Vị ngọt chứng khoán đã phai?
VN-Index liên tục dậm chân quanh mức 1,500 điểm, thị trường chứng khoán dần khó kiếm tiền hơn. Phải chăng chứng khoán không còn sức hút như trước?
Khác với giai đoạn thăng hoa trong 2 năm 2020 – 2021, chứng khoán vào đầu năm 2022 đang dần khó kiếm tiền hơn. VN-Index đã giằng co quanh vùng giá 1,500 điểm khá lâu, đà tăng có vẻ đang chững lại. Nhiều nhóm cổ phiếu sinh lời thời gian trước như ngân hàng, chứng khoán, thép… liên tục giảm điểm. Nhóm vốn hóa lớn cũng không khá hơn. 17/30 cổ phiếu VN30 giảm điểm so với đầu năm (tính đến 11/03). Sau khi cơn sốt cổ phiếu bất động sản tụt áp vì cú bỏ cọc của Tân Hoàng Minh trong vụ đấu giá đất Thủ Thiêm, nhiều nhà đầu tư nhận ra chứng khoán không phải chỉ có màu hồng.
Từ cuối tháng 2/2022, rủi ro địa chính trị và kinh tế vĩ mô lớn dần với sự kiện xung đột Nga – Ukraine. Lạm phát đang đe dọa kỷ nguyên tiền rẻ kết thúc sớm hơn so với dự tính. Có phải chứng khoán đang mất đi sức hút?
Chia sẻ với người viết, anh Đăng Kiên (27 tuổi) cho biết vẫn đang quan tâm nhiều tới chứng khoán. Gần đây anh thường tìm kiếm các mã cổ phiếu tiềm năng, đọc phân tích báo cáo tài chính để “vào hàng”. Mới nhất, anh mua một mã cổ phiếu dầu khí và xây dựng. Do đầu tư chú trọng vào nội tại doanh nghiệp, nhờ vậy, anh Kiên không bị làn sóng đầu cơ tăng nóng vừa rồi “đánh úp”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đi tìm cơ hội mới như vậy. Anh N.L (30 tuổi) cho biết vẫn đang kẹp hàng nhiều cổ phiếu. Năm rồi, anh đã dùng khoản chốt lãi 30% để giải ngân mua mới, nhưng phần lớn danh mục hiện tại của anh đều đang giảm. Nhà đầu tư này bất đắc dĩ phải nắm giữ dài hạn. Gần đây, anh không quan tâm nhiều tới diễn biến thị trường hay tìm cơ hội mới vì tiền đã nằm hết ở các mã giảm giá. Tuy vậy, anh L. chưa muốn rút tiền khỏi tài khoản chứng khoán.
Không còn trực tiếp bỏ tiền vào cổ phiếu, chị T.D (37 tuổi) dần chuyển sang đầu tư chứng chỉ quỹ. Cách đầu tư này giúp chị an tâm hơn vì lợi nhuận ổn định và ít rủi ro hơn cổ phiếu.
Một môi giới chứng khoán cho biết, không có nhiều khách hàng của anh rút tiền ra. Có một số nhà đầu tư rút tiền để đầu tư tiền ảo thì chịu trái đắng (vào đúng đợt tiền ảo giảm mạnh), tuy vậy số này không nhiều. Một số người có dự định rút tiền để rót vào bất động sản nhưng thấy tình hình chưa ổn nên vẫn ‘án binh bất động’. “Những người này khi rút tiền sẽ rút mạnh vì cần vốn lớn đầu tư bất động sản ”, anh này chia sẻ.
Có vẻ thị trường chứng khoán vẫn đang giữ sức hút nhất định. Bằng chứng là thanh khoản thị trường vẫn giữ ở mức cao dù triển vọng ngắn hạn chịu nhiều rủi ro từ lạm phát cũng như xung đột Nga – Ukraine.
Cuối tháng 2 và đầu tháng 3/2022, thanh khoản thị trường vẫn tích cực. Bình quân giá trị khớp lệnh sàn HOSE tháng 2/2022 đạt gần 22 ngàn tỷ đồng. Trong 2 tuần đầu tháng 3/2022, giá trị bình quân đạt hơn 27.6 ngàn tỷ đồng. Con số bình quân cả năm 2021 là hơn 20.6 ngàn tỷ đồng.
Lượng tài khoản mở mới trong tháng 2/2022 đạt hơn 210 ngàn tỷ đồng, tăng so với tháng 1 dù có 1 tuần nghỉ Tết, cũng phần nào thể hiện sức hút.
Trao đổi với người viết, ông Trần Đình Khánh, Tổng Giám đốc công ty chứng khoán Funan chia sẻ, nhà đầu tư vẫn đang giao dịch bình thường thời gian gần đây, tất nhiên có hạn chế hơn do biên lợi nhuận không còn cao như trước. Theo quan sát của ông Khánh, nhà đầu tư có bán ra khoảng 1/2, 1/3 danh mục hoặc cắt bớt margin chứ chưa rút hẳn. Một phần là do tâm lý lo lắng chiến tranh.
Ông Trần Đình Khánh nhận định thị trường đã vào giai đoạn khó, nhà đầu tư lướt sóng dễ thua liên tiếp vì nhảy không đúng mã và bị bào mòn tài khoản dần dần. Các nhà đầu tư dài hạn thì chấp nhận gồng lỗ chứ chưa rút hết tiền về.
Về lâu dài, kênh chứng khoán vẫn hút tiền tốt. Đây được xem là kênh kiếm lời nhanh nên nhiều người vẫn muốn kiếm tìm cơ hội. Hơn nữa, tỷ lệ người đầu tư chứng khoán ở Việt Nam hiện vẫn còn rất thấp so với các thị trường khác.
“Những giai đoạn đảo chiều sẽ sàng lọc nhà đầu tư, chỉ các nhà đầu tư thích nghi được sẽ trụ lại. Thị trường đang phát triển đúng định hướng, quy mô thị trường cũng đã lớn hơn rất nhiều so với các cuộc khủng hoảng trước nên khó có thể rơi vào chuỗi đóng băng khiến người ta phải rời bỏ chứng khoán hoàn toàn”, ông Khánh nói.
Phản hồi