Startup khai thác hố sụt Kong Collapse tại Quảng Bình lên Shark Tank gọi vốn 12 tỷ: Shark Hưng và Shark Hùng Anh tranh nhau đấu giá vé vàng để giành quyền đàm phán
Startup mở màn cho Shark Tank Việt Nam mùa 5 là Jungle Boss – công ty hoạt động ở mảng du lịch mạo hiểm, khám phá hang động ở Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng tỉnh Quảng Bình. Đại diện Jungle Boss đến Shark Tank gọi vốn là Lê Lưu Dũng – Nhà sáng lập và điều hành của công ty. Theo đó, Lưu Dũng đến chương trình để kêu gọi 12 tỷ cho 10% cổ phần công ty và bày tỏ mong muốn đồng hành cùng các Shark để mang con người đến gần hơn với thiên nhiên và vượt qua giới hạn của bản thân mình.
Theo giới thiệu của nhà sáng lập, hiện Jungle Boss đang khai thác 8 sản phẩm du lịch mạo hiểm với nhiều cấp độ, dành cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Trong đó, sản phẩm du lịch khám phá hố sụt Kong Collapse với trải nghiệm đu dây 100m thẳng đứng ở trong lòng hang động là tour du lịch chiếm số lượng khách và nguồn doanh thu lớn nhất của Jungle Boss tại thời điểm hiện tại, với giá bán tour 5 ngày 4 đêm là 35 triệu đồng/người. Sản phẩm này đã được Ủy ban tỉnh thẩm định và cấp phép để làm độc quyền sau khi nhận được đề án khai thác từ Jungle Boss.
Lưu Dũng cũng cho biết, từ năm 2016 đến nay, Jungle Boss đã đón khoảng hơn 40.000 lượt khách. Kênh bán hàng chủ yếu của Jungle Boss là online, chiếm đến 90%. Trước đại dịch, số lượng khách nước ngoài chiếm 90%, khách Việt Nam chiếm 10%, tuy nhiên sau đại dịch thì con số quay ngược lại, khách Việt Nam chiếm đến 90%.
Khi được các Shark hỏi về doanh thu và lợi nhuận trước đại dịch, nhà sáng lập Jungle Boss chia sẻ, doanh thu năm 2018 là 17 tỷ, lợi nhuận 4 tỷ; năm 2019 là năm đạt đỉnh điểm doanh thu với con số 23 tỷ, lợi nhuận 5 tỷ.
Trả lời thắc mắc của Shark Bình về khả năng mở rộng quy mô để tăng doanh thu, Lưu Dũng cho biết, những năm trước chưa có tour đu dây, sản phẩm thời điểm đó đơn giản, giá thành rẻ dẫn đến doanh thu không cao. Tuy nhiên, hiện nay, sản phẩm tour đu dây đang thu hút rất nhiều khách, giá tour cũng cao nên khả năng tăng doanh số là hoàn toàn khả thi. Anh cũng tiết lộ, 4 tháng đầu năm, Jungle Boss đã bán được tour đu dây này cho gần 500 khách. Anh cũng cho biết, với 8 sản phẩm của Jungle Boss, công ty chỉ mới đạt khoảng chưa tới 30% công suất.
Nhà sáng lập chia sẻ thêm, hiện công ty sẽ phát triển thêm 2 sản phẩm nữa để tăng doanh thu đó là dù lượn và glamping – cắm trại cao cấp. Anh kêu gọi 12 tỷ từ các Shark chính là để đầu tư phát triển các sản phẩm mới.
Là một nhà đầu tư quan tâm đến vấn đề môi trường, Shark Liên đặt ra câu hỏi cách mà Jungle Boss đã làm để vẫn tăng doanh số nhưng vẫn bảo vệ được hệ sinh thái của khu du lịch. Lưu Dũng liền tiết lộ, mình xuất thân là từ một nhà bảo tồn thiên nhiên, từng làm bảo tồn thiên nhiên cho một dự án của Đức và sau đó mới chuyển qua làm du lịch. Anh đã có những đề án nghiên cứu để vừa phát triển kinh doanh, vừa bảo vệ môi trường, thiên nhiên và hang động.
Jungle Boss đã có các phương án bảo tồn, bảo vệ môi trường để được Ủy ban tỉnh phê duyệt. Số lượng khách phải hạn chế để phù hợp với sức chứa của hang động và đảm bảo an toàn cho khách. Tất cả thức ăn, trang thiết bị đều được nhân viên phục vụ mang vác vào hang và đưa ra, kể cả rác thải. Lưu Dũng cho biết nhà vệ sinh được làm dưới dạng compost – ủ vi sinh, dùng bằng trấu để ủ, để hút ẩm và du khách không được đi vệ sinh bừa bãi.
Shark Phú thắc mắc: “Doanh số 23 tỷ, lãi 5 tỷ thì thừa sức để tái đầu tư rồi. Mức lợi nhuận của em rất tốt thì lý do gì em cần phải gọi vốn”. Chính vì vậy, Shark Phú muốn nghe thêm về sứ mệnh và tầm nhìn của Jungle Boss cũng như khả năng tăng trưởng của công ty trong dài hạn có tương ứng với vốn cần thiết.
Trả lời Shark Phú, Lưu Dũng chia sẻ, anh dự định sẽ nhân rộng mô hình này ra các địa phương khác. Anh cũng bày tỏ kỳ vọng, năm nay doanh thu dự kiến sẽ là 20 tỷ nhưng sang năm sẽ rơi vào khoảng 60 tỷ và các năm tiếp theo thì sẽ đạt mốc 100 tỷ.
Shark Phú và Shark Hưng tiếp tục hỏi thêm về số lãi 5 tỷ mà Jungle Boss đã đạt được trong năm 2019 cũng như giá trị tổng tài sản của doanh nghiệp. Đứng trước câu hỏi về các con số của các Shark, nhà sáng lập Jungle Boss có phần lúng túng nhưng sau cùng, anh cũng cho biết, tổng tài sản của mình rơi vào khoảng 32 tỷ, trong đó vốn chủ là 25 tỷ và nợ ngân hàng 7 tỷ. Lưu Dũng cũng cho biết, nếu gọi vốn thành công, mình sẽ đầu tư mở rộng chứ không đi trả nợ ngân hàng ngay.
Cho rằng với tỷ suất lợi nhuận hiện tại, startup không cần gọi thêm vốn, đồng thời lĩnh vực hoạt động của Jungle Boss không tương đồng với hệ sinh thái Sunhouse nên Shark Phú từ chối đầu tư.
Shark Liên cũng quyết định không đầu tư nhưng Shark cam kết sẽ trở thành đơn vị cung cấp bảo hiểm cho Jungle Boss với mức phí hấp dẫn “và chị sẽ trích ra một phần để cùng các em trồng rừng, chị cũng sẽ giới thiệu khách hàng cho em” – Shark Liên nói.
Sau khi hai Shark “rời bể”, 3 Shark còn lại là Shark Hùng Anh, Shark Hưng và Shark Bình đều quyết định đầu tư cho Jungle Boss. Nếu như Shark Hưng ra deal 12 tỷ cho 28,5%, Shark Bình là 12 tỷ cho 25% thì Shark Hùng Anh quyết định tăng số vốn rót cho Jungle Boss với offer (đề nghị) 20 tỷ cho 30%. Các Shark liên tục chiêu dụ startup bằng những thế mạnh vốn có của mình cũng như cách sẽ giúp Jungle Boss phát triển trong tương lai.
Bất ngờ Shark Hưng tiến đến két vàng rút ra chiếc vé vàng – Golden Ticket để giành quyền ưu tiên đàm phán với startup. Shark Hùng Anh cũng lấy chiếc vé vàng thứ 2, loại Shark Bình khỏi “cuộc đua”.
Ngay sau khi Shark Hưng đưa ra con số 100 triệu cho chiếc vé vàng của mình, Shark Hùng Anh liền nâng lên 150 triệu. Hai Shark tiếp tục “giằng co”, con số trên vé vàng liên tục tăng lên, từ 160 triệu, 200 triệu, 250 triệu, 270 triệu, 300 triệu, 310 triệu. Sau cùng, Shark Hưng chốt con số 400 triệu trên vé vàng, chính thức loại Shark Hùng Anh khỏi vòng thương thuyết với startup.
Trở lại với cuộc thương thuyết với startup, trong khi Shark Hưng kiên định với con số 12 tỷ cho 25% thì Lưu Dũng thuyết phục Shark đồng ý với con số 20%. Sau quá trình thương thảo, Lưu Dũng chấp nhận đề nghị đầu tư của Shark Hưng với 12 tỷ cho 25% cổ phần, đưa Jungle Boss trở thành thương vụ thành công đầu tiên của Shark Tank mùa 5.
Chia sẻ sau khi được cam kết đầu tư, Lưu Dũng cho biết đây là deal cực kỳ đặc biệt với mình. “Golden Ticket nó thể hiện cho sự quan tâm đặc biệt của các Shark đối với Jungle Boss. Và mình cảm thấy rất hào hứng và đã sẵn sàng để cùng sự đồng hành của Shark phát triển Jungle Boss” – Lưu Dũng nói.
Shark Tank Việt Nam mùa 5 áp dụng hai luật chơi mới Golden Ticket và Duel Pitch
Tiếp tục sứ mệnh kết nối các công ty khởi nghiệp với các nhà đầu tư, Shark Tank Việt Nam chính thức quay trở lại mùa 5 vào 20h00 tối chủ nhật hàng tuần trên VTV3, bắt đầu phát sóng tập 1 từ 5/6/2022.
Bên cạnh nguồn vốn từ các Quỹ đầu tư, Shark Tank Việt Nam mong muốn sẽ khơi thông dòng vốn từ các tập đoàn kinh tế, các nhà đầu tư cá nhân nhằm đa dạng hóa các kênh rót vốn cho các công ty khởi nghiệp Việt Nam.
Shark Tank mùa này áp dụng thêm hai luật chơi mới là Golden Ticket – Vé vàng giành quyền ưu tiên đàm phán và Duel Pitch – Song đấu, tăng thêm sự kịch tính đồng thời mang đến nhiều cơ hội hơn cho startup.
Với luật Golden Ticket, Shark sẽ sử dụng Golden Ticket khi muốn chiêu mộ startup và loại các Shark khác để giành quyền ưu tiên đàm phán với startup. Golden Ticket có giá trị khởi điểm là 100 triệu đồng. Shark có quyền tăng giá trị mỗi lần trả giá với mức tối thiểu là 10 triệu đồng và không giới hạn khoản tăng tối đa. Khoản tiền Shark trả cho Golden Ticket sẽ thuộc về startup, kể cả trong trường hợp thương thuyết hoặc thẩm định sau cam kết trên sóng không thành công.
Điểm mới thứ 2 của Shark Tank Việt Nam mùa 5 là luật Duel Pitch – Song đấu. Luật Song đấu dành cho 2 sản phẩm có cùng lĩnh vực tham gia gọi vốn. Sau màn thuyết trình, chỉ có 1 startup được tiếp tục đi vào vòng gọi vốn và 1 startup phải ra về với đặc quyền trở lại Shark Tank vào mùa tiếp theo.
Phản hồi