Một “ông lớn” ngân hàng muốn bán khoản nợ xấu gần 400 tỷ đồng của doanh nghiệp gắn liền tuổi thơ của thế hệ 7X, 8X, 9X
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam – Chi nhánh Bắc Phú Thọ (VietinBank Bắc Phú Thọ) vừa thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá khoản nợ của Công ty Cổ phần Giấy BBP (tên cũ Công ty cổ phần giấy Bãi Bằng – Giấy Bãi Bằng).
Theo thông tin được VietinBank công bố, dư nợ của Giấy Bãi Bằng tại chi nhánh tạm tính đến thời điểm ngày 31/5/2022 là gần 388 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc gần 213 tỷ và nợ lãi là hơn 175 tỷ đồng.
Công ty Giấy Bãi Bằng có địa chỉ tại khu Tầm Vông, thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Ông Đỗ Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT hiện đang là người đại diện theo pháp luật của Giấy Bãi Bằng.
Giấy Bãi Bằng là tên tuổi “vang bóng một thời” của ngành giấy Việt Nam. Đây cũng là cái tên gắn liền với tuổi thơ của thế hệ 7x, 8x và 9x với những quyển vở xanh, có hình ảnh cậu bé cưỡi trâu.
Ông lớn ngành giấy vật lộn với thua lỗ
Nhà máy Giấy Bãi Bằng được thành lập vào cuối năm 1982 với sự giúp đỡ về tài chính và công nghệ của chính phủ Thụy Điển. Ban đầu, Giấy Bãi Bằng chỉ gồm một nhà máy sản xuất giấy.
Năm 2002, nhà máy được mở rộng, nâng công suất từ 48.000 tấn bột, 55.000 tấn giấy lên 61.000 tấn bột và 100.000 tấn giấy. Năm 2006, Công ty Giấy Bãi Bằng trở thành một thành viên của Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco), đóng góp hơn 50% sản lượng giấy in và giấy viết của tổng công ty này.
Nhìn lại hai thập niên qua, ngoại trừ vàng mã, phần lớn nhu cầu liên quan đến giấy của người Việt đều tăng. Tổng lượng tiêu thụ giấy của Việt Nam tăng với tỷ lệ hai con số trong suốt hơn 10 năm qua, giờ đã đạt trên 5 triệu tấn một năm và xuất khẩu giấy trên 1,5 triệu tấn. Nhưng Vinapaco nói chung và Nhà máy Giấy Bãi Bằng nói riêng lại nằm ngoài bức tranh sôi động ấy.
Trong một lần trả lời báo chí, ông Mạc Mạnh Đang, Phó Tổng giám đốc đương nhiệm Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco), thừa nhận khó khăn lớn nhất mà Vinapaco và Nhà máy Giấy Bãi Bằng đang đối mặt chính là việc không thoát khỏi các di sản thời trước Đổi mới: từ dây chuyền sản xuất cho đến cây giống đều là sản vật từ 30 – 40 năm trước.
Trong giai đoạn 2011 – 2015, Giấy Bãi Bằng trượt dài trong thua lỗ. Theo bản báo cáo công nợ tại BBP giai đoạn 2011-2016 của Ban kiểm soát nội bộ Vinapaco, năm 2011 đơn vị này phát sinh khoản công nợ khó đòi lên tới hơn 31 tỷ đồng. Đến hết năm 2014, Công ty BBP ghi nhận lỗ lũy kế hơn 210 tỷ trên tổng số hơn 218,5 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, đồng nghĩa mất 96,4% vốn chủ sở hữu. Năm 2015, Công ty BBP tiếp tục lỗ thêm hơn 45 tỷ đồng và phải tạm dừng toàn bộ hoạt động.
Trong báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán gần nhất được Vinapaco công bố, cái tên Bãi Bằng chỉ xuất hiện nổi bật ở phần nợ phải thu với gần 38 tỷ chưa thể thu hồi vào cuối năm 2017. Trong đó, Vinapaco đã dự phòng toàn bộ cho khoản nợ này của Giấy Bãi Bằng. Năm 2017, hiện trạng của công ty này được cho là một trong những lý do chính khiến Tổng giám đốc Vinapaco bị thay thế.
Phản hồi