ĐHĐCĐ LGC tổ chức sáng ngày 07/04
|
Năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các trạm thu phí của LGC phải tạm dừng thu phí để hỗ trợ công tác phòng dịch từ ngày 20/07 đến hết quý 3 (trừ trạm thu phí Cà Ná). Tuy nhiên, trong thời gian này, Công ty vẫn phải thực hiện công tác duy tu bảo dưỡng, trung tu,… Hệ quả, tổng doanh thu và lãi ròng của LGC lần lượt giảm 4% và 38% so với năm 2020.
Với mức nền thấp của năm 2021, Ban lãnh đạo PGC đặt mục tiêu năm 2022 doanh thu tăng trưởng 44% và lãi ròng tăng 11%, lần lượt đạt 1,562 tỷ đồng và 231 tỷ đồng, trong bối cảnh các dự án không còn chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tình hình thu phí cũng ổn định trở lại.
Nguồn: VietstockFinance
|
Bên cạnh kế hoạch chung, LGC cũng đưa ra kế hoạch lợi nhuận của các công ty (dự án) thành viên. Theo đó, lợi nhuận của các dự án được dự báo sẽ tăng từ 20%-60% trong năm 2022, trừ Dự án Ninh Thuận 1 và Dự án Rạch Miễu – Quốc lộ 60 (Cầu Rạch Miễu 2) được dự báo sẽ giảm lợi nhuận.
Cụ thể, ở Dự án Ninh Thuận 1, LGC cho biết do thời gian thu phí theo hợp đồng của dự án sắp kết thúc nên Công ty sẽ điều chỉnh lại tỷ lệ khấu hao cho phù hợp, đồng thời dự án cũng có khả năng phát sinh chi phí trung tu, sửa chữa đột xuất.
Còn với Dự án Cầu Rạch Miễu 2, thời gian thu phí tạo lợi nhuận của giai đoạn 1 (đến tháng 7/2021) đã hết. Năm 2022, Công ty chỉ khai thác giai đoạn 2 của dự án, tuy nhiên tỷ suất lợi nhuận của giai đoạn này lại khá thấp.
Kế hoạch lợi nhuận 2022 của LGC (công ty mẹ) và các công ty thành viên
Nguồn: LGC
|
Mặt khác, doanh số thu phí tại các dự án đều được dự báo tăng, trong đó doanh số của trạm thu phí Xa lộ Hà Nội được kỳ vọng sẽ đạt gấp đôi so với năm 2021. Được biết, Dự án Xa lộ Hà Nội chỉ vừa bắt đầu đưa vào thu phí từ ngày 01/04/2021, tuy nhiên đã phải tạm ngưng thu phí từ ngày 20/07-02/10 để phòng chống dịch COVID-19.
Kế hoạch doanh số thu phí năm 2022 các dự án của LGC
Nguồn: LGC
|
Tại Đại hội, ông Nguyễn Văn Chính – Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT LGC cho biết kế hoạch doanh số kể trên chưa bao gồm Dự án BOT cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Dự án dự kiến sẽ được đưa vào khai thác, thu phí hoàn vốn vào cuối quý 2 đầu quý 3/2022.
Xoay quanh Dự án BOT cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, ông Lê Vũ Hoàng – Chủ tịch HĐQT LGC cho biết dự án có tổng mức đầu tư hơn 12,000 tỷ đồng này sẽ giúp chia sẻ lưu lượng xe với QL1A, trong bối cảnh QL1A đang trong tình trạng quá tải. Với tiềm năng của dự án, ông Hoàng dự báo có thể thu phí ít nhất 3 tỷ đồng/ngày.
Một dự án khác cũng được ông Hoàng đánh giá cao là Dự án DT741. Ngày trước, khi từ TP.HCM lên các tỉnh Tây Nguyên, các phương tiện phải đi hết QL 13 rồi đến QL14. Tuy nhiên, với Dự án DT741 đi ngang tỉnh Bình Phước, thời gian di chuyển sẽ giảm đi đáng kể.
Về định hướng sắp tới, Đại diện LGC cho biết khi Nhà nước thông qua về việc cho phép bán quyền thu phí tại các dự án cho nhà đầu tư, Công ty có thể tham gia bán quyền thu phí. Ngoài ra, với kinh nghiệm trong việc quản lý và xây dựng cầu đường, LGC cũng sẽ tham gia đấu thầu tuyến đường sắt trên cao nếu có cơ hội.
Còn trước mắt vào đầu năm 2023, LGC sẽ bắt đầu tăng giá vé tại các trạm thu phí. Tổng Giám đốc LGC cho biết các dự án đều đã đến kỳ tăng giá vé nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên Công ty sẽ bắt đầu tăng giá vé vào đầu năm 2023.
Phản hồi