Kiến nghị miễn tiền thuê đất, sử dụng đất với diện tích đất làm nhà cho công nhân thuê
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Theo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, trong quá trình triển khai dự án thí điểm thiết chế Công đoàn tại tỉnh Hà Nam và một số địa phương khác đã phát sinh một số các vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, pháp luật làm ảnh hưởng tới tiến độ, mục tiêu của Đề án phát triển nhà ở cho công nhân.
Vì vậy kiến nghị Chính phủ xem xét đề xuất sửa Luật Nhà ở theo hướng tách đối tượng người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp ra khỏi nhóm đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; bổ sung chương mới: Chính sách về nhà ở riêng cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp.
Đồng thời đề nghị ban hành tiêu chuẩn diện tích ở đối với nhà ở công nhân khu công nghiệp cho thuê được thiết kế tối thiểu là 10 m2/người.
Về quy hoạch quỹ đất, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị sửa đổi đồng bộ quy định về việc dành quỹ đất cho phát triển nhà ở công nhân khu công nghiệp trong các pháp luật: Luật Đất đai 2013 (tại Điều 149), Luật Đầu tư 2020 (tại Khoản 9 Điều 77) và Nghị định số 82/2018/NĐ-CP (tại Khoản 4 Điều 32), theo hướng: Trong quy hoạch khu công nghiệp phải quy hoạch bố trí đất làm nhà lưu trú cho công nhân thuê, có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ khu nhà ở công nhân, tuy nhiên phải bố trí riêng biệt với khu sản xuất, văn phòng.
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Chính phủ miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất đối với diện tích đất làm nhà lưu trú cho công nhân thuê; được miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và được tính chi phí xây dựng nhà ở vào giá thành sản xuất…
Giao chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp hoặc các đối tượng doanh nghiệp khác hoặc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư dự án nhà lưu trú công nhân (chủ yếu là hình thức cho thuê); đáp ứng tối thiểu 50% nhu cầu nhà ở cho công nhân làm việc trong khu công nghiệp.
Về chủ đầu tư nhà ở cho người lao động, khi sửa Luật Nhà ở, tại Chương riêng Chính sách về nhà ở cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng cần có điều khoản về chủ thể đầu tư xây dựng nhà ở xã hội là Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng nhà ở cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp.
Về lựa chọn chủ đầu tư, giao Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ thể lựa chọn nhà đầu tư trên tại dự án nhà ở thuộc quy hoạch khu thiết chế công đoàn để chủ động triển khai Đề án.
Liên quan đến đối tượng và điều kiện được thuê nhà ở cho người lao động tại doanh nghiệp, kiến nghị đối tượng là công nhân, đoàn viên công đoàn và người lao động đang làm việc ở khu công nghiệp. Ưu tiên đối với các trường hợp người lao động ngoại tỉnh có hợp đồng lao động tại khu công nghiệp; doanh nghiệp trong khu công nghiệp được thuê để bố trí cho người lao động của mình ở hoặc thuê lại.
Điều kiện để được thuê nhà ở công nhân là người không có nhà ở, có nhà nhưng ko đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho bản thân hoặc cách xa khu làm việc trên 20km. Thủ tục cho công nhân thuê gồm đơn xin thuê nhà, xác nhận của thủ trưởng cơ quan, hợp đồng thuê nhà với ban quản lý nhà ở.
Người lao động khu công nghiệp không được cho thuê lại hoặc chuyển nhượng hợp đồng thuê.
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất đối với diện tích đất làm nhà lưu trú cho công nhân thuê; được miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế và được tính chi phí xây dựng nhà ở vào giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam;
Trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến hệ thống pháp luật liên quan, Thủ tướng Chính phủ cần giao Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát quy hoạch, hiện trạng sử dụng đất khu công nghiệp trên địa bàn toàn quốc.
Bên cạnh đó, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ cho phép đầu tư thí điểm xây dựng nhà ở cho công nhân tại các địa phương có số lượng công nhân đông như Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Phản hồi