Bất động sản công nghiệp “dậy sóng”
Kể từ ngày 15/3, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết về việc miễn thị thực trong 15 ngày kể từ khi nhập cảnh cho công dân của 13 quốc gia như Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp… Đây là một tin mừng đối với lĩnh vực bất động sản công nghiệp Việt Nam bởi lẽ ngay trong quý đầu năm không ít nhà đầu tư lớn đã mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại nước ta.
Theo Tổng cục thống kê, quý I/2022, sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc với giá trị tăng thêm toàn ngành là 7,07% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành.
Việc Quốc hội thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 347.000 tỷ đồng, trong đó đẩy mạnh đầu tư công vào cơ sở hạ tầng sẽ là động lực cho nhóm bất động sản khu công nghiệp phát triển.
(Ảnh minh họa/Nguồn: TTXVN)
“Chúng ta đã mở cửa lại nền kinh tế , việc các chuyên gia nước ngoài sang để có các quan sát đầu tư sẽ dễ dàng hơn. Chuỗi cung ứng đang dần dịch chuyển từ Trung Quốc, Ấn Độ sau khủng hoàng về năng lượng còn diễn ra từ 2 – 3 năm nữa nên Việt Nam sẽ là nước thứ 3 được hưởng lợi về vấn đề này”, ông Phan Linh – Giám đốc chuyên môn công ty Tư vấn và đầu tư Take Profit Việt Nam nhận định.
Bên cạnh đó, nhu cầu hàng hóa mạnh mẽ và sự gián đoạn chuỗi cung ứng cũng làm tăng nhu cầu về diện tích nhà kho để dự trữ hàng hóa và giảm thiểu gián đoạn trong tương lai.
“Nếu đánh theo thứ tự miền Bắc thì Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang sẽ được hưởng lợi từ việc có các quỹ đất để phát triển. Khu vực phía Nam các địa phương như Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương là những địa phương tiềm năng thu hút được các nhà đầu tư vì họ vẫn còn quỹ đất cho thuê”, bà Đỗ Thị Thu Hằng – Giám đốc bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn Savills Hà Nội cho hay.
Phản hồi