Co-founder & CEO Got It Hùng Trần: Covid-19 đã khiến môi trường khởi nghiệp “xoá bài làm lại”
Bốn đợt bùng phát dịch Covid-19 đã tạo ra những biến động trái chiều trong ngành khởi nghiệp, có những startups trong ngành ẩm thực cho dù ứng dụng giao hàng thịnh hành vẫn nhanh chóng rơi vào tình trạng đóng băng nhưng có startups phù hợp với hành vi tiêu dùng lại phát triển đáng kể. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết 5 tháng đầu 2021 số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động đạt 78.300 đơn vị, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2020, chiều ngược lại có 59.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ thủ tục giải thể, tăng 23% năm 2020. Trung bình mỗi tháng có gần 12.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Trong số này có bao nhiêu startups? Câu hỏi ở đây là nên chọn lựa hình thức khởi nghiệp như thế nào để có thể tồn tại trong hoàn cảnh ngặt nghèo khó khăn chung của đất nước, lĩnh vực nào có tiềm năng và nếu không có lợi thế phù hợp thì startups nên làm gì để thích ứng với hoàn cảnh và vượt qua khó khăn?
Phiên tọa đàm trực tuyến chủ đề “Khởi nghiệp thời khủng hoảng Covid-19” do Tập đoàn Viettel và Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức, các chuyên gia trong ngành sẽ đưa ra góc nhìn về những khó khăn của doanh nghiệp, cùng với đó là những giải pháp đột phá để các startups “khởi nghiệp bền vững” trong đại dịch.
Toạ đàm có sự tham gia đóng góp của ông Lê Bá Tân, Phó Tổng giám đốc Viettel Network, đại diện Viettel; ông Nguyễn Hoàng Tùng, founder VVN AI (tên đầy đủ Vì Việt Nam AI), một startup thành công, từng đạt giải nhất Viet Solutions 2019; ông Trần Việt Hùng, co-founder và CEO của Got It và ông Trần Quang Hưng – Phó bí thư Thành đoàn Hà Nội, Đại diện quỹ đầu tư Vinacapital Ventures. Điều phối chương trình là ông Lê Quốc Vinh, chủ tịch, Chủ tịch kiêm CEO của Le Group of Company.
Ông Hùng Trần, Co-founder & CEO Got It: Covid-19 đã khiến môi trường khởi nghiệp “xoá bài làm lại”
Xét cho cùng ở bất kỳ hoàn cảnh nào thì sản phẩm, dịch vụ công nghệ phải đáp ứng nhu cầu người dùng. Trong hơn 1 năm qua chúng ta đã chứng khiến Covid-19tạo ra sự thay đổi khủng khiếp về hành vi người dùng. Một số ngành phát triển tốt còn có ngành không có khách hàng. Do đó các sản phẩm công nghệ ứng dụng chuyển đổi số vẫn phải là phục vụ nhu cầu của khách hàng, nếu không thì việc ứng dụng công nghệ sẽ không mang nhiều ý nghĩa.
Bản thân các startups khi chưa có đại dịch đã rủi ro, 9/10 cty sẽ chết trong năm đầu tiên vì nhiều lý do khác nhau. Có đại dịch thì tăng độ rủi ro lên rất nhiều. Trước đại dịch, mọi thứ đều tốt, người dùng có hành vi theo hướng mà startup chứng minh được, nhưng khi đại dịch xảy ra, hành vi người dùng thay đổi hoàn toàn, điều này không ai biết trước được. Như trong lĩnh vực giáo dục, trước đây khi nói đến học online thì nhiều người phản đối nhưng khi đại dịch diễn ra thì không có thay thế và đây là cơ hội cho công nghệ giáo dục. Chúng ta phải nghĩ theo cách khác chứ không phải giật gấu vá vai, vớ được công cụ gì thì mình cứ dùng.
Đây là cơ hội, có thể các tính toán cũ của mình hợp lý ở thời điểm trước sau đó không phù hợp nữa thì tạm gác lại đi tìm cơ hội khác. Đại dịch Covid cho ta biết chúng ta chưa hiểu nhiều về thế giới. Ngay cả Mỹ trong đợt bùng phát dịch năm ngoại họ cũng lúng túng, chưa biết làm gì. Chính vì vậy đại dịch qua đi chưa có gì đảm bảo không có một đại dịch tiếp theo.
Tương tự với người làm việc, ở Mỹ khi bình thường hoá trở lại thì nhân viên không quay lại văn phòng nữa, họ thấy ở nhà làm việc (work from home) vẫn hiệu quả, lại tiết kiệm thời gian công sức cho nhân viên và công ty. Điềy này đã mở ra cơ hội mới cho một số công ty lớn xây dựng một nền tảng hỗ trợ mọi người làm theo cách mới.
Chúng tôi hay nói đùa, mỗi khi tình huống này diễn ra là xoá bài làm lại, công ty lớn bé cơ hội như nhau, bởi vì kiến thức tình huống như thế này có thể bây giờ công ty đang ở trong gara nhưng biết đâu họ hoàn toàn có cơ hội làm gì đó thay đổi thế giới.
Ở thị trường Việt Nam, do văn hoá và cách thức vận hành các nhà đầu tư ở khu vực Châu Á mong statups tạo ra dòng tiền và tự sống càng sớm càng tốt. Ở Mỹ thì nhà đầu tư muốn công ty thật to, có thể lỗ ban đầu cũng được. Điều này đưa đến tình trạng, các startups ở Việt Nam nếu có dòng tiền sớm thì sống được, còn không có dòng tiền, không có vốn đầu tư để dự trữ thì sẽ chết ngay, đó là điểm bất lợi với các startups VN. Hi vọng đợt này xoá bài chia lại thì mọi người sẽ có nhiều cơ hội hơn.
Ông Trần Quang Hưng – Phó bí thư Thành đoàn Hà Nội, Đại diện quỹ đầu tư Vinacapital Ventures, founder Up– coworking space, và quỹ HUB: Cơ hội đến ai nhanh nhạy sẽ tạo ra công ty tỷ USD
Ông Trần Quang Hưng Đại diện quỹ đầu tư Vinacapital Ventures
Theo một thống kê của Do Ventures, trong năm rồi lượng đầu tư mạo hiểm vào startup Việt Nam giảm một nửa, với các startups làm việc tại Up thì có vẻ ½ đang đi tìm việc khác, kể cả một số startups lớn. Không hẳn vì dịch mà vì mô hình nhận đầu tư đốt tiền đang không phù hợp nên founder tìm cơ hội mới. Có một số dấu hiệu tích cực trong các doanh nghiệp chuyển đổi số, đặc biệt trong nhóm game hoạt động cực kì hiệu quả và 2-3 tháng gần đây Việt Nam có Unicorn xuất hiện từ ngành công nghiệp game, đó là một công ty sử dụng chuỗi khối (blockchain) marketcap lên 1,5 tỷ USD. Những cơ hội mới xuất hiện ai nhanh nhạy sẽ mang lại giá trị mới và tạo ra công ty tỷ USD.
Những khoản đầu tư ở Vinacapital và Hub tập trung vào ngành kinh doanh mới này. Khoảng thời gian khủng hoảng như thế này sẽ luôn có cơ hội mới và DN nào nhanh nhạy có thể tồn tại. Thị trường thay đổi quá nhanh và nếu đi sâu từng ngành sẽ có case study cực kỳ hay.
Về xu hướng đầu tư sau đại dịch, những ngành mới hiện nay thu hút quan tâm của nhà đầu tư quốc tế gắn với công nghệ như công nghệ chuỗi khối, mặc dù chưa được công nhận toàn bộ nhưng thị trường xuất hiện công nghệ mới như ứng dụng blockchain trong ngành game hay bất động sản, có những doanh nghiệp bán mảnh đất online lên tới 2 triệu USD.
Một số doanh nghiệp Việt Nam kêu gọi được nguồn vốn quốc tế đã định nghĩa lại nguồn vốn đầu tư. Trước đây để huy động được vốn thì startups cần phải có một sản phẩm chỉn chu, với hình thức huy động vốn mới chỉ cần vài ý tưởng đã gọi vốn được rồi. Tôi không nói ngành nào cũng làm được như vậy. Có sự phân hoá, một số hoạt động hiệu quả và một số khó khăn lớn, phụ thuộc founder có thể xoay xở và tìm bước đi tốt nhất không.
Những ngành liên quan chuyển đổi số và áp dụng công nghệ mới vào lĩnh vực ảnh hưởng Covid thì có khả năng phát triển khá tốt. Trong quá trình chúng tôi đi tìm kiếm cơ hội đầu tư, Covid làm các VC đi gặp founder statups khó hơn nhiều, buộc phải có cách tiếp cận mới, cần nền tảng số để mọi người gặp gỡ trao đổi thông tin và theo dõi các metric của nhau chẳng hạn, buộc phải số hoá và chúng tôi tạo ra một platform, kết nối 200 quỹ VC và 1000 startups, đây là hướng đi mới và hi vọng starftup raise fund được thời gian tới.
Ông Nguyễn Hoàng Tùng – CEO VVN AI: Nhờ tiếp cận theo cách mới chúng tôi đã ổn định
Ông Nguyễn Hoàng Tùng – CEO VVN AI
VVN AI là một startup chuyên cung cấp giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc định danh khách hàng, camera thông minh, giao thông thông minh.
Trong giai đoạn đầu Covid chúng tôi có gặp khó khăn lớn, cloud cho thuê mất 500 triệu/tháng, đó không phải khoản tiền nhỏ nhưng sau đó chúng tôi có chiến lược tiếp cận theo cách khác, hiện đã ổn định và đạt hơn con số trước rất nhiều. Ban đầu chúng tôi tập trung vào khách hàng nhỏ lẻ nhưng hiện tại tập trung vào khách hàng lớn và bền vững.
Chúng tôi có kinh nghiệp trí tuệ nhân tạo hơn 10 năm do đó có nhiều công nghệ không phải phát triển lại, một số ông lớn trên thị trường họ phải phát triển lại cònchúng tôi đã bước đang đầu tư các mảng khác như kết hợp với các công ty bảo hiểm hàng đầu về tự động thẩm định số tiền bảo hiểm cho xe khi va chạm, hay công nghệ khác như phân tích tình hình kinh tế tài chính cho chứng khoán, hỗ trợcho Bộ KHĐT…, những công nghệ này không cần quá nhiều người và đổ quá nhiều tiền vì công nghệ đã có sẵn từ trước, đó là lợi thế của chúng tôi.
Ông Lê Bá Tân, Phó Tổng giám đốc Viettel Network, đại diện Viettel: Chúng tôi chuẩn bị cho mạng 5G khai trương vào năm 2022
Ông Lê Bá Tân, Phó Tổng giám đốc Viettel Network
Tôi đồng tình với anh Hùng Trần Got it về việc Covid là một cuộc khủng hoảng và trong khủng hoảng sắp xếp lại trật tự môi trường starups rất nhiều. Các công ty phát triển tốt có thể chậm lại và có công ty tìm ra đường đi cách làm mới. Ở Viettel,chúng tôi có chiến lược chuyển đổi số gọi là Viettel 4.0 cách đây hơn 2 năm. Sau khi tập đoàn nhìn nhận doanh thu các lĩnh vực viễn thông truyền thống giảm theo thời gian, mình cung cấp lượng dữ liệu lớn hơn cho khách hàng nhưng doanh thu không sinh ra do đó chuyển đổi số là xu thế tất yếu và sau đó Covid diễn ra.
Covid khiến thị trường suy giảm, nhu cầu khách hàng giảm sút bao gồm dịch vụ viễn thông truyền thống và một số dịch vụ chuyển đổi số mà mình nghĩ là hiệu quả nhưng trên thực tế, khách hàng mình cũng vật lộn để tồn tại và giảm nhu cầu. Do đó chúng tôi tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm của Đảng Chính phủ trong đó có dịch vụ y tế như y tế từ xa, khai báo y tế, truy vết, nhờ thế mạnh rất lớn của nhà mạng và giúp công tác phòng chống dịch bệnh lớn hơn. Ở góc độ dịch vụ chuyển đổi số như đào tạo giáo dục, có thể sản phẩm của chúng tôi ở top giữa thị trường nhưng góp phần giúp dịch vụ học tập và giải trí online hiệu quả hơn.
Trong Covid 19 do tính chất thay đổi nhu cầu thị trường, thứ hạng trật tự, thì Viettel lại chuẩn bị cho một số hướng đi mới, sản phẩm mới như mạng 5G chuẩn bị khai trương thương mại chính thức toàn quốc vào năm 2022 thì mình làm gì để phục vụ khách hàng và đâu là nhu cầu thực sự. Chúng tôi thiết kế sản phẩm mới, những vấn đề về kết nối vạn vật, nền tảng Big data để phục vụ cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, giúp họ có môi trường với chi phí thấp nhất để phát triển sản phẩm của mình.
Chúng tôi đã chuẩn bị cho tương lai với một số đầu tư, cách làm hướng đi chuẩn bị cho năm 2022. Với vai trò doanh nghiệp viễn thông hàng đầu và chuyển đổi sang doanh nghiệp công nghệ, chúng tôi hỗ trợ nhà nước trong công tác phòng chống dịch và bám sát doanh nghiệp khởi nghiệp để đồng hành cùng họ và cũng có thể là cạnh tranh trong một số mảng mà chúng tôi có thế mạnh.
Phản hồi