Tập đoàn FLC là một trong số doanh nghiệp sở hữu nhiều dự án bất động sản trên khắp cả nước từ khu nghỉ dưỡng, khu đô thị, phức hợp nhà ở đến văn phòng và trung tâm thương mại như: FLC Twin Tower, FLC Landmark Tower, FLC Complex Phạm Hùng, FLC Garden City, FLC Star Tower, FLC Green Apartment, Bamboo Airways Tower; Quần thể FLC Sầm Sơn, FLC Quy Nhơn, FLC Nghệ An, FLC Quảng Bình…
Trong thông cáo mới nhất ngay sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, FLC cho biết hiện có khoảng 300 dự án “đang được nghiên cứu đầu tư và xúc tiến pháp lý” tại 40 tỉnh thành.
Theo báo cáo tài chính quý 4/2021 của FLC, một số dự án đang xây dựng dở dang của tập đoàn gồm: Dự án Hạ Long, Dự án Khu nghỉ dưỡng Quảng Bình, Dự án Sầm Sơn giai đoạn 2; Dự án Bình Định giai đoạn 2; Dự án khu đô thị Garden City Đại Mỗ; Dự án FLC Premier Park; Dự án Tân Phú Đông (Sa Đéc, Đồng Tháp); Dự án Hà Khánh giai đoạn 1 – Hạ Long; án Hà Khánh giai đoạn 2 – Hạ Long; Dự án Trường Chinh Kon Tum; Dự án Center Point Gia Lai;…
Sở hữu khối tài sản là những công trình lớn như vậy, nhưng việc thâu tóm FLC quả là không dễ dàng khi tập đoàn của ông Trịnh Văn Quyết nhiều lần cho phát hành thêm hàng trăm triệu cổ phiếu, đưa vốn điều lệ lên gần 12.070 tỷ đồng. Hiện nay, ông Quyết là cổ đông lớn nhất sở hữu 215,4 triệu cổ phiếu FLC, tương đương 30,34% vốn của Tập đoàn.
Nhưng đến giai đoạn hiện nay, sau những thông tin tiêu cực được đưa ra, hàng loạt cổ phiếu liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết bị bán tháo và giảm giá mạnh. Riêng mã FLC bị rớt xuống giá sàn 4 phiên liên tiếp, còn 11.000 đồng/cổ phiếu chốt phiên ngày 30/3/2022.
Đến tối 29/3, Bộ Công an thông tin về quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Trịnh Văn Quyết để điều tra hành vi thao túng thị trường chứng khoán.
Đến ngày 1/4/2022, cổ phiếu FLC xuất hiện thanh khoản tăng đột biến với tổng khối lượng khớp lệnh 59 triệu đơn vị ngay trong phiên sáng. Kết thúc phiên giao dịch, khối lượng khớp lệnh đạt hơn 100 triệu đơn vị và đóng cửa ở giá 10.850 đồng/cổ phiếu.
Trong khi đó, tại hai phiên giao dịch liền trước đó là ngày 30 và 31/3/2022 cổ phiếu FLC liên tục giảm kịch sàn với khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên chỉ bằng 1% khối lượng khớp trong phiên giao dịch ngày 1/4. Tức là thanh khoản phiên 1/4 của cổ phiếu FLC tăng đột biến gấp 100 lần.
Ngay trong ngày ¼, Tập đoàn FLC ngày 1/4 đã có văn bản Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam đề nghị tạm dừng ngay giao dịch cổ phiếu FLC và xem xét huỷ bỏ toàn bộ giao dịch ngày 1/4 sau khi có dấu hiệu bất thường nói trên. FLC đề nghị áp dụng biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn thị trường chứng khoán.
Theo FLC, việc phát sinh nhiều dấu hiệu bất thường trước, trong và sau phiên giao dịch ngày 1/4/2022 đối với cổ phiếu FLC có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của Tập đoàn FLC nói riêng và sự ổn định của thị trường chứng khoản nói chung.
“Việc tiếp tục có những dấu hiệu bất thường nói trên sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu tổ chức và hoạt động của Tập đoàn FLC, tiềm ẩn rõ ràng nguy cơ gây thiệt hại cho cổ đông của Công ty”, văn bản gửi cơ quan chức năng của FLC nêu.
FLC đã đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM ngay lập tức áp dụng biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán theo quy định tại Điều 7 Luật Chứng khoán 2019.
Trong đó bao gồm nhưng không giới hạn ở các biện pháp: Tạm ngừng, đình chỉ giao dịch đối với mã FLC, kiểm tra, làm rõ các dấu hiệu bất thường trong phiên giao dịch ngày 1/4/2022 của cổ phiếu FLC và xem xét hủy bỏ toàn bộ giao dịch đã thực hiện trong ngày 1/4/2022 nếu phát hiện các vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán.
Nhiều ý kiến cho rằng, không loại trừ khả năng, nhiều người nhân cơ hội cổ phiếu FLC đang giảm giá mạnh, xuống tiền mua vào. Do đó, FLC có thể đang lo ngại khả năng bị thâu tóm.
Phản hồi