hội giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách tăng cường kiến thức tài chính, tạo thói quen tiết kiệm, đặc biệt là đối với những người có thu nhập thấp, luôn sống dưới áp lực tài chính, thiếu kỹ năng quản lý dòng tiền, làm cho họ trở thành nhóm dễ bị tổn thương.
 
Năm là, tín dụng chính sách xã hội giúp tăng cường quốc phòng an ninh địa phương, khu vực và trên cả nước. Khi cuộc sống của người dân yếu thế trong xã hội được ổn định, chất lượng cuộc sống được nâng lên sẽ tạo được niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Chính phủ. Thực hiện tín dụng chính sách là sự gắn kết giữa NHCSXH với chính quyền, với các tổ chức chính trị – xã hội, với người dân sẽ tạo thành một sức mạnh tổng thể giúp thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng. 
 
Tín dụng chính sách xã hội giúp hộ nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị, xã hội cũng là mục tiêu phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam.
 
2.7. Một số tồn tại, hạn chế của tín dụng chính sách trong giảm nghèo bền vững và thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam
 
Bên cạnh những thành quả đạt được, tín dụng chính sách xã hội tại NHCSXH vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong giảm nghèo bền vững và thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam:
 
Thứ nhất, nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách. Một số địa phương dành nguồn lực từ ngân sách để cho vay người nghèo và các đối chính sách khác trên địa bàn còn thấp. Một số chương trình tín dụng chính sách có thời hạn cho vay dài, nhưng chưa cân đối được nguồn lực tương ứng nên gây khó khăn trong việc tập trung nguồn lực để đáp ứng nhu cầu vay vốn của đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội. Mặc dù nguồn vốn hiện nay của NHCSXH cơ bản đáp ứng được nhu cầu vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách nhưng NHCSXH vẫn cần có các nguồn vốn có thời hạn dài, lãi suất thấp để hỗ trợ giảm nghèo bền vững.
 
Thứ hai, vẫn còn một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác rà soát, bổ sung kịp thời danh sách hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Do đó làm ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.
 
Thứ ba, chất lượng tín dụng chính sách xã hội chưa đồng đều giữa các khu vực trong cả nước, một số địa phương tỷ lệ nợ quá hạn còn cao, nhất là các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
 
Thứ tư, đối tượng thụ hưởng tại một số chương trình tín dụng như cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi mới chỉ giới hạn trong phạm vi nhất định, các hộ gia đình có mức sống trung bình chưa được tiếp cận. 
 
Thứ năm, tại một số nơi, công tác phối hợp giữa các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm của các tổ chức Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp và các tổ chức chính trị – xã hội với hoạt động tín dụng chính sách chưa thật sự được gắn kết, dẫn đến một bộ phận người nghèo sử dụng vốn vay chưa hiệu quả, chưa thoát nghèo bền vững.
 
Thứ sáu, trình độ dân trí của hộ vay vốn, tổ TK&VV về kiến thức tài chính còn hạn chế nên cũng làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn vay. Ngoài ra, sự vào cuộc của một số chính quyền địa phương, tổ chức chính trị – xã hội và trình độ của một số Ban quản lý tổ TK&VV còn hạn chế trong tuyên truyền các chương trình tín dụng nói riêng và các dịch vụ tài chính của NHCSXH nói chung đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
 
Thứ bảy, việc tập trung nguồn lực cho công nghệ thông tin còn hạn chế, hạ tầng công nghệ thông tin hiện nay tại NHCSXH chưa thể cung cấp các dịch vụ tài chính trực tuyến cho khách hàng như Internet Banking, Mobile Banking, dịch vụ thẻ ngân hàng,…
 
2.8. Một số giải pháp, đề xuất kiến nghị khắc phục tồn tại, hạn chế
 
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, góp phần giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách thoát nghèo bền vững và thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam, cần thực hiện một số giải pháp và đề xuất kiến nghị sau:
 
Thứ nhất, NHCSXH tiếp tục phối hợp với các tổ chức có liên quan triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; bám sát Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng. Mở rộng các hình thức huy động vốn và đa dạng hóa nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách theo chuẩn nghèo đa chiều. Đẩy mạnh các mối quan hệ hợp tác để tiếp cận được các nguồn vốn giá rẻ, thời gian dài và lãi suất thấp để đáp ứng được ngày càng nhiều các đối tượng thụ hưởng nhằm hỗ trợ giảm nghèo bền vững.
 
Thứ hai, tăng cường nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tín dụng chính sách, từng bước mở rộng và đa dạng hóa dịch vụ tài chính của NHCSXH phù hợp với đối tượng vay vốn của NHCSXH để đáp ứng mục tiêu tài chính toàn diện. Để hoàn thiện và phát triển các dịch vụ tài chính, trước tiên cần hoàn thiện hạ tầng và cải tiến các dịch vụ tiền gửi, dịch vụ chuyển tiền, thanh toán qua thẻ, mở tài khoản để phục vụ không chỉ khách hàng của hệ thống mà cho tất cả người dân tại các địa bàn hoạt động. Từng bước tiến tới xây dựng và phát triển một số dịch vụ tài chính khác như thanh toán online, thanh toán qua điện thoại di động,…
 
Thứ ba, tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
 
Thứ tư, lồng ghép chương trình tín dụng chính sách với các chương trình kinh tế – xã hội khác; việc cho vay phải phối hợp đồng bộ với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn và tiêu thụ sản phẩm, đồng thời, nhân rộng mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả ở từng địa phương. Có như vậy, hộ nghèo và các đối tượng chính sách mới thoát nghèo bền vững.
 
Thứ năm, nâng cao vai trò, trách nhiệm hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong việc xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ chính trị trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên; thực hiện rà soát, bổ sung danh sách hộ nghèo và các đối tượng chính sách để tạo điều kiện cho các đối tượng kịp thời vay vốn. Đồng thời, thực hiện phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp, các ngành đối với tín dụng chính sách.
 
Thứ sáu, đề nghị Chính phủ cùng các bộ, ngành tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ NHCSXH xây dựng và thực thi Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để thực hiện thành công Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam theo Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đối với NHCSXH: “Tập trung thống nhất chức năng tín dụng chính sách từ các ngân hàng thương mại sang NHCSXH; phát triển NHCSXH thành tổ chức có khả năng tự chủ và phát triển ổn định lâu dài, đồng thời duy trì được vai trò là định chế tài chính công thực hiện các chính sách xã hội của Chính phủ; tập trung vào những lĩnh vực mà các tổ chức tài chính hoạt động theo nguyên tắc thị trường không thể đáp ứng hoặc chỉ đáp ứng được một phần”. 
 
Thứ bảy, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành và các tổ chức trong nước, nước ngoài hỗ trợ các chương trình chuyển giao công nghệ đào tạo giáo dục tài chính cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách để nâng cao ý thức, kiến thức tài chính cho hộ nghèo để họ tự tin vươn lên thoát nghèo.
 
3. Kết luận
 
Trong nhiều năm qua, NHCSXH đã thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tiến hành các bước đi cần thiết để thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam như: Mở rộng tiếp cận khách hàng; thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách; phát triển các sản phẩm dịch vụ tài chính cơ bản, hướng đến những đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện; tăng cường công nghệ số trong quản lý tín dụng chính sách; triển khai thực hiện giáo dục tài chính và tuân thủ các quy định bảo vệ quyền lợi cho người vay vốn. 
 
Có thể thấy, tín dụng chính sách xã hội tại NHCSXH đang đi theo hướng tiếp cận và phục vụ khách hàng thân thiện, hiệu quả, đáp ứng những nhu cầu cơ bản về tài chính, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách yên tâm vay vốn từ ngân hàng để phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời, góp phần hình thành thị trường tài chính nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó đã hạn chế được nạn cho vay nặng lãi, giảm bớt tình trạng bán, gán ruộng đất, lúa non ở khu vực nông thôn.
 
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội,… hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH đã gặt hái những thành công đáng khích lệ, đã được đánh giá cao là một giải pháp rất sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, là một trong những trụ cột của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
 
1. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
 
2. Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030.
 
3. Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
 
4. Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
 
5. Báo cáo kết quả hoạt động của NHCSXH các năm: 2016, 2017, 2018, 2019, 2020.
 
6. Báo cáo Kết quả thực hiện Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 – 2020.
 
7. Báo cáo tình hình triển khai kế hoạch hành động của NHCSXH thực hiện tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
 
8. Báo cáo kết quả hoạt động Trung tâm Đào tạo NHCSXH năm 2020.

ThS. Trần Minh Hiếu – ThS. Phạm Thanh An
 
Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam

Tạp chí Ngân hàng số 14/2021

Chia sẻ :


Bài viết liên quan

Tỷ phú Jack Ma: Người khó chiều nhất chính là những người nghèo!

Kết luận của tôi là

Chia sẻ :


Năm 2022 và 2023 sẽ giảm 1% lãi vay ngân hàng?

Trả lời kiến nghị cử tri, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh: năm 2022 và 2023 sẽ giảm lãi vay khoảng 1% nhưng không thay…

Chia sẻ :


Chú trọng tạo sinh kế cho người dân, khuyến khích thanh niên về quê lập nghiệp

“Thay vì hỗ trợ người dân một khoản tiền nhất định nào đó thì nên tạo việc làm từ nguồn hỗ trợ, tìm giải pháp để người dân ổn định cuộc sống, thoát nghèo một cách chắc chắn”..

Chia sẻ :


Chủ tịch Quốc hội: ‘Doanh nghiệp lỗ rồi lấy gì mà giãn, hoãn, giảm thuế?’

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, chính sách tài khóa và tiền tệ cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp. Bởi hiện tại nếu các doanh nghiệp đang lỗ thì lấy gì để hưởng chính sách giãn, hoãn, giảm thuế.

Chia sẻ :


Khủng hoảng chi phí sinh hoạt: San sẻ từ chiếc bánh chung

“Khủng hoảng chi phí sinh hoạt” (cost of living crisis) đã trở thành một thuật ngữ quen thuộc với hầu như mỗi người nào đọc báo hay xem truyền hình, thậm chí là… chơi game ở Anh.

Chia sẻ :


Hơn 84.000 tỉ đồng làm 3 dự án đường bộ cao tốc phía Nam

Theo Bộ Giao thông vận tải, việc sớm đầu tư 3 dự án đường bộ cao tốc sẽ giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Chia sẻ :


Thủ tướng làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Ngày 24/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1619/QĐ-TTg kiện toàn và đổi tên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử thành Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban…

Chia sẻ :


Bế mạc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV

Chiều 28/7, Quốc hội đã bế mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV sau 9 ngày làm việc liên tục, khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, đoàn kết, trí tuệ và trách nhiệm.

Chia sẻ :


Hơn 24 triệu đối tượng được hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ

Theo báo cáo của 63 Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố, đến nay tổng kinh phí thực hiện gói 26.000 tỷ trên toàn quốc đạt gần 21,89 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho hơn 24 triệu đối tượng…

Chia sẻ :


Doanh nhân Vũ Văn Tiền: ‘Thời điểm này, nếu không mở cửa thị trường và sản xuất thì không chết vì COVID-19, mà chết vì đói nghèo’

Tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương, về giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trước tác động của đại dịch, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco cho biết: “Hiện nay, nếu không mở cửa thị trường và sản xuất, thì không chết vì COVID-19 mà chết vì đói nghèo”.

Chia sẻ :


Phản hồi

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *