Doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu gấp 47 lần vốn chủ sở hữu
Bộ Tài chính vừa gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 và quý 1/2022. Báo cáo đã “điểm mặt” top 20 doanh nghiệp bất động sản có lượng phát hành trái phiếu nhiều nhất năm qua.
VAY NỢ QUA TRÁI PHIẾU GẤP 47 LẦN VỐN CHỦ SỞ HỮU
Theo Bộ Tài chính, năm 2021 ghi dấu mức phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt kỷ lục 639.766 tỷ đồng, tăng gần 39% so với năm 2020. Trong đó, trái phiếu phát hành riêng lẻ chiếm tới gần 95%, tương đương 605.520 tỷ đồng, tăng tương ứng 39% so với năm liền trước.
Nhiều năm gần đây, nhóm doanh nghiệp bất động sản thường xuyên so kè thứ hạng nhất nhì với nhóm ngân hàng trong phát hành trái phiếu với giá trị “khủng”. Riêng năm 2021, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp của nhóm công ty bất động sản phát hành lên tới hơn 212.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tính riêng tổng khối lượng trái phiếu phát hành của top 20 doanh nghiệp bất động sản có lượng phát hành trái phiếu nhiều nhất đạt trên 100.054 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành.
Bước sang quý 1 năm 2022, khối lượng phát hành riêng lẻ vẫn tích cực, đạt 104.752 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp của nhóm công ty bất động sản phát hành trong quý 1 cũng đạt hơn 47.000 tỷ đồng.
Vào tháng 4/2022, sau khi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thông báo hủy các đợt phát hành trái phiếu của 3 công ty liên quan đến Tân Hoàng Minh, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sụt giảm mạnh tới 33% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tổng khối lượng phát hành trái phiếu của nhóm bất động sản quay đầu đảo chiều giảm sâu, chỉ còn chiếm tỷ trọng 11,6%.
Theo Bộ Tài chính, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản có tỷ lệ khối lượng phát hành lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu đáng báo động. Điều này gây nên tiềm ẩn rủi ro không chỉ cho nhà đầu tư mà cho cả hệ thống tài chính tiền tệ. Trong đó, có 10 doanh nghiệp phát hành có tỷ lệ khối lượng phát hành gấp trên 5 lần vốn chủ sở hữu.
Báo cáo của Bộ Tài chính nêu rõ, có doanh nghiệp bất động sản có khối lượng phát hành trái phiếu lớn nhất năm vừa qua lên tới 9.650 tỷ đồng với lãi suất 10,7%/năm. Doanh nghiệp này có vốn chủ sở hữu hơn 14.032 tỷ đồng; tỷ lệ trái phiếu phát hành trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp địa ốc này vào khoảng 68,8%.
Xếp “á quân” về khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 là Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát với 8.000 tỷ đồng, gấp 4 lần vốn chủ sở hữu với lãi suất 10%/năm.
Tiếp đó, Công ty cổ phần Osaka Garden phát hành 7.700 tỷ đồng, gấp 28,5 lần vốn chủ sở hữu, với lãi suất là 11,1%, chỉ xếp sau Công ty cổ phần Hoàng Phú Vượng với “mồi nhử” lãi suất cao nhất lên đến gần 13%.
Đáng chú ý, Công ty TNHH Kinh doanh Bất động sản Mediterranena Revival Villas phát hành thành công 7.200 tỷ đồng với mức độ cảnh báo cao nhất khi khối lượng phát hành/vốn chủ sở hữu lên đến hơn 47 lần với lãi suất trái phiếu là 8%/năm.
Bên cạnh đó, trong nhóm 20 doanh nghiệp bất động sản có lượng phát hành trái phiếu nhiều nhất năm vừa qua, còn nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu với tỷ lệ gấp hàng chục lần vốn chủ sở hữu như Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát gấp 4 lần; Công ty cổ phần Hoàng Phú Vương và Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Residence cùng gấp khoảng 6 lần…
Bình luận về điều này, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh chia sẻ, trước đây, theo quy định tại Nghị định 81/2020/NĐ-CP ngày 9/7/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 4/12/2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, mức dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành (bao gồm cả khối lượng dự kiến phát hành) không được vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu, theo báo cáo tài chính quý gần nhất tại thời điểm phát hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tuy nhiên, đến khi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế ban hành ngày 31/12/2020, quy định trên đã được gỡ bỏ. Thay vào đó, Nghị định 153 quy định kỳ hạn và khối lượng trái phiếu do doanh nghiệp phát hành quyết định đối với từng đợt chào bán căn cứ vào nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp.
Cũng theo vị chuyên gia này, nhiều quốc gia quy định rất rõ ràng về tỷ lệ cụ thể vốn vay (trong đó có trái phiếu doanh nghiệp) trên vốn tự có, như tại Canada tỷ lệ này 2:1, Trung Quốc 2:1 với doanh nghiệp thông thường. Bởi doanh nghiệp với khả năng quản lý có giới hạn nhưng huy động lượng vốn quá lớn thì khó lòng quản lý, sử dụng hiệu quả và khả năng trả nợ cũng kém.
Bên cạnh đó, hàng loạt rủi ro tiềm ẩn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua cũng được Bộ Tài chính bóc trần như hiện tượng nhà đầu tư cá nhân không chuyên “lách” quy định của pháp luật để mua trái phiếu riêng lẻ; doanh nghiệp phát hành yếu kém có khối lượng phát hành lớn; một số tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu vì lợi ích trước mắt xây dựng hồ sơ chào bán có lợi cho doanh nghiệp mà không cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà đầu tư…
XỬ NGHIÊM DOANH NGHIỆP PHÁT HÀNH “CHUI”
Để lập lại trật tự thị trường, trong năm 2021, Bộ Tài chính chỉ đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước triển khai các đoàn kiểm tra tại các công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp và một số doanh nghiệp bất động sản.
Theo đó, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức đoàn kiểm tra tại 09 công ty chứng khoán và 02 doanh nghiệp bất động sản.
Apec Group phải nộp phạt 600 triệu đồng do thực hiện chào bán trái phiếu ra công chúng nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định, đồng thời, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán và hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra tình hình phát hành và cung cấp dịch vụ, đáng chú ý, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước “mạnh tay” ban hành 3 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 tổ chức phát hành trái phiếu, trong đó có Công ty cổ phần Tập đoàn Apec Group và 1 tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn phát hành trái phiếu là Công ty cổ phần chứng khoán Quốc tế Việt Nam.
Để hút được tiền qua trái phiếu, Apec Group từng đưa ra “mồi nhử” lãi suất cao lên tới 13%/năm nhưng sau đó bị cơ quan quản lý xử phạt vi phạm vì phát hành “chui” .
Ghi nhận tại ngày 13/05/2022, APEC Group hoàn trả toàn bộ hơn 507 tỷ đồng giá trị trái phiếu cần hoàn trả và báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Không dừng ở những sai phạm trong lĩnh vực chứng khoán, Apec Group cũng vướng hàng loạt sai phạm trong hoạt động kinh doanh bất động sản.
Trong bối cảnh đó, ngày 3/4/2022, căn cứ hồ sơ, tài liệu và đề nghị của cơ quan có thẩm quyền về việc hủy bỏ 9 đợt phát hành trái phiếu của Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Cung điện Mùa đông, Công ty Soleil thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh do có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định số 181/QĐ-UBCK hủy bỏ 9 đợt chào bán với tông trị giá 10.030 tỷ đồng.
GIẢI PHÁP NẮN CHỈNH THỊ TRƯỜNG TRONG NĂM 2022
Bộ Tài chính khẳng định, năm 2022, khi kinh tế bắt đầu phục hồi sau Covid-19, nhu cầu huy động vốn của các doanh nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục tăng.
Bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng, các doanh nghiệp sẽ tăng cường huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu, bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và trái phiếu doanh nghiệp chào bán ra công chúng.
Tuy nhiên, việc thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nóng, không bền vững sẽ ảnh hưởng chung đến thị trường tài chính, ảnh hưởng đến nhu cầu huy động vốn hợp pháp của các doanh nghiệp đề đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh.
Vì vậy, trong năm 2022, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi khung khổ pháp lý để khắc phục các tồn tại trong thời gian qua, tăng cường quản lý, giám sát để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển theo hướng minh bạch, an toàn và bền vững.
Đề cập đến kế hoạch triển khai các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2022, Bộ Tài chính chỉ rõ, đầu tiên là rà soát, hoàn thiện khung pháp lý.
Theo đó, trên cơ sở tổng hợp ý kiến các bộ, ngành và thành viên thị trường, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153 về hoạt động chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhằm hạn chế những rủi ro trên thị trường.
Song song với việc ban hành Thông tư, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật để vận hành ngay thị trường giao dịch thứ cấp trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ…
Nhằm khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hóa các loại hình trái phiếu doanh nghiệp phù hợp với nhu cầu huy động vốn, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng quy chuẩn phát hành trái phiếu xanh để vừa tạo kênh huy động vốn cho các doanh nghiệp, vừa thu hút thêm các nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước; đồng thời, phát triển các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), trái phiếu dự án để thúc đẩy thị trường vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng.
Thứ hai, về thanh tra, kiểm tra và phối hợp trong quản lý, giám sát thị trường, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp các bộ, ngành trong quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bao gồm thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Bộ Tài chính sẽ giám sát việc phát hành và cung cấp dịch vụ của các công ty chứng khoán, tổ chức tín dụng, một số doanh nghiệp phát hành có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao…
Đồng thời, phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan nắm bắt tình hình, tiếp nhận thông tin, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật để xử lý theo quy định và công bố rộng rãi các đối tượng và hành vi vi phạm.
Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh thông tin tuyên truyền; thúc đẩy dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, từ đó, nâng cao chất lượng các trái phiếu được chào bán, phát hành và bổ sung công cụ cho nhà đầu tư đánh giá rủi ro trước khi mua trái phiếu; phát triển cơ sở nhà đầu tư, trong đó, ưu tiên phát triển nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức, thúc đẩy các định chế tài chính trung gian như doanh nghiệp bảo hiểm, các loại hình quỹ đầu tư, hệ thống quỹ hưu trí…
Phản hồi