Mở cửa phiên giao dịch hôm nay (1/4), trước thông tin các lãnh đạo cao nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam bị kỷ luật, thị trường chứng khoán đã mở phiên với tâm lý dao động mạnh của nhà đầu tư.
Chỉ số VN-Index lúc 9h30 phút giảm nhẹ 1,27 điểm (-0,09%), về mức 1.490,88 điểm. Giá trị giao dịch thời điểm này của thị trường của đạt hơn 6.000 tỷ đồng.
Chỉ số HNX-Index thời điểm 9h30 cũng giảm khoảng 4,05 điểm (-0,9%), về mức 445.56 điểm.
Riêng nhóm cổ phiếu “họ FLC”, bước vào phiên giao dịch sáng nay 1/4, lúc 9h30 cổ phiếu FLC tiếp tục giảm kịch sàn về mức giá 10.250 đồng/CP (giảm 6,82%) so với phiên giao dịch hôm qua.
Tương tự, ROS cũng tiếp tục giảm kịch sàn, về mức giá 6.570 đồng/CP (giảm -6.94%) so với phiên hôm qua. Đây cũng là phiên giảm kịch sàn thứ 5 liên tiếp của mã chứng khoán này.
Các mã chứng khoán liên quan còn lại với “hệ sinh thái FLC” như: AMD, HAI, KLF… cũng giảm nhẹ, trong đó AMD giảm 5,22%, về mức giá 5.080 đồng/CP; HAI cũng giảm 3,93%, về mức 4.890 đồng/CP; KLF cũng giảm 2%, về mức 4.900 đồng/CP…
Liên quan đến thị trường giao dịch hôm nay, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDS) cho rằng có khả năng VN-Index tiếp tục lùi về vùng 1.483-1.490 điểm trong ngắn hạn để kiểm tra cung cầu và kỳ vọng dòng tiền sẽ hỗ trợ tốt hơn tại khu vực này.
“Vì vậy, nhà đầu tư có thể tận dụng những phiên điều chỉnh để tích lũy cổ phiếu gần nền giá và kỳ vọng nhịp hồi phục của thị trường trong thời gian tới. Hơn nữa, nhóm vốn hóa lớn đang có những chuyển biến tốt hơn, nhà đầu tư có thể cân nhắc tích lũy ở nhóm này”, chuyên gia của VDS đề nghị.
Tuy nhiên, phía công ty chứng khoán này cũng cảnh báo nhà đầu tư nên cẩn trọng và tránh nhóm cổ phiếu có tính chất rủi ro cao.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) thì đưa ra quan điểm, ngày 31/3, cổ phiếu nhóm ngành chứng khoán, bất động sản, xây dựng, dầu khí, thép, phân bón… đều giảm điểm. Nhờ VNM và một số mã vốn hóa lớn nên thị trường giữ sắc xanh. Dù vậy, độ rộng thị trường vẫn nghiêng về phía tiêu cực với 10/19 ngành tăng điểm, cho thấy dòng tiền đang tập trung vào một số mã nhất định.
Theo BSC, trong những phiên tới, thị trường có thể tiếp tục dao động trong biên độ 1.490-1.500 điểm.
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, cũng đưa ra cái nhìn thẳng thắn, rằng thị trường trong phiên giao dịch hôm nay chắc sẽ có biến động nhưng sự biến động này cũng diễn ra trong thời gian ngắn. Bởi, các lãnh đạo cao nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam có bị kỷ luật, sai đến đâu thì xử lý đến đó.
Ông Trương Hiền Phương, giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam. Ảnh: NVCC
“Có thể một số người chỉ bị cảnh cáo, hoặc là bị kỷ luật nhưng vẫn cho tại vị. Hoặc một số người nếu vi phạm nặng thì có thể bị cách chức, hoặc làm một động tác là viết đơn từ chức. Còn việc truy tố trách nhiệm hình sự thì theo tôi cũng chưa đến mức đó”, ông Phương chia sẻ.
Chính vì vậy, theo ông Phương, trong kịch bản xấu nhất là có người bị truy tố trách nhiệm hình sự thì chuyện gì cũng ra chuyện đó, nếu người này bị thì sẽ có người khác lên thay. Cho nên thị trường sẽ không phản ứng quá tiêu cực.
“Thị trường sẽ có phản ứng, nhưng sẽ không nặng nề lắm. Nếu nhẹ thì có thể sẽ “lình xình” hết phiên hôm nay. Bởi nguyên tắc thường qua một tuần mới thì nhà đầu tư sẽ bình tâm trở lại hơn, sẽ bớt căng thẳng hơn và không còn phản ứng quá tiêu cực nữa”, ông Phương bày tỏ quan điểm.
Tuy nhiên, điều mà giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam lo lắng là các “tay to” sẽ phản ứng thế nào, bởi đây mới là nhóm có thể làm cho thị trường đi xuống. Chứ thông tin về việc kỷ luật các lãnh đạo cao nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng chỉ để hợp thức hóa mà thôi.
“Đơn cử, mấy phiên giao dịch gần đây, thị trường cũng phản ứng khá tiêu cực trước thông tin xử lý với ông Trịnh Văn Quyết nhưng đến cuối ngày thì điểm của thị trường vẫn xanh”, ông Phương dẫn chứng.
Trở lại phiên giao dịch hôm qua 31/3, chỉ số VN-Index giữ được sắc xanh. Tuy nhiên, trên thực tế thì lại có tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng” do toàn sàn HoSE có 179 mã tăng, 261 mã giảm và 60 mã đứng giá. Sàn Hà Nội có 83 mã tăng, 156 mã giảm và 49 mã đứng giá.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu trong “rổ VN30” lại tăng khá mạnh. Cụ thể, VNM tăng lên 80.900 đồng/cổ phiếu; PNJ lên 110.500 đồng/cổ phiếu, MWG lên 145.800 đồng/cổ phiếu…
Thanh khoản phiên này giảm 28% so với phiên trước do nhà đầu tư thận trọng hơn, với tổng giá trị giao dịch 3 sàn chỉ hơn 27.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu “họ FLC” tiếp tục giảm sàn hết biên độ cho phép.
Phản hồi