Đại gia Hà Nội cưỡi Rolls Royce, bỏ 410 triệu mua tổ chim non đột biến, hơn 10 tỷ sắm lồng
Doanh nhân Dương Văn Chương (Chương Tailor) không chỉ nổi tiếng trong giới thời trang, mà còn được chú ý bởi thú chơi chim cảnh độc đáo. Người ta gọi Chương Tailor là “ông vua chim màu” vì anh sở hữu một bộ sưu tập chim đột biến toàn những con siêu quý hiếm.
Tổ chim đột biến được đón về Hà Nội bằng Rolls Royce
Thành viên mới nhất của “gia đình” được Chương Tailor đón về là tổ chim vành khuyên đột biến. Thay vì có màu xanh đặc trưng, tổ chim này có 4 con đều là hoàng khuyên (bông vàng, bụng trắng), màu sắc vô cùng nổi bật. Tổ chim này được bắt ở vùng núi Bắc Giang.
“Ông vua chim màu” Chương Tailor và tổ chim 4 con đột biến
Anh Chương hào hứng kể, hôm 4/4, khi đang ở London, Anh để xem bóng đá, anh nhận được tin báo có tổ chim khuyên đột biến có 4 con, anh đã nôn nao không thể ngủ nổi.
Anh vội vàng báo chốt ngay giá cả, nhắn người bắt được giữ cho mình tổ chim ấy.
Anh hào hứng: “Trước đây mình đã nuôi nhiều tổ có 1 con hoàng khuyên đột biến, nhưng 1 tổ có tới 4 con thì vô cùng hiếm, lần đầu được thấy. Các bé đẹp vô cùng, tất cả màu vàng và trắng, mắt đỏ ruby.
Ở Việt Nam, mình biết từng có 2 tổ 2 con ở Lạng Sơn và Nghệ An nhưng người khác bắt được, mình bị hụt.
Có duyên nuôi cả tổ 4 con hoàng khuyên, mình rất hạnh phúc. Ở sân bay về là mình đến Bắc Giang đón luôn các bé về.”.
“Ông vua chim màu” hy vọng tổ hoàng khuyên của mình sẽ có 2 trống 2 mái. Trong cách dòng chim đột biến đang nuôi, Chương Tailor mê nhất là hoàng khuyên vì chúng có vẻ đẹp kiêu sa, ngắm hoài không chán.
“Mình muốn nuôi chúng cùng nhau, chứ không tách ra, khi chim trưởng thành chắc sẽ đẹp lắm. Để có được tổ chim này, mình gần như phải “đấu giá”, vì trước đó có người trả 400 triệu rồi. Sau khi mình chốt, cũng có người trả 450 triệu, nhưng người bắt vẫn giữ lời hứa.”.
Tổ chim
Từ khi đón 4 “siêu sao” về, anh Chương hào hứng khoe cách chăm sóc chúng. Thức ăn của hoàng khuyên là lòng đỏ trứng gà, cám trứng, chuối tây, châu chấu cốm, trứng kiến, sâu lột. Anh lý giải: “Chim đột biến thường có sức khỏe yếu, do mắt kém, khó tìm mồi, màu lông lại rực rỡ, gây chú ý, dễ trở thành con mồi của các loài chim lớn. Chúng may mắn vì được con người phát hiện và chăm sóc. Nếu để ngoài tự nhiên, chim đột biến thường không sống được.”.
Anh khẳng định với kinh nghiệm chơi chim của mình, anh sẽ chăm sóc được tổ chim hoàng khuyên này, dự kiến trong khoảng 10 – 15 ngày có thể chim sẽ biết bay và biết hót. Có những con chim đột biến đã làm bạn với anh Chương được 12 – 15 năm, khỏe mạnh, lanh lợi.
Tổ chim đột biến được đi xe Rolls Royce về Hà Nội.
Tổ 4 chim hoàng khuyên này được đón về trước sinh nhật Chương Tailor 1 ngày. Anh coi như quà sinh nhật tự dành cho mình. Những chú chim lớn có bảo mẫu riêng chăm sóc, còn 4 bé mới, anh Chương tự cho ăn, chăm bẵm như con mọn. Anh hy vọng mình có thể ghép đôi, sinh sản chim khuyên đột biến thành công để những người có cùng thú chơi có cơ hội được sở hữu chim quý.
Chơi cầu kỳ, đầu tư hàng chục tỷ cho BTS chim “tri kỷ”
“Ông vua chim màu” sưu tầm nhiều loại chim đột biến tự nhiên, nhiều con rất lạ như: Chim ngũ sắc đột biến, chào mào mắt đỏ ruby, chòe than đột biến có màu trắng, mắt đỏ, nữ hoàng hoàng mào (chào mào núi)… Nhưng những chú hoàng khuyên mới làm anh mê mẩn nhất.
Như một cái duyên lạ, lần nào mua được hoàng khuyên, anh cũng đều đang đi đâu đó, không ở Hà Nội. Có lần, cả nhà đang đi resort ở Đà Nẵng nghỉ dưỡng thì nghe tin có tổ chim đột biến 1 con, anh bay ngay ra, bắt taxi cho người nhà về nhà còn mình và lái xe đi Tuyên Quang bắt chim. Đi từ 4h chiều, 1h sáng hôm sau mới về đến Hà Nội.
Hay như lần mua hụt hoàng khuyên ở vùng núi Nho Quan, Ninh Bình, anh cũng vừa từ Sài Gòn về. 12h đêm thấy tin báo, anh vội vàng lên đường. 2h sáng mới tìm thấy đường vào núi. Đến nơi, chủ nhà nấu nồi cháo gà, chủ và khách vừa ăn vừa ngồi nói chuyện chim. Họ cứ thế chờ đến sáng để xem chim trống hay mái. Con hoàng khuyên ấy là mái, không đúng ý nên anh lại trở về.
Một trong những bé hoàng khuyên mắt đỏ của Chương Tailor.
Trong “gia tài” 76 con chim đột biến thuộc 15 loài khác nhau của Chương Tailor, có 30 con hoàng khuyên các loại và 8 hoàng khuyên mắt đỏ ruby – loại đột biến hiếm nhất.
“Đột biến ở chim vành khuyên có các cấp độ cao – thấp khác nhau, ít nhất là vành khuyên màu cốm, rồi hoàng khuyên chân đen mỏ đen, mắt đen hoặc mỏ chì, mỏ ghi… Đột biến cao nhất là hoàng khuyên mắt đỏ, lông vàng và bụng trắng. Đột biến càng nhiều thì chim càng giá trị; nếu nó còn hót hay, chăm hót nữa lại càng quý.” – anh lý giải.
Riêng tiền chim, anh Chương đã bỏ ra hơn 10 tỷ đồng, còn lồng, khay ăn… theo bộ khoảng 10 tỷ nữa. Đó là chưa kể mỗi loại chim lại có thức ăn riêng, chế độ chăm sóc công phu. Có con mua ở Trung Quốc, Singapore, riêng tiền thuê người vận chuyển đã là vài ba chục triệu.
Chào mào đột biến mắt đỏ.
Mỗi chú chim đến với anh, anh đều coi như tri kỷ, nên chỉ mua về chơi chứ không bán cho ai. Bầy chim có “bảo mẫu” riêng chăm sóc hằng ngày. Chủ cũng nhớ được tính cách, đặc điểm của từng “đứa”, đặt tên Hoàng Tử Gió, Bạch Vương, Đại Liên…
“Có con lúc đầu mình mua chỉ hơn 100 triệu mà nuôi 3 năm sau, có người mê quá trả hơn 1 tỷ đòi mua lại. Mình không bán, nhưng bộ sưu tập có khi hao hụt do chết hoặc lạc mất. Bọn chim đột biến này rất yếu. Mình bị chết mất chừng 10 con, sáng ra mở cửa thấy chim chết thôi, chẳng biết lý do vì sao.
Chương Tailor dành nhiều tâm huyết cho thú chơi đắt đỏ của mình.
Hay như năm ngoái, mình bị sổng mất một con. Cái lồng gãy mất 1 nan mà mình không biết, vừa cho chim đi tắm thì nó bay vọt ra, đậu trên cây. Mình đưa lồng ra đón chim bậu vào rồi lại bay xuống. Chim vành khuyên chỉ bay được ở tầm thấp cỡ ngọn cây, mà nhà mình tầng 10, chắc nó bay xuống rồi thì không lên được nữa.
Mình treo giải ai bắt được cho mình chuộc 250 triệu, nhưng từ bấy đến giờ chưa có ai liên lạc. Đồng tiền chỉ là một con số ước lượng thôi, để ai bắt được thì biết nó không phải chim thường, chứ nuôi mấy năm rồi, con chim ấy với mình là vô giá.”, Chương Tailor kể.
Phản hồi