Tài sản giảm hàng trăm tỷ sau một phiên “nằm” sàn
Ông Trịnh Văn Quyết đang sở hữu hàng chục triệu cổ phiếu ở một số doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán.
Phiên giao dịch 28/3, vì thông tin đồn thổi trên mạng khiến nhà đầu tư bán tháo làm các cổ phiếu này giảm sàn, khiến nhiều nhà đầu tư trong đó có ông Quyết chịu thiệt hại.
Cụ thể, tại CTCP Tập đoàn FLC (FLC) ông Trịnh Văn Quyết đang nắm 215.436.257 cổ phiếu. Phiên giao dịch 28/8, giá cổ phiếu FLC giảm sàn 6,85% khiến giá trị cổ phiếu ông Quyết nắm giữ cũng giảm tương ứng 215 tỷ đồng về còn 2.930 tỷ đồng.
Tại CTCP Xây dựng FLC FAROS (ROS), ông Quyết nắm 23.717.556 cổ phiếu. Giá cổ phiếu ROS hôm nay giảm sàn 7% khiến ông Quyết mất 15,6 tỷ đồng.
Tại CTCP Chứng khoán BOS (ART) ông Quyết nắm 3.156.000 cổ phiếu. Giá cổ phiếu này chốt phiên hôm nay giảm 9,65% khiến ông Trịnh Văn Quyết mất 3,47 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ trong phiên hôm nay 28/3, giá trị cổ phiếu mà ông Trịnh Văn Quyết nắm giữ đã giảm 234,07 tỷ đồng.
Kể từ khi gia nhập danh sách các tỷ phú trên sàn chứng khoán, năm 2017 là năm đáng ghi nhớ của tỷ phú Trịnh Văn Quyết khi ông này vượt tỷ phú Phạm Nhật Vượng trở thành người người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Theo đó, năm 2017, Chủ tịch FLC sở hữu quy mô tài sản vốn hóa đạt 58.852 tỷ đồng (tương đương hơn 2 tỷ USD), tăng 25.046 tỷ đồng so với năm 2016.
Lúc đó, ông Trịnh Văn Quyết sở hữu 318.514.630 cổ phiếu ROS, 135.187.150 cổ phiếu FLC và 2.630.000 cổ phiếu ART.
Tuy nhiên, đến năm 2018, giá trị tài sản của đại gia này đột ngột giảm mạnh xuống còn 15.572 tỷ đồng khiến ông Quyết không còn giữ được vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Giá trị tài sản hiện nay của Chủ tịch FLC chỉ tương đương khoảng 8% so với thời điểm hoàng kim đó.
Sau phiên giao dịch 28/3, Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết sở hữu tổng tài sản trị giá khoảng 4.555 tỷ đồng từ các cổ phiếu FLC, ROS, GAB và ART, giữ vị trí thứ 40 trên danh sách những người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là tài sản trên sàn chứng khoán, còn về các tài sản cá nhân khác hiện không thể xác định ông Quyết đang sở hữu bao nhiêu. Thông tin trên thị trường thời gian qua chỉ rải rác mỗi khi ông Quyết đổ hàng nghìn tỷ đồng vào các đợt tăng vốn và mở rộng loạt dự án thuộc hệ sinh thái FLC.
Nhà đầu tư thiệt hại, ai chịu trách nhiệm?
Trở lại với diễn biến phiên giao dịch 28/3, phiên “rung lắc” này khiến thị trường bốc hơi hàng ngàn tỷ đồng lại xuất phát từ những tin đồn thổi thiếu căn cứ.
Theo đó, đêm 27/3 xuất hiện nhiều tin đồn tiêu cực úp mở về Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết rộ trên mạng xã hội và lan truyền nhanh chóng trong giới đầu tư.
Trưa 28/3, có tờ báo đưa tin ông Trịnh Văn Quyết bị cơ quan chức năng tạm hoãn xuất cảnh một tháng và mời lên làm việc để xác minh một số nội dung.
Tuy nhiên, chiều cùng ngày, một lãnh đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết đã cử người xác minh, truy tìm thông tin cho rằng Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Trịnh Văn Quyết. “Tôi không phải là người ký quyết định hoãn xuất nhập cảnh đối với ông Quyết. Hiện tại tôi đang cử anh em đi kiểm tra xem tại sao lại có thông tin đó”, vị lãnh đạo trả lời trên báo Người lao động. Vị này cũng khẳng định thông tin ông Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt giam là không chính xác.
Nhiều nhà đầu tư bức xúc cho rằng, trong những trường hợp như thế này, cơ quan chức năng cần điều tra, xác minh, xử lý những người tung tin đồn thất thiệt, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi nhà đầu tư, doanh nghiệp và thị trường.
Trao đổi với Báo Giao thông, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty TNHH Luật ANVI cho biết, Điểm a, khoản 1, Điều 101 về “Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội” và Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/12/2020 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử” đã quy định rất rõ các mức hình phạt hành chính.
Cụ thể, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.
Trong trường hợp này, những hành vi tung tin đồn thổi trên mạng về ông Quyết chưa đến mức khép vào khung hình sự.
Ông Đức cũng cho rằng, nếu ông Trịnh Văn Quyết được xác định không có hành vi vi phạm pháp luật thì ông Quyết hoàn toàn có quyền kiện những người đã tung tin đồn làm ảnh hưởng tới hình ảnh và danh dự của ông cũng như của doanh nghiệp dẫn đến bị thiệt hại.
Loạt cổ phiếu nhiều ngành “đỏ lửa” phiên 28/3
Phiên giao dịch ngày 28/3 thị trường chứng khoán nhuộm trong sắc đỏ. Trong đó, nhóm cổ phiếu “họ” FLC bao gồm FLC, AMD, ROS, HAI, ART, KLF bị nhà đầu tư bán tháo và giảm kịch biên độ cho phép.
Tâm lý tiêu cực lan sang cả các nhóm cổ phiếu khác, trong đó nhiều cổ phiếu nhóm ngành bất động sản cũng bị lao dốc, như mã DIG, LDG DXG, CEO, HAR…
Trong phiên, có thời điểm VN-Index giảm gần 25 điểm và chạm mức thấp nhất 1.473 điểm. Sau đó, lực cầu bắt đáy đã giúp VN-Index phục hồi về cuối phiên.
Đóng cửa thị trường, chỉ số chính VN-Index giảm 15,32 điểm về 1.483,18 điểm; HNX giảm 6,68 điểm xuống 454,89 điểm; UpCoM-Index giảm 1 điểm xuống 116,01 điểm.
Thanh khoản toàn thị trường đạt gần 39.600 tỷ đồng, khối lượng chứng khoán chuyển nhượng trên 1.313 triệu đơn vị.
Điểm sáng của thị trường phiên này là nhóm cổ phiếu chế biến thủy sản tăng mạnh nhất với hơn 4% giá trị vốn hóa. Tiếp đến là nhóm cổ phiếu bán lẻ tăng gần 3%; Nhóm cổ phiếu nông – lâm – ngư, công nghệ – thông tin và khai khoáng… cũng tăng trên dưới 2% về giá trị vốn hóa giúp chỉ số chung của thị trường không giảm quá mạnh.
Phản hồi