Nikkei Asia: Cơ hội thay thế thép nhập khẩu cho Hòa Phát từ chính sách mới của Trung Quốc
Theo Nikkei Asia, sau khi trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á vào đầu năm nay, Tập đoàn Hòa Phát của Việt Nam đã đặt mục tiêu củng cố vị thế của mình với việc khởi công lò cao 85 nghìn tỷ đồng (3,7 tỷ USD) vào đầu năm 2022.
“Nhu cầu thép vẫn còn mạnh ở Việt Nam và Hòa Phát rất tin tưởng vào khoản đầu tư này”, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long chia sẻ về dự kiến xây dựng lò mới tại tỉnh Quảng Ngãi.
Việc mở rộng diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh khả năng sản xuất trong nước đối với các nguyên liệu công nghiệp quan trọng thay vì phải phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc.
Được thành lập vào năm 1992 với tư cách là một công ty kinh doanh thiết bị xây dựng, Hòa Phát bắt đầu tham gia sản xuất thép vào năm 1996 và vận hành 4 lò cao tại nhà máy thép liên hợp ở Quảng Ngãi vào tháng 1/2021.
Công ty đã sản xuất khoảng 2 triệu tấn thép thô trong giai đoạn quý 1/2021. Bên cạnh đó, Hòa Phát dự tính sẽ bổ sung công suất thêm 5,6 triệu tấn mỗi năm với lò cao mới.
Trong đó, khoảng 4,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng, được sử dụng trong xây dựng và nhiều ứng dụng khác, và khoảng 1 triệu tấn thép thanh và dây que tính. Nhìn chung, công ty dự kiến sẽ mở rộng công suất thép thô hàng năm 70% vào năm 2024 lên khoảng 14 triệu tấn.
Theo Hiệp hội Thép Thế giới (World Steel), nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, China Baowu Steel, đã sản xuất 115 triệu tấn vào năm 2020. Nippon Steel đứng thứ năm với sản lượng 41 triệu tấn.
Theo nhận định của Nikkei, động thái của Hòa Phát một phần do Trung Quốc cắt giảm xuất khẩu thép. Những năm gần đây, nguồn cung dư thừa tại thị trường sản xuất gần 60% thép thô toàn cầu, đã khiến thị trường Đông Nam Á tràn ngập các sản phẩm thép giá rẻ của Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện đang áp đặt các hạn chế về môi trường khắt khe hơn đối với các nhà sản xuất thép của nước mình. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các công ty Đông Nam Á như Hòa Phát có cơ hội mở rộng.
Đồng thời, với sự phục hồi kinh tế toàn cầu từ đại dịch Covid-19 đã tạo ra một động lực lớn cho các nhà sản xuất thép Việt Nam. Theo đó, giá thép cây đã tăng 40% đến 50% trong năm 2020.
Hòa Phát đã bán được 1,8 triệu tấn thép xây dựng trong 6 tháng đầu năm, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2021 tăng 33% lên 18 nghìn tỷ đồng, doanh thu tăng 31% lên 120 nghìn tỷ đồng.
Việt Nam là nhà sản xuất và tiêu thụ thép lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á, và sản lượng thô tăng 11% vào năm 2020 lên khoảng 19,5 triệu tấn. Con số này đã tăng hơn gấp ba lần trong vòng 5 năm trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng giữa các công ty trong nước như Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh (FHS).
Theo nguồn tin Nikkei có được từ một công ty kinh doanh thép, Chính phủ Việt Nam trong nhiều năm đã nỗ lực tự cung tự cấp về thép cuộn cán nóng. Nhu cầu hàng năm của Việt Nam đối với vật liệu này lên tới khoảng 12 triệu tấn.
Hòa Phát bắt đầu sản xuất thép cuộn cán nóng từ giữa năm ngoái, theo bước chân của FHS. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu với khoảng một nửa nguồn cung phần lớn là từ Trung Quốc, khiến thị trường Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi các quyết định của các công ty hàng đầu cũng như Chính phủ Trung Quốc. Tờ báo của Nhật nhận xét, lò cao mới của Hòa Phát đủ công suất thay thế phần lớn hàng nhập khẩu.
“Thép là ngành cốt lõi và đóng vai trò quan trọng trong công nghiệp hóa”, Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên nói với các đại diện ngành thép vào tháng 5, báo hiệu sự hỗ trợ của Chính phủ đối với sự phát triển của ngành thép Việt Nam nói chung cũng như Hòa Phát nói riêng.
Phản hồi