Sôi động cuộc đua “săn” quỹ đất của các đại gia bất động sản
Thị trường bất động sản Việt Nam vẫn sôi động với các giao dịch đất đai quy mô lớn. Quy mô giao dịch tính theo diện tích đất (ha) đã tăng lên đáng kể trong giai đoạn 2020 – tháng 06/2021.
M&A DỰ ÁN LÊN TỚI HÀNG TRĂM TRIỆU USD
Theo JLL, nếu như năm 2016, quy mô giao dịch các dự án bất động sản chuyển nhượng dưới 200ha, thì đến năm 2020 – tháng 6/2021 quy mô giao dịch chuyển nhượng đã lên đến hơn 800ha. Điều này cho thấy, việc mua bán, chuyển nhượng dự án bất động sản tại Việt Nam luôn sôi động, và thị trường sôi động hơn trong giai đoạn dịch Covid-19 xảy ra.
Trong hai năm qua, hàng loạt các giao dịch chuyển nhượng bất động sản trị giá hàng trăm triệu USD được “sang tay”.
Tại khu vực phía Bắc, đầu năm 2021, Công ty cổ phần Vinhomes (Vinhomes) đã công bố việc mua lại Khu đô thị Đại An (được đổi tên thành Vinhomes Dream City), quy mô 486ha, tại tỉnh Hưng Yên. Giá trị ước tính của thương vụ là 3.100 tỷ đồng (134 triệu USD), theo Báo cáo thường niên Vinhomes 2020.
Trong khi đó, Tập đoàn Masterise (Masterise Group) thông qua các công ty con, công ty thành viên đã liên tiếp chi hàng ngàn tỷ đồng thâu tóm chuỗi dự án trong khuôn viên Vinhomes tại Tây Mỗ – Đại Mỗ và Gia Lâm, Long Biên tại Hà Nội. Masterise Group cũng hiện diện thương hiệu của mình tại dự án Premier Berriver 390 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên.
Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long cũng âm thầm mua lại 50% phần vốn góp của Posco E&C tại dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh (Splendora) tại phía Tây Hà Nội, tổng diện tích lên đến 264ha.
Tại khu vực phía Nam, Tập đoàn Nam Long hoàn tất thâu tóm dự án The Waterfront Đồng Nai (diện tích 170ha) từ Keppel Land. Nam Long đã bắt tay cùng Tập đoàn Hankyu Hanshin Properties (Nhật Bản) phát triển dự án The Waterfront Đồng Nai (tên gọi mới Izumi City), trong đó, Nam Long có 65,1% cổ phần và Hankyu Hanshin 34,9% cổ phần, tổng vốn đầu tư lên đến 18.600 tỷ đồng (803,5 triệu USD).
Tập đoàn Hưng Thịnh đã mua lại dự án Khu du lịch sinh thái và đô thị mới, quy mô 204ha tại xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, thông qua công ty con là Công ty cổ phần Địa ốc Sông Tiên.
Dù đã mạnh tay thâu tóm quỹ đất tại 04 dự án với quy mô lên đến 41ha trong giai đoạn 2019 – 2020, mới đây Tập đoàn An Gia tiếp tục đàm phán mua thêm 45ha đất tại TP.HCM và tỉnh Bình Dương.
Thương vụ khác là Công ty cổ phần Địa Ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) đã nâng tỷ lệ sở hữu lên gần 41% tại Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Long An IDICO để sở hữu quỹ đất 130ha tại Long An.
TTC Land còn hợp tác với Tổng công ty Tín Nghĩa để phát triển một dự án mới tại khu vực TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai với tổng quy mô hơn 160ha.
Tại các thành phố ven biển miền Trung như Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn cũng đang dần trở nên sôi động với nhiều thương vụ lớn.
Đơn cử là Tập đoàn Danh Khôi đã mua lại tòa tháp ven sông tại Đà Nẵng có diện tích khoảng 0,3ha từ Công ty TNHH Đầu tư Sun Frontier. Trước đó, nhà phát triển này cũng đã thâu tóm hơn 11.000m2 đất tại khu dân cư Cồn Tân Lập tại Nha Trang từ Công ty cổ phần Sông Đà Nha Trang.
Theo JLL, các hoạt động mua bán bất động sản nhộn nhịp sẽ làm thay đổi thị trường nhà ở. Trong khi Vinhomes tiếp tục dẫn đầu thị trường với thị phần đáng kể, những chủ đầu tư khác như Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Nova (Novaland) và Nam Long sẽ có khả năng tăng thứ hạng rất nhanh với danh mục đầu tư ngày càng mở rộng.
TIẾP TỤC SÔI ĐỘNG
Đa số các dự án được phát triển bởi những chủ đầu tư uy tín, có chiến lược phát triển bền vững, JLL dự báo giai đoạn phát triển tiếp theo của thị trường nhà ở sẽ có nhiều sản phẩm lượng tốt hơn phục vụ cho người dân.
Theo ghi nhận của JLL về thị trường bất động sản Việt Nam, để dự báo được hiệu quả hoạt động của một doanh nghiệp cần xem xét hai yếu tố: khả năng phát triển dự án và quỹ đất dài hạn.
Trong đó, quỹ đất là điều tất yếu để nhà phát triển chứng tỏ cam kết trong thời gian dài, và năng lực phát triển sẽ được thể hiện qua số lượng các dự án và tỷ lệ bán thành công.
JLL dự báo cuộc đua thâu tóm quỹ đất của các nhà phát triển sẽ tiếp tục sôi động và điều này sẽ làm thay đổi diện mạo thị trường nhà ở trong 5 năm tới.
Đối với một thị trường bất động sản đang phát triển nhanh chóng như Việt Nam, việc tìm mua được quỹ đất tốt không chỉ dựa vào nguồn tài chính mà còn là chiến lược kinh doanh rõ ràng và bền vững, tầm nhìn dài hạn, năng lực phát triển, am hiểu thị trường sâu sắc và khả năng tiếp cận quỹ đất phù hợp… Đây là những điều không thể thiếu đối với bất kỳ chủ đầu tư nào để thành công trong ngắn hạn và dài hạn.
Ngoài ra, cuộc đua thâu tóm quỹ đất tại Việt Nam sẽ thúc đẩy xu hướng phát triển nhà ở ra các tỉnh vệ tinh có kết nối thuận tiện với thành phố lớn, sẽ hình thành các dự án tích hợp quy mô lớn với đầy đủ tiện nghi bên trong nội khu hoặc là nơi nghỉ dưỡng cuối tuần.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), thị trường bất động sản đang có sự chuyển giao dự án từ các doanh nghiệp không chuyên nghiệp sang các doanh nghiệp chuyên nghiệp. Sự chuyển giao này sẽ làm tăng tính thanh khoản thị trường, giúp giảm hàng tồn kho và phục hồi niềm tin thị trường.
Phản hồi